Nhà trường hay cái chợ?

Đầu năm học mới, cùng với hàng chục khoản đóng góp cho nhà trường, các bậc phụ huynh cũng phải tham gia mua hàng loạt sản phẩm do nhà trường “kết hợp với doanh nghiệp” bán cho học sinh.

Đầu năm học mới, cùng với hàng chục khoản đóng góp cho nhà trường, các bậc phụ huynh cũng phải tham gia mua hàng loạt sản phẩm do nhà trường “kết hợp với doanh nghiệp” bán cho học sinh. Nhiều người có cảm giác, trường học đang trở thành một “thị trường tiêu thụ” béo bở cho không ít doanh nghiệp.

Học sinh ngày càng phải “mua” nhiều

Mỗi trường với hàng nghìn học sinh sẽ là một thị trường béo bở cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục. Sự “vào cuộc” và kết hợp của các doanh nghiệp này với nhà trường khiến cho trường học giống như một cái chợ và người mua chỉ được phép mua hàng.


Đồng phục học sinh thường có chất lượng kém nhưng lại có giá trên trời

Đầu tiên là tiền đồng phục. Hầu như toàn bộ các trường phổ thông đều thực hiện may áo đồng phục cho học sinh. Thực ra, đồng phục học sinh là một trong những yếu tố giúp trường học đẹp hơn. Tuy nhiên, đồng phục trong nhà trường hiện nay thường có mẫu mã khá xấu, may khá ẩu và chất lượng vải nilon khá nóng và bí. Thêm vào đó, số đo không thực sự chuẩn khiến không ít học sinh mặc đồng phục lại tạo cảm giác lôi thôi.

Dù vậy, học sinh vẫn phải mua đồng phục một cách “vô điều kiện”. Giá mỗi bộ đồng phục cũng đắt hơn hàng chục nghìn đồng so với giá cả thị trường.

Ngoài đồng phục, vở ghi cũng đang trở thành một mặt hàng thu hút được nhiều trường tham gia. Với lý do để nhà trường “thống nhất một loại vở”, không ít trường học “bán” vở ghi có in hình ảnh nhà trường cho học sinh. Tất nhiên, giá các cuốn vở ghi này thường đắt hơn giá thị trường từ 500 đến 1.500 đồng.


Những cuốn vở ghi có in hình nhà trường được bán với giá "cắt cổ" cho học sinh

Một trong những món hàng nữa mà học sinh “bắt buộc phải có” là vở bài tập. Đây là những cuốn sách in lại (cùng với gợi ý làm bài) các bài tập trong sách giáo khoa. Thực chất, cuốn Vở bài tập này không có nhiều tác động tích cực cho việc học. Tuy nhiên, rất nhiều trường học vẫn bắt buộc học sinh phải mua. Điều đáng nói là, trong khi mua ở ngoài thị trường, phụ huynh có thể được giảm 20 – 40% so với giá bìa thì mua trong trường học, phụ huynh buộc phải trả 100% giá bìa.


Những cuốn vở bài tập này thực chất không phát huy hiệu quả trong trường học nhưng lại luôn được bán với 100% giá bìa

Ngoài ra, học sinh cũng trở thành “đối tượng tiếp thị” của không ít sản phẩm khác như: Bảo hiểm thân thể, thước kẻ, bút,…. Không chỉ thế, các đợt thi kiểm định chất lượng, thi kiểm tra chất lượng học kỳ,…các em học sinh cũng phải đóng khoản tiền đề thi từ 10 đến 20 nghìn đồng.

Gánh nặng càng thêm…nặng

Điều thú vị là, các khoản mua bán trong nhà trường thường “đắt” hơn so với thị trường. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh vẫn phải “ngậm ngùi” chấp nhận mua cho con em mình. Sự chấp nhận một cách vô điều kiện ấy khiến cho tình trạng buôn bán trong trường học ngày càng gia tăng.

Sự gia tăng của các mặt hàng như vở bài tập, vở ghi, áo đồng phục,… tạo thêm gánh nặng kinh tế khá lớn cho các bậc phụ huynh nghèo. Đặc biệt là những phụ huynh ở nông thôn. Nó khiến cho việc lo khoản tiền đầu năm học trở thành nỗi ám ảnh của không ít người.


Phụ huynh học sinh vì nhiều lý do nên thường chấp nhận việc mua bán với giá "trên trời" trong các trường học

Bên cạnh đó, các khoản thu đầu năm này cũng biến giáo viên chủ nhiệm trở thành “người bán hàng độc đoán”. Không chỉ vậy, mỗi giáo viên chủ nhiệm lại trở thành một “nhân viên thu nợ” mẫn cán khi các khoản thu trở thành một tiêu chí đánh giá thi đua.

Rõ ràng, việc lạm dụng để bán các sản phẩm như vở ghi, vở bài tập, áo đồng phục…trong nhà trường đang biến trường học trở thành một “cái chợ độc quyền”. Nó độc quyền ở chỗ: Người mua (học sinh) không được phép từ chối vì “phong trào chung của nhà trường”. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của nhà trường, hình ảnh của các thầy cô giáo trong mắt học sinh, phụ huynh học sinh.

Đã đến lúc, các cơ quan quản lý giáo dục cần vào cuộc để chấn chỉnh việc “mua – bán” đang diễn ra khá phổ biến trong trường học. Chấm dứt tình trạng kinh doanh trong trường học sẽ tạo điều kiện để xây dựng môi trường thân thiện, tích cực cho học sinh.

Quốc Khánh/VietNamNet



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.