Sở Nội vụ giải thích về việc hàng loạt thí sinh trượt viên chức

Liên quan đến việc hàng loạt thí sinh bất ngờ trượt viên chức, chiều 10/12 Phó Phòng Đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng (Sở Nội vụ Hà Nội) - ông Hồ Vĩnh Thanh đã có trao đổi với VietNamNet.

Liên quan đến việc hàng loạt thí sinh bất ngờ trượt viên chức, chiều 10/12 Phó Phòng Đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng (Sở Nội vụ Hà Nội) - ông Hồ Vĩnh Thanh đã có trao đổi với VietNamNet.

tuyển dụng viên chức, viên chức giáo dục, Sở Nội vụ Hà Nội

Ông Hồ Vĩnh Thanh trao đổi với phóng viên (Ảnh: Văn Chung).

Thưa ông, các ứng viên cho biết Sở Nội vụ ra văn bản về cách tính điểm lại vào ngày 26/11 là không phù hợp. Tại sao khi thành phố có công văn tuyển dụng, hướng dẫn về việc tính điểm học tập và điểm tốt nghiệp không ghi rõ cách tính điểm để đến khi có hội đồng công bố điểm thí sinh rồi nay phải tính lại?

- Ông Hồ Vĩnh Thanh: Cần phải nói rõ văn bản ngày 26/11 của Sở Nội vụ là đề nghị hội đồng tuyển dụng các quận huyện, thị xã căn cứ vào các quy định đã được ban hành trước đó để đảm bảo đúng quy định, thống nhất trên toàn thành phố chứ không phải yêu cầu, thay đổi gì mới.

Việc này xuất phát từ lý do có một số hội đồng và thí sinh có ý kiến về chuyện tính điểm học tập, điểm tốt nghiệp chưa đúng theo quy định.

Sở Nội vụ đã có kiểm tra việc tính điểm học tập, điểm tốt nghiệp của ứng viên tại các hội đồng tuyển dụng ở quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố chưa, thưa ông?

- Qua kiểm tra thấy đa phần các địa phương đã thực hiện đúng quy định.

Tuy nhiên tại một số huyện như Thạch Thất, Ứng Hòa, đặc biệt là Ba Vì hội đồng tuyển dụng đã làm không đúng việc này. Do đó họ phải tính lại.

Cái sai ở một hội đồng là không tính điểm tốt nghiệp của thí sinh dựa trên trung bình cộng các môn thi tốt nghiệp, hoặc hiểu điểm bảo vệ khóa luận (đối với sinh viên ĐH, CĐ) là điểm luận văn (đối với người học thạc sĩ).

Theo khoản 2 Điều 2 Nghị định 29 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lí viên chức thì "Điểm tốt nghiệp được xác định bằng trung bình công kết quả các môn thi tốt nghiệp hoặc điểm bảo vệ luận văn của người dự xét tuyển và được quy đổi theo thang điểm 100, tính hệ số 1". Nghị định này 29 cũng không phân biệt môn học và môn thi điều kiện hay không điều kiện.

Với thí sinh làm khóa luận hoặc đồ án thì được thay thế hai môn học về cơ sở ngành và kiến thức chuyên môn.

Thí sinh không có cơ hội cứu mình?

tuyển dụng viên chức, viên chức giáo dục, Sở Nội vụ Hà Nội

Văn bản ngày 26/11 viện dẫn nội dung Quyết định 25 năm 2006 của Bộ GD-ĐT về nội dung các môn thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, theo ứng viên quyết định cũng nêu rất rõ "Kết quả các học phần giáo dục quốc phòng, giáo dục thể chất và kết quả thi tốt nghiệp đối với các môn khoa học Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh không tính vào điểm trung bình chung học tập của học kỳ, năm học hay khóa học. Việc đánh giá và điều kiện cấp chứng chỉ đối với các học phần này theo quy định của Bộ GD-ĐT". Vậy tại sao vẫn phải tính vào điểm tốt nghiệp trong tổng điểm thi tuyển viên chức, thưa ông?

- Cần phải phân biệt quy định của Bộ GD-ĐT và quy định trong Nghị định 29 về tuyển dụng, sử dụng, quản lí viên chức của Chính phủ. Ở đây chúng tôi thực hiện tuyển dụng viên chức theo Nghị định Chính phủ.

Nghị định không phân biệt điểm đó để làm điều kiện xét tốt nghiệp hay là điểm của môn học trong các học phần của thí sinh.

Nghị định không có phần nào yêu cầu môn học đó phải có bao nhiêu học trình.

Đối với những thí sinh môn thi điều kiện có trường chỉ ghi ĐẠT, hoặc điểm này không ghi trong bảng điểm của thí sinh thì tính điểm như thế nào?

- Việc này cũng đã có quy định, trường hợp bảng điểm không rõ ràng, không có căn cứ để xác định được điểm môn học, môn thi hoặc loại hình đào tạo thì thực hiện quy đổi điểm theo Quyết định 3446 của UBND TP ngày 23/7/2015 về việc phê duyệt chỉ tiêu và ban hành kế hoạch tuyển dụng viên chức tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS công lập của thành phố.

Cụ thể, người có bằng tốt nghiệp hạng Trung bình hoặc không xếp hạng: ĐHT=ĐTN=50; Bằng Trung bình khá chỉ số này là 60, Khá là 70, Giỏi là 80, Xuất sắc là 90.

Như vậy có thiệt thòi cho các thí sinh điểm các môn thi điều kiện xét tốt nghiệp điểm thấp hoặc chỉ ghi ĐẠT không, thưa ông?

Cái đó cũng khó nói vì mọi việc phải làm theo quy định. Sẽ có em vì hội đồng tính chưa đúng mà điểm thấp và ngược lại.

Như vậy ở đây nhiều hội đồng đã tính sai cho thí sinh?

Hội đồng nào tính sai thì phải chịu trách nhiệm.

Vậy tại sao Sở Nội vụ không cho phép thí sinh về trường xác nhận các môn xét tốt nghiệp từ ĐẠT hoặc chưa có điểm các môn này sang điểm số?

- Thông báo tuyển dụng, thời gian và kế hoạch cho thí sinh nộp bảng điểm, tính điểm và công bố đã được lên kế hoạch từ trước. Thí sinh cũng đã biết vì thông tin công khai.

Còn việc ra hạn cho thí sinh về trường để xác nhận lại thuộc thẩm quyền của từng hội đồng tuyển dụng.

Từ khi ra văn bản đó đến nay, Sở có nhận nhiều ý kiến thắc mắc của thí sinh?

- Cũng có nhiều thí sinh lên sở hỏi. Hiện vẫn còn các trường hợp ở Thạch Thất, Ba Vì, Đống Đa, Hoàng Mai. Tuy nhiên các thí sinh khi lên hỏi đều được giải đáp và không có ý kiến thắc mắc gì.

Hà Nội có kiến nghị nhưng bị trả về

Việc thí sinh băn khoăn cách tính điểm tốt nghiệp mấy năm nay đều xảy ra. Theo ông, thì lí do là gì?

- Tuyển dụng với số lượng rất lớn, như năm nay là 20.500 hồ sơ và mấy chục hội đồng nên điều này là khó tránh khỏi.

Hơn nữa, tại các trường hiện cũng không thống nhất trong việc ghi điểm các môn học cho sinh viên. Chúng tôi chỉ làm việc dựa trên bảng điểm các em nộp. Em nào mất hoặc ghi không rõ ràng thì tính theo bằng tốt nghiệp loại gì, không tính trên điểm trung bình chung các trường đã tính cho sinh viên được.

Hà Nội đã có kiến nghị gì lên các cấp để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh?

- Theo chúng tôi về mẫu bảng biểu điểm thi các môn của thí sinh cần có sự thống nhất, không thể ghi tùy tiện như hiện nay.

Việc tính điểm cho thí sinh cũng cần thống nhất, có nơi tính theo thang điểm 10 (niên chế), nơi theo thang điểm 4 (tín chỉ). Việc quy đổi và tính điểm học tập cũng là điểm tốt nghiệp và quy sang thang điểm 100 là rất khác nhau. Có em cùng một thang điểm nhưng mức điểm có khi chỉ là 8, có khi lại là 9.

Chúng tôi cũng rất mệt mỏi trong việc này. Năm 2013 khi có thắc mắc của thí sinh về cách tính điểm tốt nghiệp, chúng tôi đã hỏi ý kiến Bộ Nội vụ xin lấy điểm của ngành giáo dục đã tính làm điểm tốt nghiệp nhưng Bộ nói không điều chỉnh được.

Thành phố cũng đã có ý kiến lên trên nhưng đã bị trả về vì vượt thẩm quyền.

- Cảm ơn ông!

Theo VietNamNet


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.