Là tân sinh viên vừa mới nhập học, N.T.T, sinh viên Trường ĐH Mở TPHCM nói rằng nhiều năm nay so với các trường công lập học phí của ĐH Mở TPHCM đã cao, nay lại còn tăng so với năm học trước. “Kinh tế gia đình em cũng tương đối khó khăn, vì vậy khi nghe tin học phí tăng hàng năm, gia đình lo lắm. Hy vọng là em sẽ giành được học bổng để giảm gánh nặng kinh phí trong những năm học tiếp theo”, T. nói. Ngoài T., sinh viên của nhiều trường khác cũng đang đứng trước nỗi lo tăng học do kinh tế gia đình khó khăn.
Học phí tăng đều các năm
Theo đề án tự chủ tài chính, Trường ĐH Tài chính - Marketing sẽ thu học phí với mức bình quân tối đa đối với đại học chính quy (chương trình đại trà) năm học 2015-2016 là 14,5 triệu đồng/sinh viên/năm, năm học sau tăng lên 16,5 triệu đồng/sinh viên. Trường ĐH Kinh tế TPHCM cũng có mức học phí bình quân đối với các chương trình đại trà từ năm học 2014-2015 là 13 triệu đồng/sinh viên/năm, năm học 2015-2016 là 14,5 triệu đồng/sinh viên và năm học 2016-2017 là 16,5 triệu đồng/sinh viên.
Tương tự, Trường ĐH Tôn Đức Thắng thu học phí bình quân tối đa đối với đại học chính quy năm học 2014-2015 là 13 triệu đồng/sinh viên/năm, năm học 2015-2016 tăng lên 14,95 triệu đồng/sinh viên và đến năm học 2016-2017 là 17,2 triệu đồng/sinh viên. Trường ĐH Mở TPHCM có mức thu học phí mới theo đề án đối với chương trình đại trà trình độ đại học chính quy như sau: năm học 2014-2015 là 11 triệu đồng; năm học 2015-2016 là 13 triệu đồng; năm 2016-2017 là 15 triệu đồng…
Ông Nguyễn Minh Hà, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Mở TPHCM cho biết, so với mức học phí trước đây, học phí theo đề án tự chủ tài chính mới được phê duyệt dù tăng không đáng kể nhưng ít nhiều cũng có phần tác động đến sinh viên, phụ huynh. “Để bù lại khó khăn khi tăng học phí, nhà trường đã cấp nhiều học bổng hơn cho sinh viên, trong đó có học bổng tài năng 200% mức học phí cùng nhiều học bổng toàn phần, bán toàn phần khác để hỗ trợ sinh viên…”- ông Hà nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Huy Nhựt, Trưởng phòng Tổ chức hành chính Trường ĐH Kinh tế TPHCM nói sẽ không để tình trạng sinh viên phải bỏ học vì tăng học phí. Theo ông Nhựt nhà trường đã có nhiều hỗ trợ như cấp học bổng, liên kết với ngân hàng để bảo lãnh cho sinh viên có nhu cầu vay với lãi suất thấp.
Gia đình nghèo sẽ thêm khó
Trong khi đó, bà Phạm Thị Ly (ĐHQG TPHCM) cho rằng: “Việc tăng học phí sẽ ảnh hưởng lớn đến rất nhiều sinh viên (và rộng ra là rất nhiều gia đình). Nếu chúng ta tính đến một thực tế là, càng nghèo, thì người dân càng tha thiết cho con vào đại học để mong thoát khỏi cuộc sống khó khăn, thì sẽ thấy không ít gia đình đã phải bán nhà cửa, ruộng vườn, vay mượn để con cái theo đuổi việc học”.
Tuy nhiên, theo bà Ly, ngân sách nhà nước tài trợ trực tiếp cho các trường hiện nay khó lòng tăng vì vậy cần tập trung vào việc cải thiện hiệu quả sử dụng nguồn ngân sách công thông qua xây dựng một cơ chế đánh giá chất lượng hoạt động của các trường thay vì chỉ dựa trên đầu vào. “Học phí sẽ phải tăng để đảm bảo chất lượng ở mức chấp nhận được, kèm theo mức hỗ trợ tương ứng bao gồm miễn giảm học phí, tín dụng và học bổng”- bà Ly nói và đề xuất lưu ý chính sách học bổng phải được xây dựng một cách linh hoạt dựa trên thành tích lẫn học bổng theo nhu cầu cần được hỗ trợ.
Theo Tiền phong