Cấm thi lớp 6 vào đề Văn
Đêm 17/4, Sở GD&ĐT Hà Nội gửi công văn hỏa tốc yêu cầu tất cả các trường THCS trên địa bàn thành phố tuyển sinh vào lớp 6 theo phương thức xét tuyển học bạ.
Trước đó, ngày 11/4, 6 trường "nóng" tại Hà Nội (trong đó có trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam) đề ra phương án đánh giá năng lực, đo chỉ số IQ, EQ để tuyển chọn học sinh. Sự thay đổi phương thức tuyển sinh trong giai đoạn “nước rút” của Sở GD&ĐT khiến nhiều thầy cô, phụ huynh và học sinh bất ngờ.
Khi nhận câu hỏi trong đề văn: “Hãy ghi lại tâm trạng và những kiến nghị của em khi biết tin trường chuyên Hà Nội – Amsterdam sẽ xét tuyển để chọn học sinh vào lớp 6”, một nhóm học sinh ở Hà Nội đã trả lời rất chân thành.
Có thể mất cơ hội vì xét tuyển
Nhiều học sinh bày tỏ, các em mơ ước được trở thành Amser từ ngày nhỏ. T.A viết: “Được học trong một môi trường rất nhiều người tài giỏi và thông minh là ước mơ, khát khao của biết bao học sinh. Ai chẳng muốn được cắp sách tới trường Amsterdam trong sự kiêu hãnh, trầm trồ của mọi người”.
M.C tâm sự: “Từ nhỏ em đã nghe mọi người hết lòng khen ngợi về trường Amsterdam. Sau thời gian tìm hiểu, em thấy đây là môi trường rất hợp với mình”.
Ngôi trường chuyên là ước mơ của nhiều học sinh, trong đó có M.C. |
Để thực hiện ước mơ, nhiều trò tiểu học đã chăm chỉ học tập, ôn luyện. Các em tin tưởng, sẽ đạt kết quả tốt nếu dự thi bởi đã cố gắng ôn luyện, luôn được thầy cô khen thưởng. Tuy nhiên, liệu các em có được chọn bằng hình thức xét tuyển không?
Phương thức tuyển sinh này khiến nhiều học sinh tiếc nuối công sức luyện tập. M.C cho biết, trước đó em đã chăm chỉ học tập các môn chính như Toán, Tiếng Việt, càng phấn đấu khi nghe thông tin nhà trường sẽ kiểm tra IQ.
Em N.A chia sẻ cảm xúc: “Lúc đầu em cảm thấy hơi buồn, vì những cố gắng thành uổng phí hay sao? Nếu không thể vào được Amsterdam thì sao? Những suy nghĩ như vậy cứ tràn ngập trong đầu em. Nhưng rồi cứ buồn mãi cũng chẳng làm được gì. Em bắt đầu hi vọng mình sẽ là người may mắn. Em sẽ phải cố gắng hơn. Em mong muốn ngôi trường sẽ có phương án tốt nhất để xét tuyển vào học sinh lớp 6”.
Bạn T.T viết: “Bây giờ công sức chúng em trở thành công cốc, mọi ước mong, khát vọng “không cánh mà bay”. K. L bày tỏ: “Không được thi nữa khiến em và các bạn cảm thấy mệt mỏi”.
Học sinh M.P buồn vì đã không được chứng tỏ khả năng sau 5 năm nỗ lực. |
Xét tuyển liệu có công bằng?
Những học sinh tiểu học lớp 5 bày tỏ suy nghĩ, phương án tuyển sinh vào lớp 6 không thực sự công bằng.
Bạn D.N chỉ ra thực tế trong lớp học: “Nếu xét về giải thưởng thì một số học sinh chỉ khá trong các cuộc thi chứ học trên lớp không giỏi. Ví dụ, một số bạn thi giải toán qua mạng rất giỏi, điểm cao, làm nhanh nhưng trên lớp chỉ thuộc dạng trung bình. Hay các bạn khỏe mạnh dự thi thể thao nhưng ở lớp cũng bình thường, thậm chí học kém. Vì vậy nếu xét giải tin học, thể thao, các môn phụ là chưa đủ. Còn nếu xét các môn Toán, tiếng Việt và học bạ thì cả thành phố không ít học sinh đạt yêu cầu”.
Học sinh lo lắng liệu phương pháp xét tuyển có công bằng? |
Từ đây, phần lớn trò tiểu học có chung ý kiến: “Theo em, nên để tuyển học sinh qua bài kiểm tra vẫn là cách tốt nhất. Với bài này, những bạn thật sự giỏi mới có thể trúng tuyển. Như vậy trường Amsterdam sẽ tuyển chọn được những chồi non xanh mới, có đủ tài năng để ươmg mầm thành thiên tài”.
M.P bày tỏ ước muốn: “Nếu các bạn hỏi em: ‘Nếu có một điều ước, cậu sẽ ước gì?’, không do dự hay lãng phí điều ước, em trả lời: ‘Tớ muốn các trường vẫn tổ chức thi bình thường”.
K.L gửi lời kiến nghị: “Em mong Bộ GD&ĐT hãy xem xét quyết định lại việc này, để ước mơ của em và hàng ngàn học sinh thông minh, chăm chỉ sẽ tới đích”.
Chia sẻ về vấn đề xét tuyển vào lớp 6 trường THPT Amsterdam, PGS Văn Như Cương trăn trở: "Chúng ta cần suy nghĩ có nên để hình thức trường chuyên, lớp chọn nữa không? THPT chuyên Amsterdam là trường có bề dày thành tích. Nếu có hệ THPT chuyên, cần có hệ THCS chuyên. Nhưng hình thức xét tuyển sẽ không lựa chọn được học sinh chất lượng cao. Trong giáo dục, làm gì cũng phải có trình tự từ gốc đến ngọn. Sau khi vào đại học, nhiều em cũng không lựa chọn được đúng môi trường chuyên dành cho mình”. |