Nam sinh hóa ‘Cô gái bán diêm’ viết thư gây xúc động

Bức thư “Gửi nhà văn Andersen” nói lên ước vọng của “Cô bé bán diêm”, mong muốn cuộc sống tình thương, hạnh phúc của nam sinh lớp 8, khiến nhiều người xúc động.

Bức thư “Gửi nhà văn Andersen” nói lên ước vọng của “Cô bé bán diêm”, mong muốn cuộc sống tình thương, hạnh phúc của nam sinh lớp 8, khiến nhiều người xúc động.

Vượt qua hơn 929 nghìn bài dự thi của thí sinh trên khắp cả nước, em Trương Hải Nam (học sinh lớp 8B, trường THCS Lê Hữu Lập, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) xuất sắc giành giải nhất cuộc thi Viết thư UPU lần thứ 44 với chủ đề “Hãy viết một bức thư nói về thế giới bạn lớn lên trong đó”.

Nam nhớ lại, từ khi ban tổ chức phát động cuộc thi, em nảy sinh ý tưởng và hoàn thành bức thư trong một tuần.

“Thấy các bạn trong lớp gửi thư cho nhiều nhân vật nổi tiếng trên thế giới, em muốn viết tác phẩm dự thi khác. Cùng thời điểm này, lớp vừa học tác phẩm văn học 'Cô bé bán diêm', em nghĩ ra ý tưởng gửi thư cho nhà văn Andersen”, nam sinh chia sẻ.

Em Trương Hải Nam hạnh phúc bên cô giáo chủ nhiệm. Ảnh: Nguyễn Dương.
Em Trương Hải Nam bên cô giáo chủ nhiệm. Ảnh: Nguyễn Dương.

Trong bức thư dài 3 trang giấy, Nam biến thành cô bé bán diêm viết thư bày tỏ ước nguyện, tâm tư gửi đến nhà văn Andersen – người sáng tác tác phẩm.

Mở đầu thư, người viết gửi đến nhà văn Andersen ước nguyện, nếu được gặp ông, sẽ xin nhà văn đừng sáng tạo nhân vật đáng thương đến vậy. Tiếp đó, cô bé nói lên ước muốn được sống trong thế giới hòa bình, hạnh phúc.

Thư có đoạn: “Cháu muốn được lớn lên trong một thế giới đẹp đẽ hơn, sống cuộc sống yên bình, hạnh phúc nhưng ngặt nỗi số phận và chính ông đã chẳng cho cháu được quyền lựa chọn. Cháu đã phải sống trong cảnh mồ côi mẹ, không lâu sau đó người bà thân thương nhất cũng qua đời; gia sản tiêu tán bởi người cha nghiện ngập, suốt ngày đánh đập, hành hạ con gái, nhất là khi cả ngày cháu chẳng bán được bao diêm nào…”.

Cuộc sống mà cô bé ước muốn không hẳn ở thế giới hiện đại, văn minh, mà đơn giản ở đó, con người chẳng bao giờ phải đối mặt chiến tranh, hận thù, bệnh tật, đói nghèo và tệ nạn xã hội.

Trang đầu của bức thư “Gửi nhà văn Andersen” do Nam viết đạt giải nhất cuộc thi. Ảnh: Nhà trường cung cấp.
Trang đầu của bức thư “Gửi nhà văn Andersen” do Nam viết đạt giải nhất cuộc thi. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Cuối thư, “Cô bé bán diêm” gửi đến nhà văn Andersen lời nhắn nhủ, không phải viết để trách móc, vì không cho mình cuộc sống như mơ ước.

“…Cháu hiểu vì nỗi lòng trăn trở, lo lắng cho những số phận trẻ em bất hạnh trên khắp thế giới nên ông mới viết một câu chuyện buồn như thế; ông viết nó bằng cả tâm huyết của mình với hy vọng có thể thức tỉnh trái tim vô cảm của con người, để chúng cháu có một cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Nam chia sẻ, đó cũng là điều em muốn gửi gắm đến mọi người qua bức thư, rằng hãy yêu thương con trẻ nhiều hơn, đừng vì phút lầm lỡ mà sa vào con đường tệ nạn xã hội.

Cô Trần Thị Nguyệt, giáo viên chủ nhiệm, đồng thời dạy Ngữ văn lớp Nam đang học, cho biết, ở lớp, em ngoan hiền, được bạn bè, thầy cô yêu mến. Nam học đều các môn, đặc biệt rất yêu thích và giỏi Văn.

Bài dự thi xúc động và ý nghĩa của Trương Hải Nam sẽ được ban tổ chức cuộc thi cấp quốc gia gửi nguyên văn, kèm bản dịch tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, tham dự cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 44 năm 2015.

Nam cùng các thí sinh đạt giải sẽ được Bộ Thông tin và Truyền thông trao bằng khen trong lễ tổng kết và trao giải cuộc thi vào thứ bảy, ngày 9/5 tới tại Hải Dương.


Theo Nguyễn Dương/Zing



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.