Nam sinh lớp 11 chế máy chưng cất nước mặn thành nước ngọt

Về vùng ven biển thấy bà con mua từng lít nước ngọt với giá đắt đỏ, nam sinh lớp 11 đã nảy ra ý định chế ra máy chưng cất nước mặn thành nước ngọt sử dụng bằng năng lượng mặt trời...

Về vùng ven biển thấy bà con mua từng lít nước ngọt với giá đắt đỏ, nam sinh lớp 11 (Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP Bến Tre) đã nảy ra ý định chế ra máy chưng cất nước mặn thành nước ngọt sử dụng bằng năng lượng mặt trời để phục vụ người dân.

Nam sinh chế tạo ra chiếc máy độc đáo này là Nguyễn Tấn Lợi ( SN 1999, học sinh lớp 11/1, Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP Bến Tre). Nói về ý tưởng của mình, Lợi cho biết: “Trong một lần đi du lịch về vùng biển thấy bà con phải mua nước ngọt nên em mới này sinh ý định làm chiếc máy làm sao chưng cất nước mặn thành nước ngọt. Trước đó, trong trường có hai anh chị làm ra chiếc máy chưng cất nhưng hiệu quả chưa cao nên em tìm tòi, nghiên cứu và sử dụng phương pháp hoàn toàn mới để làm ra chiếc máy với mong muốn giúp bà con vùng hạn, mặn”.

Sau khi trình bày ý tưởng với thầy Trương Hữu Dũng, giáo viên vật lý của Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (hiện là giáo viên hướng dẫn đề tài cho em Lợi - PV) và được thầy ủng hộ nên Lợi bắt tay vào thực hiện.

Mô hình chiếc máy chưng cất nước mặn thành nước ngọt.
Mô hình chiếc máy chưng cất nước mặn thành nước ngọt.

Tuy nhiên, quá trình từ ý tưởng đến thực hiện phải trải qua muôn vàn khó khăn. Lợi kể lại: “Em bắt tay vào làm từ tháng 5/2015 nhưng đến 1/2016 mới hoàn thành. Trong khoảng thời gian ấy em phải làm rất nhiều thực nghiệm vì có quá nhiều trục trặc như: nước không đủ độ nóng, không ngưng tụ, bị giải nhiệt… Sau nhiều lần chỉnh sửa, thay đổi mới thành công. Những giọt nước ngọt đầu tiên được làm ra em cảm giác vui lạ thường vì thấy công sức mình bỏ ra không bị phí”.

Nam sinh Lợi bên chiếc máy chưng cất nước mặn thành nước ngọt.
Nam sinh Lợi bên chiếc máy chưng cất nước mặn thành nước ngọt.

Theo Lợi, chiếc máy này sử dụng năng lượng mặt trời để tiết kiệm nhiên liệu nhằm bảo vệ môi trường. Hiện tại, em Lợi đã làm hoàn thành chiếc máy đầu tiên đặt giữa sân trường để chưng cất nước ngọt và đang nghiên cứu để cải tiến làm thành những chiếc máy thể hệ sau công suất lớn hơn. Chiếc máy có công suất chưng cất khoảng 6 lít nước ngọt/ngày gồm các bộ phận như: ống thủy tinh, kiếng, bình bảo ôn, ống nhựa, inox, chảo parabol…

Chiếc máy sử dụng bằng năng lượng mặt trời để chưng cất nước ngọt.
Chiếc máy sử dụng bằng năng lượng mặt trời để chưng cất nước ngọt.

Lợi cho biết: “Chiếc máy ban đầu công suất nhỏ khi chỉ sử dụng 1 ống thủy tinh chủ yếu phục vụ trong hộ gia đình chỉ để uống. Trong thời gian tới em đang có ý tưởng làm chiếc máy với 7 ống thủy tinh, công suất trên 30 lít mỗi ngày nên có thể sử dụng trong sinh hoạt. Đối tượng của em hướng tới là người nghèo ở nông thôn nên nếu đưa ra sản xuất công nghiệp giá mỗi chiếc máy sẽ dưới 1 triệu đồng”.

Mỗi ngày chiếc máy này có thể chưng cất được 6 lít nước ngọt.
Mỗi ngày chiếc máy này có thể chưng cất được 6 lít nước ngọt.

Thầy Trương Hữu Dũng, giáo viên hướng dẫn thực hiện đề này đánh giá: “Đây là chiếc máy phiên bản 2 của học sinh trong trường. So với phiên bản 1 thì em lợi đã cải tiến rất nhiều nhất là bộ phận giữ nhiệt và chưng cất nên công suất cao hơn. Sắp tới thầy trò sẽ tiếp tục cải tiến để cho ra máy có công suất cao hơn nữa”.

Hiện tại, em Lợi đang chuẩn bị đưa chiếc máy này đi tham dự kỳ thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng cấp tỉnh. Tuy nhiên, theo thầy Dũng, vấn đề giải thưởng không quan trọng mà thầy trò chỉ quan tâm việc ứng dụng để chống “khát” cho bà con ở vùng hạn, mặn trong điều kiện nước mặn xâm nhập cao như hiện nay. Bởi vì, hiện tại trên thị trường giá của những chiếc máy chưng cất nước ngọt lên đến hàng chục triệu đồng. Trong khi sáng chế của em Lợi chỉ cần 1 triệu đồng có thể làm ra chiếc máy hoàn chỉnh nên rất phù hợp với túi tiền của bà con nghèo ở nông thôn.

Theo Dân Trí


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.