Lớp trưởng làm chủ tịch: Ép trẻ sính quyền lực từ nhỏ?

Chức danh “chủ tịch hội đồng tự quản” có thể tạo cho học sinh tâm lý tranh chức, tranh quyền ngay từ nhỏ.

Chức danh “chủ tịch hội đồng tự quản” có thể tạo cho học sinh tâm lý tranh chức, tranh quyền ngay từ nhỏ.

Bộ GD-ĐT vừa công bố Dự thảo Điều lệ trường tiểu học với một số nội dung mới, trong đó, lớp trưởng bậc tiểu học sẽ là chủ tịch hội đồng tự quản.

Sau khi dự thảo được công bố, dư luận cho rằng, chức danh này rất tốt cho trẻ, giúp trẻ có trách nhiệm từ nhỏ. Tuy nhiên cũng có ý kiến không đồng tình bởi áp chức danh mới khiến trẻ hình thành tâm lý thích quyền lực.

Lớp trưởng làm chủ tịch: Ép trẻ sính quyền lực từ nhỏ? - 1

Nhiều người cho rằng, trẻ làm chủ tịch sẽ sớm trưởng thành hơn

Trẻ sớm hình thành tâm lý “ra oai”

GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, đặt ra quá nhiều chức vụ “lớp trưởng, lớp phó, chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản, tổ trưởng, tổ phó rồi thư ký...” trong khối tiểu học chỉ làm học sinh quen với bộ máy quản lý quá cồng kềnh ngay từ khi còn nhỏ.

“Với trẻ bậc tiểu học, chức vụ để làm gì? Quá nhiều chức danh, liệu trẻ có làm được hay không? Học sinh tiểu học còn nhỏ, ngây thơ mà gọi là chủ tịch hội đồng tự quản, tôi nghĩ không nên đưa các cháu vào hệ thống quan chức rối ren”, ông Thuyết cho hay.

Theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, thay đổi lớp trưởng, lớp phó luân phiên nhằm rèn luyện, tạo điều kiện cho mỗi học sinh có kỹ năng tổ chức, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng làm việc nhóm. Bởi, trẻ nắm giữ chức vụ quá lâu sẽ quen với chức quyền, hình thành tâm lý ra oai.

GS. Nguyễn Minh Thuyết lo ngại, nếu giáo viên không quán triệt từ đầu (mỗi chức danh nắm giữ trong bao lâu) sẽ rất dẫn đến tình trạng trẻ sốc khi mất chức. Hơn nữa, một cháu có khi làm lớp trưởng, lớp phó mãi thì có thể sẽ chủ quan, bắt nạt bạn.

Đồng quan điểm này, một cô giáo đang công tác tại trường tiểu học ở Hà Nội chia sẻ, tên gọi “chủ tịch hội đồng tự quản" trong nhà trường là không hay. Bởi từ trước tới nay, các từ “lớp trưởng”, "lớp phó” rất gần gũi với học sinh và bao hàm ý nghĩa trong một lớp, có một người trưởng chịu trách nhiệm. Chức “chủ tịch" là những từ chỉ những vị trí ở ngoài xã hội. Vì thế, nói “chủ tịch” của một lớp là không phù hợp. Đồng thời dùng những từ này có thể tạo cho học sinh tâm lý tranh chức, tranh quyền ngay từ nhỏ.

Chức danh mới giúp trẻ mạnh dạn hơn

Chia sẻ với phóng viên, TS. Vũ Thu Hương, Giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, chức danh “chủ tịch hội đồng tự quản” không to tát với trẻ con. Chức danh này giúp các cháu tự tin, mạnh dạn và làm được nhiều việc hơn.

Lớp trưởng làm chủ tịch: Ép trẻ sính quyền lực từ nhỏ? - 2

TS. Vũ Thu Hương, Giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội

“Mô hình trường học mới tập cho học sinh tự quản, tự học, biết làm việc nhóm, mạnh dạn nói lên ý kiến của bản thân”, bà Hương cho hay.

Theo bà Hương, nếu lớp trưởng, chỉ đơn thuần kiểm soát các bạn, mách cô thì chủ tịch giúp trẻ làm được nhiều việc hơn về ý thức tự quản, đánh giá các bạn.

Ngoài ra, tên gọi “chủ tịch hội đồng tự quản” gần gũi hơn tên gọi “lớp trưởng”. Nó gắn với thực tiễn hơn tên gọi lớp trưởng. Bởi nếu suy nghĩ trẻ luôn bé bỏng, trẻ sẽ không thể phát huy hết khả năng và cảm thấy không được coi trọng. Ngược lại, nếu được giao quyền, trẻ sẽ cố gắng hoàn thành trách nhiệm và sẽ trưởng thành dần sau mỗi thử thách.

Tuy nhiên, cũng theo bà Hương, trên thế giới, ở bậc tiểu học hầu như không có chức vụ trong lớp. Họ theo quan niệm công bằng tuyệt đối. Những nước này họ cho rằng, bậc tiểu học có mô hình ban cán sự được giao quyền hành là không nên. Họ lo ngại, trẻ sẽ hình thành tư tưởng lạm quyền, áp bức bạn.

TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cũng đồng tình với nội dung mới trong dự thảo, trong đó, lớp trưởng bậc tiểu học sẽ là chủ tịch hội đồng tự quản.

“Tôi thấy chủ trương này của Bộ GD-ĐT rất tốt. Họ quy định luân phiên cho trẻ nhận chức danh này thì tốt quá. Bởi cháu nào cũng muốn trải nghiệm, đóng vai này, vai khác. Như thế, trẻ sẽ trưởng thành hơn”.

Tuy nhiên, ông Lâm cũng lo ngại: “Nếu trẻ làm lâu một chỗ, tôi cũng sợ biến trẻ thành quan chức trẻ con, bố mẹ đua nhau chạy chức cho con thì hỏng”.

Do đó, theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, giáo viên cần phải khẳng định vai trò trong tình huống này bởi chính các thầy cô là người định hướng cho học sinh. Giáo viên có quyền phán xét và thay thế cán bộ lớp nếu trẻ làm sai.

Theo Dân Việt



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.