Suýt làm hỏng con vì chọn trường quá sức

Không ít phụ huynh chỉ quan tâm đến danh tiếng của trường hoặc khả năng đáp ứng yêu cầu từ phía cha mẹ.

Những ngày giữa tháng 6 này, câu chuyện chuẩn bị cho con vào các lớp đầu cấp như lớp 1, lớp 6 đang "nóng" hơn bao giờ hết.

Thực tế cho thấy, đang diễn ra tình trạng các phụ huynh loay hoay với đủ các tiêu chí về môi trường giáo dục, chất lượng đào tạo, học phí…Nhưng cũng có không ít phụ huynh chỉ quan tâm đến danh tiếng của trường hoặc khả năng đáp ứng yêu cầu từ phía cha mẹ. 

Chạy theo xu hướng

Dù có nhà riêng và hộ khẩu tại quận Đống Đa - một quận trung tâm của Hà Nội, có rất nhiều trường đạt chuẩn quốc gia và các trường tư thục, quốc tế, chị TrầnThu Hoài vẫn quyết định cho con gái Minh Anh chuyển hộ khẩu lên nhà ông bà ngoại tại p. Quan Hoa (Q. Cầu Giấy, TP Hà Nội). Chị cho biết, hành động này nhằm đáp ứng yêu cầu được xét tuyển vào lớp 6 trường chất lượng cao Cầu Giấy.

Chia sẻ về quyết định này, chị Hoài cho biết:"4 đứa cháu con anh trai và chị gái của tôi đều học ở trường chất lượng cao Cầu Giấy. 2 đứa lớn đã thi đậu vào cấp 3 của trường Amsterdam, một đứa đang họcTHPT Chu Văn An, đứa út đang học lớp 9 trường Cầu Giấy, năm nay cũng thi vào Amsterdam. Cả 4 đứa năm nào cũng là học sinh giỏi toàn diện, anh trai tôi lại quen nhiều thầy cô và lãnh đạo bên đó nên đã xin được một suất ngoại giao cho bé Minh Anh. Tất nhiên cũng mất một khoản quan hệ và cảm ơn kha khá nhưng bé được nhận là mừng lắm rồi. Còn chuyện hộ khẩu, nói là chuyển hộ khẩu về với ông bà ngoại nhưng chỉ là hình thức thôi. Tôi không cho bé ở với ông bà vì muốn đưa đón con về nhà để tiện cho việc kèm cặp con học hành. Từ Văn Chương đến Cầu Giấy khá xa, lại ngược đường đi làm của hai vợ chồng nhưng vì tương lai của con, vợ chồng tôi chấp nhận đầu tư và vất vả dù phải dậy sớm cơm nước, đưa con đi học".

tuyen sinh lop 6
Ảnh minh họa

Thực tế, đầu tháng 7 tới, các trường tiểu học, THCS mới tổ chức xét tuyển song theo lời phụ huynh thì cháu đã "chắc chắn trúng tuyển" do nằm trong danh sách ưu tiên "ngoại giao". "Điều tôi lo lắng nhất là bé Minh Anh tiếp thu môn Toán khá chậm, lại nhút nhát. Dù năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi song tôi sợ cháu không theo kịp bạn bè trong môi trường học tập cao như trường Cầu Giấy" chị Hoài tỏ rõ sự lo lắng.

Nhiều phụ huynh khác cũng bày tỏ tâm lý muốn cho con học trường nổi tiếng. Khi nghe người thân, đồng nghiệp kể về những trường "hot", họ không ngần ngại tìm mọi cách để xin xỏ. Sự việc phụ huynh xô đổ cổng trường Thực Nghiệm để nộp hồ sơ xin học cho con năm học 2012 - 2013 cho thấy tâm lý đám đông, chạy theo xu hướng đã ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều bậc phụ huynh.

Chuyên gia giáo dục - NGƯT Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trườngTHPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng: "Không phải bỏ ra một món tiền lớn cho con đi học đã là hiệu quả. Các bậc phụ huynh cần dành thời gian để hiểu chính con mình bởi mỗi đứa trẻ có tâm lý, sự nhận thức và phát triển khác nhau. Vì vậy, bố mẹ phải biết được sự phát triển tinh thần và thể chất, khả năng tiếp cận và thế mạnh của con là gì để có lựa chọn chính xác. Cha mẹ không nên chọn trường cho con theo tâm lý đám đông, chạy theo xu hướng. Thấy con người ta học ở trường đó năm nào cũng là học sinh giỏi, thi đậu vào trường đại học danh tiếng thì nghĩ rằng con mình học kém cũng cứ chạy vào đó là sẽ giỏi. Dù trường đó tốt, là trường điểm, trường "hot", mà không biết ngôi trường đó liệu có phù hợp với khả năng, sở thích của con mình hay không thì tự mình đang thui chột khả năng của chúng".

Trở lại câu chuyện của chị Hoài, dù biết rằng khả năng của con có hạn nhưng hy vọng ở môi trường giáo dục tốt, bé Minh Anh sẽ học tốt hơn, bạo dạn hơn. Tháng 9 tới, bé Anh mới chính thức vào lớp 6 và bé có làm được như những gì bố mẹ bé kỳ vọng hay không vẫn là chuyện tương lai. Còn với trường hợp của gia đình chị Bùi Thị Mai (Mai Động, Hai Bà Trưng) dưới đây sẽ là câu chuyện đắt giá cho những phụ huynh đang suy nghĩ "cứ ở môi trường tốt, con cái bạn sẽ học tốt" và phải cho con học ở trường danh tiếng mới "bằng bạn bằng bè".

Thương con hóa hại con

Vốn làm trong ngành báo chí, có quan hệ rộng, chị Mai đã lo được một suất cho cậu con trai vào học ở trường Trung học cơ sở Trưng Vương dù trái tuyến và học lực không có gì xuất sắc. Hai năm học ở trường mới, năm nào cậu cũng là học sinh giỏi nhưng cậu bé hay nói cười và tự tin ngày nào bỗng trở lên nhút nhát, ít nói và luôn sợ sai. Sau một thời gian tìm hiểu, chị phát hiện những điểm số của con từ trước đến nay chỉ là nhờ vào những vần "ệ" (tiền tệ, quan hệ) của mẹ. Bé trở lên tự ti, nhút nhát cũng vì không theo kịp chúng bạn nên càng ngại nói, ngại phát biểu vì sợ sai, sợ bị chê cười.

Đồng hành cùng con học tập gần hai tháng không có kết quả khả quan. Chị đành"muối mặt"đi xin cho con chuyển trường về đúng tuyến, để con có nhiều bạn bè cũ và quan trọng là phù hợp với khả năng của con. Chị cũng dành nhiều thời gian quan tâm đến việc học của con hơn, cùng con tham gia các hoạt động của nhà trường và cho con học thêm các khóa ngắn hạn về bơi lội, bóng đá, kỹ năng mềm,...

Chưa đầy 1 năm sau, chị vui mừng khi thấy con mình đã trở lên vui vẻ, hoạt bát, là một lớp phó đời sống năng nổ, dù kết quả học tập chỉ đạt tiên tiến. "Những suy nghĩ ganh đua kiểu "cấp dưới còn cho con học trường điểm được huống chi mình làm quản lý" và "con mình học kém chút nhưng ở môi trường tốt thì sẽ giỏi hơn" đã bị loại bỏ hoàn toàn.Tôi chỉ định hướng và cho con quyết định mọi thứ, kể cả chuyện chọn ngành, chọn trường khi sắp tới con sẽ vào lớp 12 và thi đại học", chị Mai khẳng định.

Môi trưòng học tập phù hợp

Chuyện của gia đình chị Hoài, chị Mai không phải là trường hợp cá biệt. Nhưng không phải gia đình nào cũng đủ kiến thức-và kỹ năng để "xử lý" những tình huống nảy sinh trong giai đoạn quyết định này. Gần 20 năm kinh nghiệm giảng dạy cấp tiểu học tại các trường uy tín, cô Phạm Diệu Cẩm, Tổ trưởng tổ 1, Trường Tiểu học Vinschool, chia sẻ: "Bố mẹ đừng nghĩ rằng các bé quá nhỏ, không biết gì mà chủ quan. Việc chuẩn bị tâm lý cho con vào học các lớp đầu cấp, đặc biệt là lớp mầm và lớp 1 như thế nào giữ vai trò quan trọng trong việc tạo một nền tảng vững chắc để tiếp thu kiến thức, kỹ năng cũng như hình thành tình yêu của học sinh đối với trường lớp và việc học tập. Bố mẹ hãy để các con cảm nhận niềm vui khi đến trường thay vì áp lực từ mọi hướng nhất là lại từ chính trong gia đình".

Cô Cẩm cũng cho biết thêm: "Đối với phụ huynh đang có con chuẩn bị vào các lớp đầu cấp thì phụ huynh nên chuẩn bị tâm lí tích cực cho con, làm cho con cảm thấy yêu môi trường học tập mới bằng việc cho con đến thăm quan ngôi trường mới, nói cho con những điều hay và lạ ở trường mới".

Là giáo viên nổi tiếng với phương pháp giảng dạy sáng tạo khoa học, cô Cẩm khẳng định: "Việc cho con học trước chương trình hoàn toàn không cần thiết vì sẽ khiến trẻ bị áp lực và sợ đi học, thay vào đó, bố mẹ cần khuyến khích trẻ tự tin bày tỏ ý kiến cũng như chuẩn bị cho trẻ có một thể lực tốt để có đủ sức khỏe thích nghi với cấp học mới. Đối với lứa tuổi từ mầm non lên tiểu học, môi trường giáo dục khơi gợi hứng thú học tập, làm quen với nề nếp, học cách tư duy, mang tính quyết định hơn là tập trung nhồi nhét kiến thức".

NGƯT Tùng Lâm cho biết hiện nay hệ thống trường học được chia thành các loại trường: công lập, trường quốc tế, trường tư thục. Nhưng hiện nay nhiều trường có yếu tố nước ngoài hoặc tư thục chất lượng cao đang thu học phí rất đắt do phải gánh chi phí lớn như thuê mặt bằng, trả lương cho hệ thống vận hành... "Để thuyết phục và tạo choáng ngợp cho phụ huynh thì cách phổ biến vẫn là làm hình ảnh hào nhoáng, phòng học đẹp, sang trọng, còn đầu tư vào chất lượng giáo dục thực chất, việc chuyển tải kiến thức đến trẻ như thế nào, suy nghĩ và hành động của trẻ chuyển biến tích cực thì cần một thời gian để chứng minh. Nhưng không phải nhà đầu tư nào cũng kiên nhẫn, kiên định với quan điểm giáo dục mình đưa ra ban đầu", thầy Lâm cho hay.

Bởi thế, thầy Lâm khuyên các bậc phụ huynh không nên nghe ngóng trên các diễn đàn và lời đồn mà cần gọi điện, đến tận trường để tìm hiểu, xem cách ứng xử của họ như thế nào. Sự ngăn nắp và chuyên nghiệp sẽ được thể hiện ngay từ phòng tuyển sinh, nhân viên văn phòng. Khi đến, cha mẹ cũng cần trao đổi với những phụ huynh hiện tại của trường, nhìn ứng xử của giáo viên với học sinh và với phụ huynh, ứng xử của học sinh với nhau. Đó là những căn cứ cơ bản để nhận biết về môi trường giáo dục. Bố mẹ hãy tạm quên việc chạy trường mà hãy đến những đơn vị giáo dục phù hợp về địa lý, chất lượng giáo dục, phù hợp với tài chính của gia đình vì nuôi con là chặng đường rất dài. Các trường điểm luôn quá tải học sỉnh, cô và trò đều chịu áp lực nên phụ huynh cần tránh tạo sức ép bằng cách nhao nhao theo phong trào.

Theo Tường Vy/ Đời sống & Hôn nhân

Ông Vũ Đình Hùng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển Giáo dục Việt Nam, nhận định: "Phụ huynh không nên đầu tư cho con theo học vượt qua khả năng tài chính của mình vì nỗi lo về tài chính của cha mẹ sẽ ảnh hưởng đến tâm lý học tập của con cái. Nhiều gia đình cố sức cho con học các trường học phí cao, đến khi tài chính "có vấn đề" con phải chuyển trường khác sẽ bị hụt hẫng và khó hòa nhập. Mặt khác, không nên cho con theo học các trường vượt quá khả năng của trẻ. Sức nặng về việc chạy đua theo kiến thức trong các trường điểm, trường chất lượng cao khá lớn, nếu không theo kịp con sẽ bị đuối, tự ti, mặc cảm. Điều này ảnh hưởng đến khả năng thích nghi của trẻ, tạo ảnh hưởng không tốt, thậm chí ảnh hướng đến sự phát triển lâu dài của trẻ".




Bộ xương khủng long dài bằng 2 xe buýt được bán đấu giá hơn 6 triệu USD
Một bộ xương khủng long Apatosaurus dài 21m, nặng hơn 22 tấn, được đặt tên là Vulcan, gần đây đã trở thành hóa thạch khủng long lớn nhất từng được bán đấu giá khi nó được mua với giá khoảng 6,4 triệu đô la tại một cuộc đấu giá ở Pháp.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.