Nghiêm cấm trường mầm non dạy chữ cho trẻ

Vụ trưởng Giáo dục mầm non khẳng định, các trường không được dạy chữ, dạy tập tô cho trẻ trước khi các cháu vào lớp 1.

Vụ trưởng Giáo dục mầm non khẳng định, các trường không được dạy chữ, dạy tập tô cho trẻ trước khi các cháu vào lớp 1.

Sáng 22/8, Bộ GD&ĐT tổ chức tổng kết năm học 2012-2013 và phương hướng nhiệm vụ giáo dục mầm non  năm học 2013-2014. Ông Nguyễn Bá Minh, vụ trưởng Giáo dục mầm non cho biết, năm học vừa qua, ngành giáo dục mầm non đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Các địa phương đã tích cực tham mưu cho UBND các cấp quy hoạch đất, đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất cho ngành giáo dục mầm non. Tỷ lệ phòng học kiên cố tăng, số phòng học tạm, nhờ giảm đáng kể.

Tuy nhiên, tình trạng dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1 đang diễn ra ở nhiều cơ sở giáo dục mầm non, gây áp lực cho trẻ và bức xúc cho phụ huynh. Ông Minh chỉ đạo, các trường cần chấn chỉnh tình trạng dạy học trước chương trình lớp 1. "Các cơ sở giáo dục mầm non tuyệt đối không tổ chức dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ, không yêu cầu trẻ tập tô, tập viết chữ", ông Minh nói.
 

Vụ trưởng giáo dục mầm non nhắc nhở các trường không được dạy cho trẻ trước chương trình lớp 1, tập tô hay viết chữ. Ảnh: S.A.

Đối với trẻ ở vùng dân tộc thiểu số, giáo viên lại cần tăng cường các biện pháp chuẩn bị tiếng Việt để đảm bảo 100% trẻ biết tiếng Việt khi vào lớp 1. Các trường cần nâng cao chất lượng giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật, không phân biệt đối xử đối với trẻ khuyết tật và kì thị đối với trẻ nhiễm HIV để đảm bảo công bằng trong giáo dục mầm non.

Trước thực trạng cả nước vẫn còn thiếu hơn 27.500 giáo viên đứng lớp, một số địa phương thiếu trầm trọng, kéo dài và chậm được khắc phục, ông Minh cho biết số giáo viên cần được bổ sung kịp thời trong năm học mới.

Hiện nay, toàn quốc còn 365 trên tổng số 11.124 xã (phường, thị trấn) chưa có trường mầm non, gần 2.900 thôn, bản chưa có nhóm, lớp mầm non. Cả nước còn 12.530 phòng học nhờ, mượn (chiếm 8,4%), tỷ lệ phòng kiên cố thấp (gần 60%)... Để khắc phục tình trạng này, trong năm học 2013-2014, Bộ GD&ĐT chỉ đạo các địa phương thực hiện có hiệu quả nguồn vốn kiên cố hoá trường học, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn và đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục, thu hút các nguồn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để đảm bảo có đủ phòng học an toàn cho trẻ.

Việc thực hiện đề án "Phát triển thiết bị tự làm giáo dục mầm non và phổ thông giai đoạn 2010-2015" cũng được người đứng đầu ngành giáo dục mầm non nhấn mạnh. Các trường cần khuyến khích hơn nữa phong trào tự làm đồ dùng, đồ chơi, tuyển chọn và nhân rộng trong toàn ngành các sản phẩm tốt.

"Công tác đánh giá chất lượng đội ngũ giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp, đánh giá hiệu trưởng theo chuẩn hiệu trưởng trường mầm non... cần được làm nghiêm túc", ông Minh nói.
 

Năm học 2012-2013, toàn quốc có hơn 13.700 trường (tăng 295 trường so với năm học trước). Trong đó, công lập gần 12.100 trường (tăng 636 trường), dân lập 109 trường (giảm 3 trường), tư thục 1.437 trường (tăng 101 trường), bán công 97 trường (giảm 439 trường).

Tỷ lệ huy động trẻ mầm non đến trường ở tất cả các độ tuổi đều tăng so với năm học trước, trong đó trẻ nhà trẻ đạt 23% (tăng 0,3%), trẻ mẫu giáo đạt 86,5% (tăng 2,1%). Riêng trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt tỷ lệ 99,7% (tăng 1,1%).
 
Theo Hoàng Thùy (VnExpress.net)


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.