Cha mẹ vô tình khiến con yếu ớt, dựa dẫm

Thực tế, mỗi đứa trẻ sinh ra bản năng rất mạnh mẽ đó là bản năng bảo vệ bản thân, tuy nhiên, phụ huynh vì bao bọc quá vô tình khiến con trở nên yếu ớt, dựa dẫm.

Cho con tham gia các khóa học kỹ năng sống, các học kỳ quân đội trong dịp hè đang là vấn đề được rất nhiều phụ huynh quan tâm tìm hiểu. Tuy nhiên, lợi ích thực sự đến đâu và có quyết định cho con học hay không là điều mà các bậc cha mẹ không ngừng băn khoăn, đắn đo.

>> Để kỹ năng sống trở thành thói quen, lối sống tích cực

Mất tiền mà chưa yên tâm

Trước khi cho con đi lớp nhà trẻ, mẫu giáo, lớn hơn là vào cấp 1, cấp 2… các phụ huynh, đặc biệt ở thành phố luôn luôn phải tìm hiểu rất kỹ về môi trường và điều kiện học tập của trường, đội ngũ giáo viên, học phí… rồi mới quyết định. Trong khi đó, các lớp kỹ năng sống thường chỉ nổi và được quan tâm nhiều nhất vào dịp hè, cho dù chỉ cho con em tham gia trong một thời gian ngắn cũng khiến các bậc phụ huynh lo lắng.

Chị Thanh Vân (Thanh Trì): “Mình cũng muốn cho con đi học kỹ năng sống nhưng con bé nhà mình hơi nhút nhát nên sợ cháu lạ lớp, lạ bạn, lạ thầy cô… Thế nên, nguyên việc làm quen đã hết thời gian rồi không biết có học hành được gì không. Hơn nữa,  trong số rất nhiều trung tâm đào tạo kỹ năng sống không biết trung tâm nào uy tín để mà lựa chọn. Ngoài chi phí tham gia lớp học, việc đưa đón con đi học các lớp đó cũng mất thời gian nên vẫn còn đôi chút đắn đo”.


Các em học sinh  trong một khóa học trại hè quân đội

“Nghe các trung tâm dạy kỹ năng sống quảng cáo thì cũng hay lắm, nhưng một số khóa học họ đưa ra kiểu như: Phát triển nhận thức, phát triển ngôn ngữ….  thì mình thấy chưa ổn lắm. Những cái này các con phải đi học ở trường nhiều năm chứ học ở trung tâm  khoảng 1 tuần đến nửa tháng nghỉ hè có lẽ là chẳng thấm tháp vào đâu.”, anh Tân (Từ Liêm, Hà Nội) nhận định.

Chị Nguyệt (Đống Đa, Hà Nội): “Bé gái nhà tôi năm nay lên lớp 6, một số bạn bè cũng rủ tôi cho con tham gia hình thức học kỳ quân đội. Tham khảo qua một số đơn vị tổ chức thì rõ ràng lợi ích của hình thức này là có nhưng bản thân phụ huynh như tôi rất lo lắng. Bình thường đi học mệt mỏi, các con được bố mẹ chăm sóc hàng ngày, mùa hè coi như mùa nghỉ ngơi lại bắt con đi “hành xác” thì có nên không? Nghe nói các con phải khổ luyện, chịu nắng chịu nóng, ngủ ít, dậy sớm… Như thế chưa biết con tiếp thu học tập đến đâu lại ốm đau thì làm thế nào?”

Phụ huynh phải thoáng và “cứng rắn” hơn

Là một người từng cho con theo học các lớp kỹ năng sống dịp hè, anh Tuấn (Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi nghĩ phụ huynh chúng ta không nên đòi hỏi quá nhiều mà hãy nghĩ thoáng một chút. Đi học kỹ năng sống dịp hè, thứ nhất là các con không phải ở nhà nhiều để suốt ngày xem ti vi hay chơi điện tử, thứ hai các con được làm quen với môi trường khác, thầy cô bạn bè khác, có cơ hội học và thực hành kỹ năng sống, được chơi vui vẻ... Như vậy cũng hiệu quả rồi, còn việc các con tiếp thu được bao nhiêu, biết và thành thạo được kỹ năng sống nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, bố mẹ không nên quá kỳ vọng”.

31-10-201438-8193-1414757584
Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh

Trong một bài viết trên tạp chí Mẹ và Bé, Tiến sỹ Giáo dục học Nguyễn Thụy Anh cũng cho rằng: “Làm sao chúng ta có thể ngây thơ đòi hỏi ai đó trong vòng 1, 2 tuần tạo được một kỹ năng cho con mình? Đó là chưa kể những công việc cụ thể như gấp quần áo, quét nhà, rửa bát…, theo tôi, người dạy con hay nhất vẫn là cha mẹ. Thêm nữa, để trẻ làm một việc thành thạo, luôn phải có cổ vũ, hỗ trợ, nhắc nhở lặp đi lặp lại của người lớn".

Cho dù có tham gia các khóa học kỹ năng hay không, những đứa trẻ của chúng ta vẫn luôn sẵn sàng tiếp nhận những bài học kỹ năng sống từ bố mẹ, thày cô, bạn bè. Các khóa học kỹ năng chỉ cần và chỉ nên đóng vai trò định hướng cho trẻ trong nhận thức, đồng thời xây dựng những bài học, hành động hợp lý để có thể tạo được hiệu ứng tích cực về mặt tâm lý cho trẻ khiến trẻ thấm thía được ý nghĩa của những hành vi tích cực của mình, từ đó hồ hởi thực hiện hành vi ấy thường xuyên, thành hệ thống để biến chúng thành những kỹ năng”.

Diễn giả Lê Thanh Huyền

Riêng về hình thức trại hè quân đội, chị Lê Thanh Huyền – một diễn giả trong lĩnh vực đào tạo kỹ năng và tạo động lực nhìn nhận: “Tham gia trại hè quân đội, trẻ phải thực hiện kỷ luật của quân đội về thời gian, về tác phong, về việc cá nhân, trải nghiệm những bài tập công binh… Khó khăn lớn nhất đối với các bạn đó là lần đầu tiên xa gia đình tự lập, tự làm thậm chí những việc chưa bao giờ làm. Ngoài ra các em phải thay đổi giờ sinh hoạt, thay đổi ăn uống, thay đổi giờ học. Tiếp đến là ngủ không có điều hòa, quạt thì có 1 chiếc, làm gì phải xếp hàng, dậy sớm, ngủ ít, kỷ luật ngay nếu làm sai…Thế nên, phụ huynh thường có tâm lý lo sợ con không chịu được áp lực, không được chăm sóc như ở nhà…

Thực tế, mỗi đứa trẻ sinh ra bản năng rất mạnh mẽ đó là bản năng bảo vệ bản thân, tuy nhiên phụ huynh ta đã làm cho chúng yếu ớt, làm cho chúng trở nên sống dựa dẫm bởi lo sợ đó. Do vậy, chúng ta nên thay đổi, ta càng yêu con, thì càng nên cho con trải nghiệm cung bậc cuộc sống, cảm xúc của cuộc sống để con có kỹ năng, thái độ sống trong mọi tình huống. Đừng để cho con tài sản là tiền bạc mà hãy để cho con tính cách sống, lối sống và nghị lực sống …”

Vân Khánh/VietNamNet
Xem thêm: Hè đến phụ huynh "sốt" với giáo dục kỹ năng sống


Bạn có ủng hộ việc cho trẻ tham gia học các lớp dạy Kỹ năng sống dịp hè hay không?  Hãy chia sẻ quan điểm và giải pháp của bạn tới Tintuconline qua địa chỉ email tintuconline@vietnamnet.vn hoặc comment dưới bài viết.




Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.