Tâm sự cảm động của cô giáo cắm bản

Gắn bó với học sinh Bản Khoang từ năm 2005, cô Bùi Thị Thu Ngàn cho biết: "Nếu không có sự điều động nào từ lãnh đạo cấp trên thì vẫn cắm chốt ở Bản Khoang. Nhiệm vụ trước mắt chỉ mong làm tốt công việc được giao, học sinh tin yêu...

Gắn bó với học sinh Bản Khoang từ năm 2005, cô Bùi Thị Thu Ngàn cho biết: "Nếu không có sự điều động nào từ lãnh đạo cấp trên thì vẫn cắm chốt ở Bản Khoang. Nhiệm vụ trước mắt chỉ mong làm tốt công việc được giao, học sinh tin yêu...

Tự nguyện cắm bản

Tốt nghiệp Trường ĐH Tây Bắc năm 2005, nhận thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn không có khả năng xin việc ở Bắc Giang - cô Bùi Thị Thu Ngàn (sinh năm 1982) không chịu ngồi chờ cơ hội đến. Cô quyết định ra bưu điện xin số điện thoại của Trưởng phòng tổ chức các tỉnh và biết được Bản Khoang thiếu giáo viên nên xin lên.

Cô giáo, Bản Khoang, Sa Pa, tâm sự
Cô Bùi Thị Thu Ngàn vinh dự được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận tặng quà

Và ngày 1/9/2005 cô bén duyên với Bản Khoang khi quyết định công tác. Trường THCS Bản Khoang cách thị trấn Sa Pa (Lào Cai) 17km.

Cô nhớ lại, những ngày đầu đến với Bản Khoang gặp vô vàn khó khăn. Không chỉ khó đi lại mà ba năm đầu nhận công tác là 3 năm sống trong đèn dầu vì không có điện. Muốn liên lạc với bạn bè, người thân trong gia đình chỉ có cách duy nhất là gửi thư vì điện thoại liên lạc chưa phổ biến...

Khi đó, trường lớp hoang sơ và thiếu thốn. Học sinh đến trường thưa thớt. Khi đó, để vận động học sinh ra lớp thì nhiệm vụ của các thầy giáo vất vả hơn vì phải đi đến những gia đình ở xa. Còn phụ nữ được ưu tiên hơn nhưng đi bộ đến được nhà trò cũng mất cả tiếng...

Cô bảo, khi đến nhà vận động học sinh ra lớp thì có gia đình bố mẹ đồng ý nhưng trò nhìn thấy cô đến là chạy trốn. Có gia đình trò đồng ý nhưng gia đình một mực không cho con đến trường. Nhiều gia đình thuyết phục mãi cũng không cho con đến trường vì họ quan niệm: Có học nhiều cũng chẳng để làm gì. Con gái thì đi lấy chồng cũng phải làm kinh tế...Thậm chí có nhiều gia đình bỏ mặc, con đến trường cũng được - không đến họ cũng không quan tâm.

Sau nhiều lần đi lại, thuyết phục - giờ học sinh Bản Khoang đã tích cực ra lớp hơn. 

Lũ quét không... chết

Sau ba năm, từ 2008 mọi việc dần đi vào ổn định. Bản Khoang có điện lưới quốc gia. Học sinh bám trường đều hơn và đường xá đi lại cũng không còn khó khăn hơn trước...

Cô Ngàn nhớ, lúc đó tập thể giáo viên mừng khôn xiết và chỉ nghĩ phải làm thế nào để học sinh được tiếp thu kiến thức tốt hơn. Đang trong guồng nâng chất lượng giáo dục...thì ngày 4/9/2013 cơn lũ lịch sử ập đến. Lúc này, cô Ngàn mang thai được hơn 7 tháng.

"Lũ về khoảng 9h tối 4/9/2013"- cô Ngàn nhớ và kể. Khi vừa chấm xong bài cho học sinh, đóng được máy tính lại thì thấy nhà rung. Chỉ kịp gọi chồng (anh Đoàn Quang Trung cũng là giáo viên dạy Vật lí tại trường - PV) "Anh dậy xem nhà sao rung lắm... thì nghe đánh rầm phía cửa nhà. Chạy đến đẩy cửa thì không được...và bỗng một khối đen ập tới lùa hết mọi thứ...". Lúc đó, đầu chỉ nghĩ là không được gặp chồng, con và người thân....

Đến khi tỉnh lại thì thấy mình được nằm ở khu thương nghiệp (nhà vật tư của xã) và rất may cả mẹ và con trai trong bụng không sao, người chỉ bị xây xước...Các đồng nghiệp ai cũng nói hai mẹ con gặp may vì lũ quét đi khoảng 300 m thì mắc lại. Lúc đó, cảm giác run sợ đè nặng nhưng yên tâm khi thấy mình còn sống. Giờ Bản Khoang mỗi khi mưa đến là những giáo viên nơi đây luôn sợ hãi...

Khó khăn là vậy nhưng hỏi chị có ý định bỏ Bản Khoang? cô bảo "không bỏ được đâu" vì bố mẹ đã nuôi ăn học nhiều năm, có bằng cấp mà bị thất nghiệp thì không ổn. Nhưng quan trong hơn, đã gắn bó với học sinh Bản Khoang gần chục năm và thấy yêu thương các em như người thân - nên nếu không có sự điều động nào từ lãnh đạo cấp trên thì vẫn cắm chốt ở Bản Khoang.

Chỉ mong được học sinh tin yêu

Công việc hàng ngày là dạy Văn cho học sinh lớp 7 và dạy Lịch sử cho học sinh lớp 8. Cô Ngàn cho biết, học sinh nơi đây tiếp thu bài chậm nên việc dạy dỗ cũng gặp không ít khó khăn.

Cô giáo, Bản Khoang, Sa Pa, tâm sự
Học sinh Trường THCS Bản Khoang 

Cô bảo cuộc sống của giáo viên vùng cao vất vả nhiều, nhưng có nhiều giáo viên về vùng sâu, vùng xa cũng khổ như mình, thậm chí còn khổ hơn. Nghĩ vậy nên cô Ngàn quan niệm trong môi trường mà ai cũng như mình thì mọi khó khăn đã trở nên bình thường....

Cũng có lúc cô Ngàn xao động mong muốn có gì đó phù hợp với công sức của mình bỏ ra. Nhưng nghĩ lại, so với nhiều giáo viên ở thị trấn Sa Pa thì lương có nhỉnh hơn, rồi tự động viên: Nhiều giáo viên còn khổ hơn nên đòi hỏi cũng không hơn được. "Giờ nhiệm vụ trước mắt chỉ mong làm tốt công việc được giao, học sinh tin yêu..." - cô Ngàn nhìn nhận.

Về thu nhập, cô Ngàn cho hay, cộng tất cả các khoản lương và phụ cấp ưu đãi cả hai vợ chồng hàng tháng cũng được hơn chục triệu. Với mức thu nhập như vậy cô Ngàn khéo thu vén cũng đủ sinh hoạt và trang trải cho hai con ăn học.

Với cô Ngàn, hạnh phúc là được lên lớp dạy học sinh và đưa đón con đi học hàng ngày....

Theo Vietnamnet



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.