Những bài văn xúc động về tình mẫu tử

"Là con gái, sau này tôi cũng làm mẹ. Tôi không muốn con mình như tôi. Tới lúc khó khăn nhất, tôi mới biết bên mình không phải bạn bè mà là gia đình, là mẹ", một học sinh viết.

"Là con gái, sau này tôi cũng làm mẹ. Tôi không muốn con mình như tôi. Tới lúc khó khăn nhất, tôi mới biết bên mình không phải bạn bè mà là gia đình, là mẹ", một học sinh viết.

Má ơi, đứa con bất hiếu này xin lỗi má

Học sinh Phạm Nguyễn Đông Hưng - 11CA2, trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP HCM đã viết như thế trong bài văn của mình.

“Tôi sinh ra trong một gia đình “người Bắc điển hình” với người bố gia trưởng và khó tính. Cố nhiên một đứa con ương bướng và nghịch ngợm như tôi luôn phải chịu những trận đòn từ bố. Những lúc ấy, má tôi sẽ đóng vai một cô y tá để sơ cứu cho bệnh nhân là tôi. Bàn tay má nhẹ nhàng xoa lên những vết bỏng rát sao mà dễ chịu đến thế.

Bài văn của Đông Hưng được cô giáo cho 9 điểm.
Bài văn của Đông Hưng được cô giáo cho 9 điểm.

Những trận đòn roi vì nghịch ngợm trải dài khắp tuổi thơ tôi cho đến ngày vào lớp 10. Cũng có lẽ vì thế mà tôi thân với má hơn bố.

Rồi tôi nhớ có lúc phải vào viện (do ngày bé tôi hay tắm mưa nên viêm phổi triền miên), sốt cả tháng liền chỉ được ăn cháo má mang đến. Cháo má nấu dở lắm, vừa loãng lại vừa mặn. Sau này tôi mới biết cháo mặn do má trộn thuốc vào nhưng chẳng hiểu sao tôi lại chịu ăn. Từ đó đến nay, cứ mỗi lần bị bệnh, tôi lại được ăn món cháo ấy. Hương vị của nó có lẽ đi theo suốt cả cuộc đời tôi”.

Tôi từng không muốn có mẹ trên đời

Đó là bài viết trong Lễ tri ân và trưởng thành của Hà Thị Phương Linh, học sinh lớp 12A1 trường THPT Nhân Việt, quận Tân Phú, TP HCM.

Câu chuyện của Linh bắt đầu khi bố đi làm xa, 2 tháng mới về thăm nhà một lần, còn mẹ Linh phải một mình chăm sóc hai chị em và lo toan việc nhà.

Linh viết: “Ở lứa tuổi cấp 1 mẹ thường bắt tôi ngủ trưa và học bài, tôi không nghe thì bị mẹ đánh, lúc đó tôi rất ghét mẹ, đôi khi tâm trí tôi thấy mẹ thật là ác”.

Hà Thị Phương Linh đã kể lại câu chuyện của mình. Ảnh:
Hà Thị Phương Linh kể lại câu chuyện của mình trong nước mắt. Ảnh: Tiền phong.

Mọi chuyện chưa dùng lại ở đó, đến khi lên cấp 2, tôi ghét mẹ vì luôn bị xét nét. Lúc đó, tôi chỉ muốn xách ba lô ra ở riêng. Tôi ghét mẹ lắm! Tôi từng muốn không có mẹ trên đời này…

Đỉnh điểm mâu thuẫn giữa tôi và mẹ là năm lớp 11, tôi chuyển về gần nhà học, đây là năm tôi không thể quên những gì tôi đối xử với mẹ. Ngày Noel tôi đã dặn mẹ đón sớm hơn mà mẹ lại quên. Báo hại là hôm đó, tôi phải đi bộ cả tiếng đồng hồ. Về tới nhà, tôi cãi lộn với mẹ, nói những câu nói mà chính tôi cũng không tưởng tượng được”.

Nhưng mọi việc bắt đầu đổi thay khi Linh học lớp 12. Những người bạn mà cô từng nói với mẹ là còn tốt hơn cả mẹ, bắt đầu chia phe và đòi đến tận nhà Linh để đánh. Mẹ là người bên Linh những lúc suy sụp

“Mẹ cho tôi một cơ hội mới tại ngồi trường khác… Đi học nội trú xa nhà, tôi lại muốn quay về khoảnh khắc đẹp khi có mẹ bên cạnh. Tôi thầm hiểu và ngày càng quý trọng mẹ hơn.

Là con gái, sau này lớn lên tôi cũng làm mẹ. Tôi cũng không muốn con mình sau này như tôi. Tới lúc khó khăn nhất, tôi mới biết bên mình không phải là bạn bè mà là gia đình, là mẹ, nơi tôi sinh ra và nuôi dưỡng cho đến khi tôi lớn lên".

Đâu phải lúc nào con cũng hiểu lòng mẹ

Bạn Bùi Như Mai, trường THPT Trần Đại Nghĩa, TP HCM, đã thốt lên như thế trong bài văn của mình.

Tình mẫu tử không chỉ nuôi đứa trẻ lớn khôn mà còn có giúp người phụ nữ trưởng thành hơn, dạy họ biết sống vị tha, vị kỷ, biết dẹp bỏ những yêu thích của mình để dành tất cả cho con, dạy họ sống điềm tĩnh, sống mạnh mẽ để làm gương, làm lá chắn cho suốt cuộc đời đứa con bé bỏng.

Nhập mô tả cho ảndh
Bài văn của Bùi Như Mai được lấy cảm hứng từ bức ảnh của tác giả Trần Ngô Hải An.

Mẹ yêu con nhiều là thế, nhưng đâu phải lúc nào cũng hiểu lòng mẹ, cũng biết thương mẹ như thương con. Như đứa con trong bức ảnh kia, tuổi trẻ sức dài vai rộng vậy mà để mẹ mình lội nước giữa cơn mưa tầm tã.

Trên đời còn nhiều người còn không tốt hơn thế nữa. Họ hỗn hào, họ vô ơn với bậc sinh thành. Chỉ cần một lời mẹ lớn tiếng cũng đủ khiến họ giận dỗi bỏ đi, làm người mẹ ở nhà lo lắng khôn nguôi.

Nhưng bất hiếu với mẹ nhất là khi mẹ đã hy sinh tất cả, cố gắng mỗi ngày để lo cho ta mà ta lại chây lười, lại không chịu học hành, làm việc, chỉ biết ăn bám mẹ mà thôi. Những người như thế thật đáng trách biết bao.

Còn có những người mặc kệ công sinh thành dưỡng dục của mẹ, chỉ vì gia cảnh nghèo khó mà trách mẹ không lo được cho mình.

“Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo”, những người trách mẹ như thế, không hề xứng đáng với tình cảm đấng sinh thành dành cho họ.

Bản thân tôi cũng có lúc giận dỗi mẹ. Nhưng khi khôn lớn hơn một chút, tôi đã hiểu mẹ đã hy sinh cho mình nhiều đến chừng nào. Vì thế, mỗi ngày tôi luôn cố gắng học tập, phụ giúp mẹ thật nhiều. Có thể tôi không cho được mẹ sung sướng nhưng tôi chắc chắn có thể cho mẹ hạnh phúc mỗi ngày.

Con ghét đồng tiền vì nó làm mẹ mệt mỏi

Nguyễn Trung Hiếu, cựu học sinh trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam trải lòng như thế trong bài văn của mình.

Bài văn được viết theo hình thức bức thư gửi mẹ. Mở đầu bài văn, Trung Hiếu thuât lại cảnh người mẹ mắng con khi luôn nhịn bữa sáng để tiết kiệm tiền cho gia đình”.

Bài văn gây xúc động của em Hiếu được viết từ năm 2011.
Bài văn gây xúc động của em Hiếu được viết từ năm 2011.

“Trời ơi là trời ! Anh ăn đi cho tôi nhờ, đừng có nhịn ăn sáng nữa. Đừng có dở hơi đi tiết kiệm mấy đồng bạc lẻ thế, anh tưởng rằng thiếu tiền như thế thì tôi chết à ?”.

Câu chuyện về tình mẹ con, những trải nghiệm trong cuộc sống được xoay quanh giá trị về đồng tiền.

“Hôm trước con có hỏi quan điểm của mẹ về tiền bạc thế nào để con có thêm ý viết bài làm văn nghị luận. Mẹ hơi ngạc nhiên vì câu hỏi đường đột ấy. Rồi mẹ chỉ trả lời với 3 từ gọn lỏn “Mẹ ghét tiền”. Nếu con còn thơ dại như ngày nào, hay như một người ngoài nào khác thì chắc con đã ngạc nhiên lắm. Nhưng giờ đây con cũng đồng ý với mẹ: Con cũng ghét tiền. Bởi vì nó mà mẹ phải mệt mỏi rã rời sau mỗi lần đi chạy thận.

Mẹ chạy thận 3 lần mỗi tuần, trước đây bố đưa đón mẹ bằng xe đạp, nhưng rồi mẹ bảo đi thế khổ cả hai người mà còn phải chờ đợi mất ngày mất buổi của bố nữa nên mẹ chuyển sang đi xe ôm. Nhưng đi xe ôm mất mỗi ngày mấy chục, tốn tiền mà lại chẳng kiếm đâu ra, mẹ quyết định đi xe buýt.

Mỗi khi về nhà, mẹ thở hổn hển, mẹ lăn ra giường lịm đi không nói được câu gì. Con và bố cũng biết là lúc ấy không nên hỏi chuyện mà nên để yên cho mẹ nghỉ ngơi. Tám năm rồi, tám năm chứng kiến cảnh ấy nhưng con vẫn chưa bao giờ có thể quen được. Con chỉ biết đứng từ xa nhìn mẹ, và nghiến răng ước “giá như có dăm chục ngàn cho mẹ đi xe ôm thì đâu đến nỗi !”.

Con còn sợ đồng tiền nữa. Mẹ hiểu con không ? Con sợ nó vì sợ mất mẹ. Mẹ đã phải bốn lần đi cấp cứu rồi. Những người suy thận lâu có nguy cơ tử vong cao vì huyết áp dễ tăng, máu dồn vào dễ làm tắc ống khí quản và gây tắc thở. Mẹ thừa biết điều này. Nhiều người bạn mẹ quen trong “xóm chạy thận” đã phải chịu những cái kết bi thảm như thế. Nhiều đêm con bỗng choàng tỉnh dậy, mồ hôi đầm đìa mà lạnh toát sống lưng bởi vừa trải qua một cơn ác mộng tồi tệ”.

Theo Zing


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.