Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11: Thắt lòng những giấc mơ dang dở

Hàng vạn thầy cô giáo đã phải ngậm ngùi cất tấm bằng sư phạm vào hộc tủ để chạy đua với cơm – áo - gạo - tiền. Nhưng cứ đến dịp 20.11, ước mơ được đứng trên bục giảng lại trỗi dậy...

Hàng vạn thầy cô giáo đã phải ngậm ngùi cất tấm bằng sư phạm vào hộc tủ để chạy đua với cơm – áo - gạo - tiền. Nhưng cứ đến dịp 20.11, ước mơ được đứng trên bục giảng lại trỗi dậy...
 

Vật vã với nghề giáo

Nguyễn Hương Giang (Hậu Lộc, Thanh Hoá) tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm II khoa Ngữ văn năm 2010 với tấm bằng khá, nhưng đến nay cũng đã tròn 3 năm cô… đứng máy trong khu sản xuất của Công ty Canon (Khu công nghiệp Bắc Thăng Long).

Giang cho biết, năm nào tỉnh có đợt thi chọn giáo viên, cô cũng nghỉ làm để về dự thi, nhưng đều không đỗ. “Em làm bài rất tốt nhưng không hiểu sao vẫn trượt. Mọi người nói với em thi cử chỉ là hình thức, còn người ta đã xếp chỗ sẵn rồi, phải có tiền, phải quen biết mới chạy được” – Giang ngậm ngùi.

Nhận dạy hợp đồng thì chỉ được hơn 1 triệu đồng/tháng, không đủ nuôi sống bản thân, nói gì đến chăm lo cho 2 em còn đang đi học. Giang cũng cho biết, làm công nhân tuy vất vả nhưng mỗi tháng cả tăng ca thu nhập của cô cũng được trên dưới 5 triệu đồng. Mỗi lần đến Ngày 20.11, nhìn các thầy cô được mặc áo dài, được tặng hoa… Giang lại thắt lòng, ao ước được đứng trên bục giảng với bảng đen và phấn trắng.

“Lớp sư phạm văn của tôi cũng có quá nửa không được làm đúng nghề, nhiều bạn gia đình có điều kiện hơn thì tranh thủ thời gian thất nghiệp đi học thạc sĩ. Mỗi năm họp lớp, gặp mặt nhau chúng tôi thường cười và nói với nhau rằng, tụi mình là những giáo viên… mất dạy” – Giang cười buồn.

Cử nhân sư phạm háo hức ngày ra trường. Công việc gì đang chờ họ phía trước?

Phạm Thị Hà (Quỳnh Phụ, Thái Bình) tốt nghiệp bằng giỏi khoa Địa lý Sư phạm - Trường ĐH Quy Nhơn năm 2008. Một năm sau khi tốt nghiệp đã vác hồ sơ đi xin việc ở rất nhiều trường nhưng không được, cô quay lại Quy Nhơn vừa làm gia sư vừa học tiếp lấy bằng thạc sĩ với hy vọng sẽ… thay đổi được số phận. Nhưng: “Tấm bằng thạc sĩ không giúp được gì cho tôi khi ở đâu họ cũng nói muốn vào biên chế ít thì cũng phải 80 – 100 triệu đồng”.

Ngậm ngùi cất 2 tấm bằng vào hộc tủ, Hà theo chồng về Nghệ An mở cửa hàng bia hơi, sớm ngày túi bụi với hàng quán, khách khứa. “Cứ mỗi lần đến Ngày 20.11, mua hoa cho con đi tặng cô giáo, tôi lại thấy buồn vô hạn, tôi cũng ít liên lạc với bạn bè cũ, chẳng ai biết một thạc sĩ như tôi bây giờ lại trở thành bà chủ bán bia hơi”- Hà ngậm ngùi nói.

Cần kế hoạch “giải cứu”

Theo thống kê của nhiều tỉnh thành, số lượng cử nhân sư phạm ra trường chưa có việc làm đã lên tới con số “khủng”. Sở GDĐT Thanh Hoá cho biết, sinh viên ngành sư phạm của tỉnh còn thất nghiệp đã lên tới 3.762 người, không kể còn không ít sinh viên sắp ra trường trong thời gian tới. Còn năm 2013, Sở GDĐT Nghệ An chỉ tuyển 74 giáo viên nhưng số hồ sơ đăng ký đã là 500. Ngoài ra, sinh viên Nghệ An học ngành sư phạm ở các trường ĐH, CĐ cũng lên tới hàng nghìn người.


Trên mạng facebook, các cựu sinh viên tốt nghiệp sư phạm lập một trang có tên “Cộng đồng sinh viên sư phạm Huế thất nghiệp”, thành viên của trang này đã lên tới gần 300 người. Đây là nơi chia sẻ những thông tin về việc làm, những nơi đang tuyển dụng cho các cử nhân còn đang thất nghiệp và động viên nhau trong công cuộc… vật vã đến với nghề.
 
Tỉnh Phú Yên hiện cũng có gần 3.000 sinh viên ngành sư phạm từ trung cấp mầm non đến ĐH chưa có việc làm, sở này đang tiếp nhận gần 1.000 hồ sơ xin việc nhưng chưa có chỉ tiêu tuyển giáo viên. Còn tỉnh Đồng Tháp đã vừa phải có quyết định hỗ trợ học văn bằng 2 để hy vọng có thể giải quyết việc làm cho hơn 2.000 cử nhân sư phạm ra trường đang thất nghiệp. Ông Nguyễn Văn Dương – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Sở GDĐT sẽ kết hợp với Sở LĐTBXH để tiếp nhận hồ sơ học văn bằng 2 của sinh viên đã tốt nghiệp ngành sư phạm đào tạo để họ có thể trở thành giáo viên dạy nghề tại các trung tâm”.

Tại buổi gặp gỡ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với đoàn học sinh giỏi người dân tộc ngày 16.11, sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - Nông Thị Thuý (dân tộc Tày) đã không khỏi lo lắng khi bày tỏ: “Ngành sư phạm đang bị mọi người coi rẻ bởi nhiều lý do, ra trường tìm được việc làm rất khó khăn, thi công chức tốn rất nhiều khoản tiền, những học sinh vừa nghèo vừa “thiếu quan hệ” như chúng cháu không biết làm thế nào sau khi ra trường có thể đến với bục giảng”.

Chủ tịch nước đã yêu cầu Bộ GDĐT, Uỷ ban Dân tộc và các bộ ngành phối hợp tháo gỡ những khó khăn cho các em. Tuy nhiên khi con số cử nhân sư phạm thất nghiệp đang còn quá lớn thì những giấc mơ đến với giảng đường của các thầy cô giáo trẻ vẫn còn gian truân lắm lắm.

Theo Tùng Anh (Dân Việt)



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.