Rơi nước mắt với những bố mẹ đưa con thi đại học

Bước chân con khuất sau cánh cổng trường thi cũng là lúc các bậc phụ huynh tản mát, tìm chỗ ngồi chờ. Không ít những gương mặt vẫn đang nhễ nhại mồ hôi, phờ phạc sau chặng đường dài đông đúc, để chở con kịp giờ thi…

Bước chân con khuất sau cánh cổng trường thi cũng là lúc các bậc phụ huynh tản mát, tìm chỗ ngồi chờ. Không ít những gương mặt vẫn đang nhễ nhại mồ hôi, phờ phạc sau chặng đường dài đông đúc, để chở con kịp giờ thi…


Nhiều phụ huynh ngồi nghỉ bên ngoài, chờ đợi trong thời gian con làm bài thi


Hành trình từ 3h sáng


Bác Hà Văn Thái (Sơn Tây, Hà Nội) đưa con gái Hà Minh Châu đi thi khoa Công nghệ thông tin tại trường Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (Thanh Xuân, Hà Nội). Hoàn cảnh của gia đình bác khiến mọi người cùng ngồi đợi con làm bài xung quanh đều cảm thương.

Nhà chỉ còn 2 bố con, mẹ của Minh Châu mất khi em tròn 4 tuổi. Một mình bác làm nghề phụ hồ, nuôi con ăn học, khôn lớn.


Bác Hà Văn Thái


“Mong lắm đến ngày cháu thi và đỗ đại học. Nhà tôi chỉ có 2 bố con, nếu cháu đỗ, nhà cửa chắc sẽ vắng vẻ lắm nhưng là vắng vẻ trong niềm hạnh phúc cô ạ. Tôi đã một đời làm ‘thợ’, cố gắng chắt chiu hàng ngày chỉ mong cháu sau này được làm ‘thầy’…”, bác Thái ngậm ngùi.

Gương mặt bác lộ rõ vẻ mệt mỏi, hai hốc mắt thâm quầng thiếu ngủ. “Hai bố con đi khỏi nhà lúc 3h sáng nay, ăn uống qua loa rồi đạp xe xuống Hà Nội cho cháu thi. Nhìn con mệt mỏi, tôi cũng không cầm lòng, định hỏi nhà trọ ở lại qua đêm để sáng mai cháu thi tiếp nhưng nó không đồng ý”, vừa nói, bác Thái vừa lau mồ hôi đang túa ra. “Nhà mình không có tiền, hai bố con đành phải chịu khó vậy bố ạ. Trên đường đi, ngồi sau xe bố con càng có thêm thời gian ôn bài mà. Con sẽ cố gắng hết sức mình”, Minh Châu đã nói thế trước lúc vào thi.

Khuôn mặt bác tươi tắn, hiện rõ nụ cười trông khắc khổ: “Được cái cháu nó sáng dạ, học giỏi nhất trường đấy cô ạ”.

Cô Nguyễn Thị Thủy thi thoảng lại ngóng vào phía bên trong cổng trường Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn Thông.


Cùng hoàn cảnh với bác Thái, để có tiền đưa con đi thi, cô Nguyễn Thị Thuỷ (Yên Dũng, Bắc Ninh) đã phải chắt chiu từng đồng bán rau từ đầu năm đến nay. Nguyễn Hải Anh là con đầu, phía sau còn 4 chị em nữa. Nhà đông chị em, năm nay là năm đầu tiên Hải Anh thi đại học.

“Thi xong tốt nghiệp, cháu định ở nhà đi bán rau cùng mẹ, không chịu thi đại học vì lo tốn kém, lo mẹ không còn tiền chăm các em. Tôi phải động viên mãi cháu mới chịu đi thi”, cô Thủy ngậm ngùi. Kể với phụ huynh ngồi bên cạnh, cô Thủy cho biết, ngay từ đầu năm đã phải cố gắng kiếm thêm bằng cách đi hái rau về bán. Vụ gặt vừa rồi Hải Anh cũng tranh thủ thời gian được nghỉ, cùng mẹ đi gặt thuê lấy tiền cho mấy ngày này trọ thi.

Cầm hơn một triệu đồng trong tay, cố gắng lắm mẹ con cô mới đủ tiền ăn ở. “Một ngày trên này có lẽ bằng tiền sinh hoạt cả tuần của cả nhà tôi dưới quê ấy chứ”, cô Thủy cho biết.

Nước mắt mùa thi

Từ Phủ Lý, Hà Nam lên Hà Nội thi đại học có lẽ cũng không xa lắm, nghĩ vậy nên bác Bùi Thị Lựu đã chọn cách đi xe bus số 206 từ sớm để đưa con thi.

Hôm nay 4.7, các sĩ tử phải thi cả ngày. Vì vậy, hai bố con bác Lưu đã “cơm đùm cơm nắm”, mang theo đồ để ăn trưa nay.

Nhiều bậc phụ huynh "cơm đùm cơm nắm" từ sáng sớm chở con đi thi


“Tiền cơm nước ở Hà Nội đắt lắm nên tôi mang sẵn ở nhà đi, vừa tiện lại vừa vệ sinh, không lo cháu đau bụng, đi ngoài…”, bác Lựu hồ hởi nói khi đưa con gái Hoàng Ngọc Anh đi thi trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Thế là từ sáng sớm, hai mẹ con bác cơm đùm cơm nắm, mang thêm nào xôi, nào thịt luộc sẵn, nước uống, cái chiếu để nghỉ buổi trưa… lỉnh kỉnh lên xe bus. Bác Lựu cho biết: “Sáng nay, lúc tôi đi, các anh xe lái bus nhất định không cho mẹ con tôi lên xe. Tôi chỉ biết xin các anh ấy thông cảm”.

Mộtphụ huynh học sinh bị cảm khi đang ngồi chờ con, được mọi người đánhgió (chụp tại trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nộisáng 4.7)


Dõi theo con bước chân vào phòng làm bài thi trường Đại học Khoa học xã hôi và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), chú Nguyễn Tiến Đạt (Văn Yên, Yên Bái) mắt đỏ hoe: “Sáng sớm qua, hai bố con tôi mới đi từ quê lên Hà Nội. Tôi đã cẩn thận để hết tiền vào túi áo ngực vậy mà lúc xuống xe tìm không thấy đâu nữa. Cũng may còn 500.000 đồng cháu nó để trong cặp sách không bị mất”.

Chú Đạt khẽ nén tiếng thở dài: “Hai ngày ở đây, không biết lấy tiền đâu để hai bố con ở trọ, ăn uống. 500.000 đồng làm sao lo đủ đây”…

Theo Xzone /Tri thức Thời Đại


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.