Đồng hành cùng con học kỹ năng sống

Trước khi cho con em mình tham gia khóa đào tạo kỹ năng sống, các bậc phụ huynh nên hiểu đúng về kỹ năng sống và cần biết con em mình cần cái gì, yếu cái gì, thiếu cái gì… để lựa chọn các khoá đào tạo cho phù hợp.

Trẻ cần học kỹ năng sống là điều cần thiết và tất yếu. Tuy nhiên, trước khi cho con em mình tham gia khóa đào tạo kỹ năng sống, các bậc phụ huynh nên hiểu đúng về kỹ năng sống và cần biết con em mình cần cái gì, yếu cái gì, thiếu cái gì… để lựa chọn các khoá đào tạo cho phù hợp.

>> Hè đến, phụ huynh “sốt” với giáo dục kỹ năng sống

Kỹ năng sống chỉ là bề nổi nhỏ bé trong giáo dục lối sống

Việt Nam chưa phổ cập bộ môn giáo dục lối sống, mà chỉ duy nhất có mô hình giáo dục thực nghiệm của GS Hồ Ngọc Đại triển khai môn học này thay cho sách đạo đức từ năm 1978. Bắt đầu từ năm học 2013-2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới cho phép 8 tỉnh thành phố trên cả nước triển thí điểm chương trình giáo dục lối sống của GS Hồ Ngọc Đại. Và đầu năm 2015, các chương trình giáo dục kỹ năng sống mới được Bộ khuyến khích, cho phép các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên được triển khai một cách linh hoạt như có thể tích hợp với các môn học, hoặc thông qua các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, có thể do các cơ sở giáo dục chủ động tổ chức, hoặc liên kết với các đơn vị khác.

kỹ năng tự nhận thức là gì

Trẻ cần học kỹ năng sống là điều cần thiết và tất yếu

Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Ngô Thị Tuyên, Phó giám đốc thứ nhất, Trung tâm công nghệ giáo dục, Nhà xuất bản Giáo dục, một chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm về giáo dục lối sống, cho rằng không nên nhầm lẫn giữa giáo dục lối sống và giáo dục kỹ năng sống. Vì kỹ năng sống chỉ là phần bề nổi nhỏ bé trong giáo dục lối sống. Kỹ năng sống cho phép cá nhân có khả năng đối phó hiệu quả với nhu cầu và thách thức của cuộc sống hàng ngày. Kỹ năng sống có thể được bồi đắp sau những khóa học ngắn hạn. Nhưng lỗi sống hình thành nên nhân cách con người thì cần một quá trình giáo dục lâu dài với sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình.

Đồng quan điểm này, nhà giáo Phạm Toàn, người tiên phong trong việc cải cách giáo dục với triết lý trồng người hiện đại, nhiều  năm nay đã làm việc độc lập và kiên định cho ra một bộ sách giáo khoa trước tiên là cho cấp tiểu học, trong đó Giáo dục lối sống là một cuốn sách giáo khoa cốt lõi.  Theo nhà giáo Phạm Toàn, ngay từ khi trẻ vào lớp 1, chúng ta đã phải tìm sự đồng thuận trong tổ chức giáo dục bao gồm: Giáo viên, Học sinh, Phụ huynh về việc cho học sinh được sống tự chủ. Giáo dục lối sống là cách học đạo đức hoàn toàn mới khi con người hiện đại tự hình thành chính mình, tự tạo ra chính mình.

Kỳ vọng trẻ có lối sống tích cực sau một khóa học hè vài ngày, vài tuần hay thậm chí là vài tháng là kỳ vọng quá tham lam của các bậc phụ huynh. Và khóa kỹ năng sống chỉ có thể là liều thuốc giảm sốt tạm thời cho các bậc phụ huynh trong bối cảnh giáo dục Việt nam mới chỉ thí điểm chương trình giáo dục lối sống ở 8 tỉnh, thành phố, và khuyến khích phát triển bộ môn kỹ năng sống trong các cơ sở giáo dục.

Bà Nguyễn Thanh Thảo, Giám đốc Trung tâm đào tạo kỹ năng sống Vietsea, đơn vị phối hợp với Trung tâm huấn luyện 334, Tổng cục Kỹ thuật phân tích: “Phần lớn trẻ em học các trường công lập đã phải chịu áp lực của tính kỷ luật khô cứng trong nhà trường, hay tính áp đặt của cha mẹ, người lớn trong gia đình, nên các em thật sự là cần một người bạn để chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, và định hướng một cách mềm mại cho các em một lối sống lành mạnh, đúng đắn nhưng không làm mất đi bản sắc riêng của từng em”.

Chính vì vậy, một khóa học kỹ năng sống không chỉ tập trung vào tính kỷ luật trong việc xử lý các tình huống khẩn cấp giúp trẻ có kỹ năng tự bảo vệ mình như kẹt giữa đám cháy, trượt chân rơi xuống ao hồ, hố ga, hay lạc giữa rừng có nguy cơ bị bỏ đói và gặp cướp mà còn phải tạo điều kiện cho trẻ vui chơi, thư giãn với những thú vui lành mạnh như đọc sách, bơi lội…

Để kỹ năng sống trở thành thói quen, lối sống tích cực


Việc cho con tham gia các khóa học ngắn hạn chắc chắn là rất hữu ích trong dịp hè

Với 5 năm kinh nghiệm tổ chức các khóa học hè về kỹ năng sống cho trẻ em, có cơ hội tiếp cận với hàng nghìn phụ huynh học sinh, bà Thanh Thảo cho biết, tất cả các phụ huynh đều chung câu hỏi “Con tôi sẽ được gì sau khóa học này?”, sau đó là các câu hỏi cụ thể như “Con tôi có hết được tật dậy muộn mỗi sang sau khóa học không?”, “Con tôi có biết giúp đỡ cha mẹ công việc nhà sau khóa học không?”, “Con tôi có biết yêu thương nhường nhịn em nó sau khóa học không?”, “Sau khóa học này, con tôi có biết cách sử dụng điện thoại đúng mục đích giao tiếp không hay chỉ chơi game là chính?”

Câu trả lời là các con sẽ có được kỹ năng, nề nếp, cảm xúc tốt sau khóa học, nhưng kỹ năng, nề nếp, cảm xúc tích cực đó có thể trở thành thói quen tốt trong cuộc sống hàng ngày không còn phụ thuộc nhiều vào cách giáo dục của gia đình. Trẻ cần được đào tạo tất cả các kỹ năng mềm trong cuộc sống và cần được động viên, giám sát chặt chẽ để các kỹ năng đó trở thành thói quen tích cực, chứ không nên khó quản là cấm.

Cô Lý Thị Lương (Hiệu trưởng trường THCS Ngô Sĩ Liên) cũng đưa ra lời khuyên: “Các bậc phụ huynh muốn cho con đi học lớp kỹ năng sống thì bố mẹ nên trao đổi xem con mình muốn học cái gì và phải tìm hiểu kỹ thông tin ở các khóa học, chỗ ăn ở ra sao. Theo tôi, miễn là nơi đó không quá khổ, chúng ta nên để cho trẻ rèn luyện, trải nghiệm những gì thiết thực nhất trong cuộc sống.. Ngoài ra, khi các cháu đã học được những kỹ năng sống ở các khóa học rồi khi trở về với gia đình các bậc phụ huynh nên theo sát con để các cháu duy trì được nếp sinh hoạt của mình như những khóa học kỹ năng sống đào tạo”.

Kết: Việc cho con tham gia các khóa học ngắn hạn chắc chắn là rất hữu ích trong dịp hè. Nhưng các bậc phụ huynh đừng quá kỳ vọng một vài tuần học sẽ thay đổi con em mình. Việc hình thành kỹ năng và lối sống tích cực là cả một quá trình và gia đình đóng vai trò rất lớn trong quá trình đó.

Xem bài: Hè đến, phụ huynh "sốt" với giáo dục kỹ năng sống

Theo Dương Thảo - Kim Liên (VietNamNet)



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.