Sinh viên thử sức với nghề giúp việc gia đình

Để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, nhiều sinh viên đã thử sức mình với nghề giúp việc gia đình.

Để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, nhiều sinh viên đã thử sức mình với nghề giúp việc gia đình.

Vượt qua định kiến ban đầu

Lâu nay, nhiều người vẫn quan niệm, giúp việc gia đình là nghề có vị trí thấp kém, ít được tôn trọng. Bởi vậy, sinh viên vì muốn kiếm thêm tiền trang trải kinh phí cũng e ngại khi làm công việc này. Họ vừa giấu gia đình, vừa giấu bạn bè vì sợ gia đình ngăn cấm, sợ bạn bè cười chê.

Thực tế, làm những công việc lặt vặt trong nhà cũng không dễ dàng như nhiều bạn trẻ nghĩ. Mỗi gia đình có thói quen, cách thức sinh hoạt riêng, từ nấu món canh, lau quét nhà đến giặt là quần áo mỗi nơi đều có yêu cầu khác nhau.

Sinh viên không còn e ngại với công việc giúp việc gia đình được chuyên nghiệp hóa.
Sinh viên không còn e ngại với công việc giúp việc gia đình được chuyên nghiệp hóa.

Thu Trang, sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam tâm sự: “Ngày mới đi làm, em cũng bị sốc. Chủ nhà mắng mỏ khi chẳng may làm vỡ cái bát, có người lại bắt làm quá giờ với lý do làm chưa sạch. Có lần khách hàng còn yêu cầu kiểm tra túi đồ em mang theo khi kết thúc buổi làm...”.

Bên cạnh đó, không phải gia đình nào cũng sẵn sàng đón nhận các sinh viên tuổi đời còn quá trẻ, thiếu kinh nghiệm, không có tính gắn bó với nghề như lao động phổ thông. Nhưng ưu điểm của sinh viên đi làm giúp việc là có học thức, nhanh nhẹn, hiểu việc nhanh, biết ứng xử.

“Khách hàng của em nhiều người chia sẻ ban đầu không nghĩ là sinh viên làm tốt được công việc này. Họ bảo chắc làm được dăm bữa lại nghỉ, rồi hỏi em có biết nấu ăn không, biết trông em bé không rồi lo chúng em bận học lại sao nhãng công việc... Để thuyết phục khách hàng, chỉ có thể trả lời bằng hiệu quả công việc” - sinh viên Nguyễn Ngọc Hoa, ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết.

Chuyên nghiệp hóa dịch vụ

Chị Phạm Thị Hồng Nhung, phụ trách đối ngoại công ty chuyên tuyển dụng người giúp việc cho biết, hiện công ty chú trọng vào việc đáp ứng nhu cầu thuê sinh viên giúp việc gia đình. “Nhu cầu này đến từ hai phía. Sinh viên cần việc làm và khách hàng cũng muốn tìm những người giúp việc có nhận thức tốt. Thực tế, không ít hội sinh viên các trường cao đẳng, đại học chủ động liên hệ với doanh nghiệp để làm cầu nối giới thiệu việc làm cho sinh viên bởi như vậy, công việc sẽ chuyên nghiệp hóa cả đầu vào và đầu ra.

Quan trọng là sinh viên cũng như khách hàng đều có sự đảm bảo tốt nhất về tính ổn định, mức chi phí cũng như chất lượng công việc” - chị Hồng Nhung nhấn mạnh. Nếu như trước đây, sinh viên thường chỉ tìm được công việc nhất thời qua giới thiệu của họ hàng dưới quê hay của chủ nhà mình thuê trọ thì nay khối lượng công việc ổn định hơn, khách hàng cũng đánh giá cao hơn khi sinh viên được giới thiệu đã qua các khóa hướng dẫn cơ bản về dịch vụ này của doanh nghiệp.

Dịch vụ của Câu lạc bộ sinh viên giúp việc theo giờ cũng đang được nhiều gia đình giới thiệu cho nhau bởi độ tin cậy khi đảm bảo được lý lịch sinh viên đi làm với chứng minh thư, thẻ sinh viên và giấy chứng nhận là sinh viên của trường các em đang theo học, có dấu xác nhận của nhà trường… Thực tế, không ít khách hàng so sánh nếu thuê trực tiếp hay qua giới thiệu người quen thì giá chỉ 15.000-20.000 đồng/giờ nhưng nếu qua trung tâm, câu lạc bộ thì mức giá này phải từ 25.000 đến 30.000 đồng/giờ.

Khi dịch vụ thuê sinh viên làm việc theo giờ ngày càng phát triển mạnh ở Hà Nội và các thành phố lớn, nhiều sinh viên truyền nhau là làm giúp việc gia đình không quá phức tạp mà thu nhập ổn định. Nếu làm tốt, được chủ nhà tin tưởng, họ sẽ không ngần ngại thưởng tiền hoặc cho đồ đạc, sách vở, thậm chí là giúp đỡ sau khi ra trường. “Sau một thời gian làm công việc này, ngoài tiền lương, em thấy mình học được nhiều thứ. Biết làm việc nhà, biết nấu ăn, còn biết cách giao tiếp, biết cách lắng nghe…” - bạn Nguyễn Thanh Tâm, sinh viên Đại học Hà Nội cho biết.

Theo An ninh Thủ đô




Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.