'Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn'...

Sân chơi nào phù hợp để dành cho trẻ em ở thành phố khi mỗi dịp nghỉ hè?

Một câu chuyện muôn thuở đã được báo chí “đào đi xới lại” không biết bao nhiêu năm nay nhưng vẫn vẹn nguyên tính thời sự: sân chơi nào phù hợp để dành cho trẻ em ở thành phố khi mỗi dịp nghỉ hè?

Thiếu thời gian


Với nhiều gia đình ở thành phố, nghỉ hè của con cái đồng nghĩa với một gánh nặng lo lắng trút lên vai các bậc cha mẹ: từ tìm gia sư dạy thêm, tìm người quản lý con cái, tìm lớp học năng khiếu, lớp học bơi,... Và trong thâm tâm, nhiều bậc cha mẹ mong muốn sao cho nhanh hết mùa hè để con mình lại đến trường đi học, nhịp sinh hoạt trở lại bình thường, không bị đảo lộn.

Đó là câu chuyện của trẻ em ở thành phố. Với các vùng nông thôn, dường như nghỉ hè của trẻ cũng không tác động nhiều lắm đến nhịp sinh hoạt của gia đình.

Gần một tháng nay, kể từ khi hai con nghỉ hè, không phải đến trường đi học, nhịp sinh hoạt và công việc anh Dương Văn Long (xã Thiệu Dương, Thiệu Hóa, Thanh Hóa) dường như vẫn như cũ, ít bị ảnh hưởng. Anh Long làm chủ thầu xây dựng, anh nhận các công trình ở thành phố Thanh Hóa để làm, buổi sáng đi làm, chiều tối về nhà.

Đi kèm với việc con nghỉ hè cũng là nỗi lo của các bậc phụ huynh khi không có quỹ thời gian để quan tâm đến con cái. Ảnh minh họa.

Trong khi đó, vợ anh, chị Lê Thị Hoa (34 tuổi), làm công nhân cho một nhà máy may mặc trong thị trấn Vạn Hà (Thiệu Hóa) cũng vẫn đều đặn với công việc của mình. Anh chị không phải tốn bất kì một chi phí nào cho việc nghỉ hè của con.

“Vợ chồng tôi có 2 cháu, cháu đầu sang năm học mới này sẽ vào lớp 5, cháu thứ hai vào lớp 2. Nghỉ hè hay đi học cũng vẫn thế thôi, ở nhà đã có ông bà rồi. Ông bà ở nhà trông nom cháu và đến bữa thì nấu cơm cho các cháu ăn, đến tối bố mẹ mới đi làm về. Lâu nay vẫn thế, tôi thấy cũng không ảnh hưởng gì nhiều”, anh Long nói.

Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có được sự may mắn như vợ chồng anh Long khi có ông bà trông nom giúp các cháu.

Với chị Lê Thị Hương (Thanh Xuân, Hà Nội), con nghỉ hè thực sự là một gánh nặng bởi anh chị bận việc và không có thời gian để chăm sóc con. “Ông bà nội đã mất, ông bà ngoại thì già yếu và ở mãi Bắc Giang, nên vợ chồng tôi không có người trông nom con cái”, chị Hương nói.

Trẻ em bị tử vong do đuối nước trong mỗi dịp hè đang là mối lo ngại của nhiều người hiện nay. Ảnh: L.T.

Chồng chị Hương làm nghề lái xe cho một công ty vận tải ở Hà Nội, trong khi chị Hương lại phải trông nom một cửa hàng bán quần áo ở thị trấn nên cả hai vợ chồng chỉ đến chiều tối mới về nhà.

Chị Hương cho biết: “Trước kia con còn nhỏ, vợ chồng tôi khi đi làm phải thuê người giúp viêc để trông con. Nhưng giờ cháu đầu đã lớn, năm nay 14 tuổi nên cháu có thể ở nhà trông em. Hằng ngày tôi vẫn dậy sớm, nấu cơm và chuẩn bị đồ ăn cho con rồi mới đi làm. Buổi trưa, các cháu tự ăn cơm mẹ đã nấu sẵn, tối vợ chồng tôi mới về. Cũng tùy hoàn cảnh thôi, các con tôi rồi cũng quen với cách sinh hoạt này”.

Thiếu sân chơi

Dù 3 con đều đã nghỉ hè (cháu đầu học lớp 7, hai cháu còn lại học lớp 5 và lớp 2), song chị Nguyễn Phương Mai (trú tại KTT Thành Công, Đống Đa, HN) vẫn quyết định tìm lớp học hè cho con thay vì gửi con về quê, mặc cho ông bà nội ở quê liên tục gọi điện lên giục đưa cháu về thăm ông bà.

“Ông bà ở quê rất nhớ các cháu, cứ mong các cháu được nghỉ hè thì bố mẹ sẽ đưa về quê. Mọi năm vợ chồng tôi vẫn tranh thủ đưa con về quê nhưng năm nay có lẽ không về được. Vợ chồng tôi đều bận. Chồng tôi đi công tác suốt, nên không có thời gian”, chị Mai tâm sự.

Giải pháp thay thế được chị Mai lựa chọn cho con trong dịp nghỉ hè là cho con đi học thêm lớp tiếng Anh.

Tương tự chị Mai, chị Nguyễn Thị Lan (Thanh Trì, Hà Nội) hè năm nay cũng không đưa các con về quê nội ở Nam Định bởi lý do “sợ con ra ao, ông bà một lúc nào đó không để mắt tới được, các cháu ngã xuống ao”.

Nhưng cũng vì lý do trên mà hệ quả là vợ chồng chị Lan đã bị ông bà nội ở quê gọi điện lên trách móc và giận dỗi vì nghĩ “vợ chồng nó giờ chỉ biết kiếm tiền, không còn nhớ đến quê hương bố mẹ gì nữa”.

“Cuối tuần vừa rồi, vợ chồng tôi phải đưa 2 cháu về quê chơi với ông bà 2 hôm và giải thích cho ông bà hiểu nên ông bà mới thôi giận đấy. Người già hay cả nghĩ, nhưng mà đúng là vợ chồng tôi không yên tâm khi con cái không có mặt bố mẹ bên cạnh”, chị Lan nói.

Nhà văn hóa, lớp học năng khiếu luôn quá tải trong mỗi dịp hè. Ảnh: TTO.

Nhà văn hóa, cung thiếu nhi, các lớp dạy học bơi, dạy năng khiếu cho trẻ… là những địa điểm được các bậc phụ huynh “nhắm” đến cho con trong những dịp nghỉ hè. Song, không phải ai cũng có thể chọn cho con được những địa chỉ vừa ý, chưa kể đến các địa điểm nói trên luôn trong tình trạng quá tải mỗi dịp hè.

Nỗi lo đuối nước

Giờ có nhiều lý do khiến cha mẹ ở phố thị thiếu tự tin và không mạnh dạn gửi con về quê như xưa nữa. Khảo sát tai nạn thương tích ở nước ta 10 năm qua do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và ĐH Y tế Công cộng mới công bố, chết đuối là nguyên nhân dẫn đến tử vong nhiều nhất ở trẻ dưới 18 tuổi, mỗi ngày khoảng 10 trẻ chết đuối. Nguy cơ bị tai nạn thương tích ở nhóm trẻ nghèo và trẻ nông thôn cao gấp đôi thành thị.

Thực tế đang diễn ra hiện nay ở một số vùng quê là việc quản lý con trong dịp nghỉ hè không được cha mẹ chú ý nhiều. Con cái nghỉ hè hoặc được thoải mái đi chơi hoặc do kinh tế gia đình khó khăn, các em đã buộc phải đi làm như một lao động thực thụ trong gia đình.

Các bể bơi ở thành phố luôn đông trong mỗi dịp hè... Ảnh: T.L.

Hơn một tháng nay kể từ khi được nghỉ hè, Đỗ Văn Minh (12 tuổi, quê Cẩm Thủy, Thanh Hóa) buổi trưa lại cùng các bạn ra sông Mã cào hến. Minh cho biết, đoạn sông chảy qua làng có bãi cát và rất nhiều hến. Mỗi ngày, chỉ cần cào từ sáng đến trưa là đã được 5 – 7kg hến, sau khi bán cũng được hơn 50.000 đồng.

“Có hôm trúng bãi, bọn cháu còn cào được nhiều hơn, bán có hôm được gần 100.000 đồng”, Minh khoe. Khi được hỏi đi cào hến ở sông như thế không sợ nguy hiểm sao thì Minh cười: “Cháu biết bơi mà, với lại đông bạn đi lắm, không sợ”.

Trong khi đó, với Nguyễn Hoài Nam (10 tuổi, quê Thiệu Hóa, Thanh Hóa), công việc làm thêm có vẻ “đặc biệt”. Mỗi tối, Nam thường cùng các bạn trong làng ra đồng đi soi cua, cá và ốc.

Điều đáng nói đây là, công việc hết sức nguy hiểm: người đi soi thường đi vào buổi tối, thậm chí về rất khuya và thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường ao đầm, kênh mương.

...nên những lớp dạy học bơi như thế này cũng rất hiếm. Ảnh: T.L.

Đối với người lớn, đây đã là công việc vất vả và nguy hiểm, thì với một đứa trẻ mới 10 tuổi sự nguy hiểm trên còn lớn hơn rất nhiều. Ai dám chắc khi soi cua, soi ốc, người đi soi sẽ không có lúc sơ sẩy rơi xuống ao hồ?...

Khác với trẻ em ở các thành phố, trẻ em ở các vùng nông thôn phần lớn đều biết bơi lội vì đặc thù của môi trường sống, các em có điều kiện để tiếp xúc với sông suối, ao hồ khá sớm.

Trên thực tế, không khó khăn khi chúng ta bắt gặp cảnh từng đám trẻ em ở các vùng quê vào những buổi trưa thường rủ nhau ra tắm sông, hồ, đầm… mà không hề thấy sự có mặt của người lớn.

Có lẽ chuyện dạy học bơi cho trẻ chỉ là một khía cạnh nào đó của vấn đề. Quan trọng hơn, để hạn chế những vụ trẻ tử vong do đuối nước rất cần sự quan tâm của các bậc làm cha mẹ, của gia đình, của toàn xã hội. Trong đó, việc dành thời gian chăm sóc, quản lý con cái khi con cái nghỉ hè của cha mẹ đóng vai trò quyết định.

Theo NSTĐ



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.