Mẹ Nhật dạy con tự lập: 2 tuổi đi mua đồ giúp mẹ, 6 tuổi tự đi học một mình

Ngay từ đầu, bố mẹ Nhật đã xác định rằng việc để con tự lập, không quá bao bọc, hay không có bố mẹ kè kè ở bên chính là đang mang lại những điều tốt đẹp cho con sau này.

Ngay từ đầu, bố mẹ Nhật đã xác định rằng việc để con tự lập, không quá bao bọc, hay không có bố mẹ kè kè ở bên chính là đang mang lại những điều tốt đẹp cho con sau này.

Liệu có bao giờ bạn để đứa con 6 tuổi của mình một mình tham gia giao thông công cộng? Liệu có bao giờ bạn sai khiến đứa con 2 tuổi của mình đi mua đồ giúp ở cửa hàng tạp hóa gần nhà?
 
Điều này có thể khó xảy ra ở Việt Nam, nhưng tại Nhật Bản, việc trẻ em tự mình tham gia giao thông, tự mình đi đến trường, đi mua đồ ở các cửa hàng tiện lợi, siêu thị từ khi còn rất nhỏ là một cảnh tượng vô cùng phổ biến. 
 
 Những hình ảnh này rất phổ biến tại Nhật - những đứa trẻ đi mua đồ, đi chơi mà không có bố mẹ đi cùng (Ảnh minh họa)
 
Có một chương trình truyền hình của Nhật Bản mang tên Hajimete no Otsukai (Con đã lớn khôn) đã rất thành công suốt nhiều năm dựa vào việc ghi lại hình ảnh chân thực nhất của những đứa trẻ khi đi ra ngoài mà không có người lớn đi cùng. Sở dĩ, chương trình này nổi tiếng là bởi thực tế là tất cả mọi người dân Nhật Bản đều quan tâm đến việc trẻ sẽ làm gì trong “nhiệm vụ đầu tiên” của mình.

Cách dạy con này của người Nhật đã khiến toàn thế giới phải ngạc nhiên. Trong một bộ phim tài liệu ngắn được sản xuất bởi SBS2 và được phát trên Youtube về sự tương phản giữa cuộc sống của hai gia đình, một gia đình đến từ Nhật Bản và một gia đình đến từ Úc đã càng cho thấy sự khác biệt rõ nét về điều này. 
 
 Cô bé Ando Noe đã tự mình đi học trên chuyến xe lửa đầy đông đúc mỗi sáng mà không cần bố mẹ đi cùng
 
Với tiêu đề “Sự độc lập của trẻ em Nhật Bản”, bộ phim đã kể về cô bé 7 tuổi người Nhật mang tên Ando Noe về hành trình đến trường hằng ngày của cô bé, một mình, trên chuyến xe lửa đầy đông đúc mỗi sáng và thậm chí là còn phải đổi tuyến, chuyển tàu giữa chừng.
 
Video nhấn mạnh rằng ở Nhật Bản, trẻ em được khuyến khích phát triển sự độc lập và biết chăm sóc bản thân mình ngay từ khi còn rất nhỏ. Và cô bé Ando cũng không phải là một ngoại lệ. Không chỉ đến trường một mình, cô bé còn rất thành thạo trong việc tự tắm rửa và gội đầu cho mình mỗi ngày.
 
“Nếu bị lạc hay bắt sai tàu, con sẽ phải tự tìm cách tự giải quyết”. Đó là một quan điểm vô cùng rõ ràng mà mẹ Ando đã chia sẻ trong video. “Con bé sẽ không thể về đến nhà nếu con bé không làm được điều đó” – mẹ Ando nói thêm.
 
 
Các cô bé, cậu bé không chỉ đi học một mình mà còn thường phải mang theo khá nhiều đồ như cơm hộp, quần áo thể thao...(Ảnh minh họa).

Jake Adelstein, một nhà báo điều tra của Mỹ nổi tiếng trong video đã cho biết thêm rằng đó là cách mà xã hội Nhật Bản làm việc. Ông cho biết xã hội và văn hóa làm việc Nhật Bản sẽ bị đảo lộn hoàn toàn nếu cha mẹ đưa đón con từ nhà đến trường mỗi ngày.

Nửa sau của bộ phim là cuộc sống của gia đình cô bé Emily 10 tuổi đến từ Sydney, Úc. Mỗi ngày, Emily đều được bố đưa đón tới trường bằng xe ô tô. Nhưng khi được hỏi là cô bé mong muốn gì thì câu trả lời của Emily lại khiến người xem vô cùng ngạc nhiên. Emily nói rằng cô bé mong chờ mình có thể tự đi bộ về nhà một mình từ trường và có một chùm chìa khóa nhà của riêng mình. 
 
Theo ông Harold Scruby, chủ tịch hội đồng người đi bộ Úc thì “Xã hội chúng ta đang bị hoang tưởng (về những nguy hiểm) khi để trẻ em một mình”. Mặt khác, văn hóa độc lập của trẻ em Nhật Bản thì lại dựa vào việc cha mẹ đặt niềm tin tuyệt đối vào cộng đồng của họ.
 
 Không chỉ dạy cho con cách hoạt động độc lập, các ông bố, bà mẹ Nhật Bản con có niềm tin tuyệt đối vào cộng đồng của họ. (Ảnh minh họa)
 
Theo ông Dwayne Dixon – một nhà nhân chủng học văn hóa từng viết luận án Tiến sĩ về giới trẻ Nhật, đó không hẳn là tự lập, mà là sự “tín nhiệm cộng đồng”. Ông chia sẻ với tờ City Lab rằng: “Trẻ em Nhật học những việc đó từ sớm, bất cứ thành viên nào của cộng đồng đều được khuyến khích phục vụ và giúp đỡ người khác”.
 
“Rất nhiều đứa trẻ trên thế giới này có thể tự lập” – ông Dixon nói. “Nhưng điều mà tôi cho rằng người phương Tây bị hấp dẫn Nhật Bản là lòng tin và sự giúp đỡ lẫn nhau, không cần phải nói ra mà luôn được làm bằng sự tự nguyện”.
 
"Gửi con yêu dấu vào cuộc hành trình” là điều mà bố mẹ Nhật nào cũng muốn (Ảnh minh họa)
.
Có một câu tục ngữ phổ biến ở Nhật Bản đó là "Kawaii ko ni wa tabi o saseyo" tạm dịch "Gửi con yêu dấu vào cuộc hành trình”. Tức là ngay từ đầu, bố mẹ Nhật đã xác định rằng việc để con tự lập, không quá bao bọc, hay nói cách khác "gửi con vào cuộc hành trình" không có bố mẹ kè kè ở bên chính là đang mang lại những điều tốt đẹp cho con sau này. Việc để cho con tự lập của các bậc phụ huynh ở Nhật Bản không chỉ giúp cho các bé tự tin, thể hiện bản lĩnh cá nhân dám đương đầu với mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống mà còn giúp các em trưởng thành hơn. Không những vậy, điều này còn chứng minh rằng họ tin vào khả năng của con họ, tin vào những điều tốt đẹp ở một xã hội Nhật Bản văn minh, hiện đại. 

Đã có không ít các bậc phụ huynh ở nhiều nước trên thế giới học tập và áp dụng các phương pháp dạy con của cha mẹ Nhật, trong đó có cả các mẹ Việt Nam. Dạy con kiểu Nhật thời gian gần đây đã trở thành cụm từ quen thuộc với nhiều gia đình Việt và việc áp dụng đó đã đem lại những hiệu quả nhất định ở Việt Nam nói riêng.
 
Theo Trí thức trẻ



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.