Tăng tỷ lệ xét tốt nghiệp: Làm sao để tránh tình trạng làm đẹp điểm?

Lãnh đạo trường và bộ môn có trách nhiệm rất lớn. Đề thi phải có trưởng bộ môn duyệt, kí vào đó. Bám sát chuẩn đầu ra- mục tiêu của môn học đó để đừng đánh giá sai, để tránh trường hợp lạm phát điểm.

Một trong những thay đổi đáng chú ý mà Bộ GD&ĐT công bố trong dự thảo quy chế thi tốt nghiệp Trung học phổ thông từ năm 2025 đó là xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông theo hướng: “Tăng tỷ lệ sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập ở cả lớp 10, 11 và 12 lên 50% (trước đây là 30% và chỉ sử dụng kết quả lớp 12) nhằm mục đích đánh giá toàn diện các năng lực của học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và tăng hiệu quả đạt được nhiều mục tiêu của kỳ thi như đã công bố”.

Lâu nay, vấn đề xét tốt nghiệp có tỷ lệ học bạ luôn là chủ đề được quan tâm. Thậm chí, có ý kiến cho rằng việc sử dụng tỷ lệ 30% điểm học bạ trong xét công nhận tốt nghiệp đã có nhiều hạn chế, nảy sinh việc “mack up (làm đẹp) học bạ”, nay lại tăng lên 50% thì càng đáng lo ngại.

Trả lời PV Tiền Phong, thầy Đào Tuấn Đạt là giảng viên Vật lý đại cương tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, và là hiệu trưởng trường THPT Anhxtanh (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, bất cứ một phương thức nào được đề xuất và thực hiện cũng đều có 2 mặt.

Tuy nhiên, cần phải nhìn vào những điểm thuận lợi và tích cực để từ đó tìm kiếm những giải pháp khắc phục những bất cập còn tồn tại.

Theo thầy Đạt, so sánh với tỷ lệ trước đây là 30% và chỉ sử dụng kết quả lớp 12 thì việc tăng tỷ lệ sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập ở cả lớp 10, 11 và 12 lên 50% để xét công nhận tốt nghiệp trong bối cảnh hiện nay là hoàn toàn hợp lý.

Vì giáo viên này cho rằng, khi sử dụng kết quả của cả 3 năm học tại bậc trung học phổ thông sẽ phát huy khả năng đánh giá toàn bộ cả quá trình tích lũy của học sinh thay vì chỉ dựa theo kết quả học tập ở năm học cuối cấp.

Thêm nữa, theo ông Đạt, chuyện nâng lên 50% là hợp lý ở chỗ, chương trình phổ thông mới 2018 kiểm tra năng lực chứ không phải kiểm tra kiến thức nữa. Mà kiểm tra năng lực thì không thể thông qua chỉ một bài kiểm tra để kết luận học sinh ấy có hoàn thành nhiệm vụ hay không.

“Việc nâng lên 50% là hoàn toàn đúng. Nhà trường phải đánh giá cả quá trình chứ không phải đánh giá một bài thi được. Một bài thi có hai vấn đề: một là sẽ không đánh giá được quá trình và hai là mang tính may rủi cao. Vậy làm sao để điểm học bạ đúng và công bằng cho học sinh?”- thầy Đạt đặt câu hỏi.

Nhiệm vụ của ngành giáo dục trong thời gian tới là phải làm sao cho điểm học bạ càng ngày càng tin cậy hơn. Khi đó, con em sẽ được học thêm cái học sinh cần, khỏi phải đi học thêm để ôn luyện, chỉ để thi nữa.

Việc học bạ làm sao thành thực chất? Đó là khi điểm học bạ của trường được các trường đại học công nhận. Và các đại học top trên chỉ phụ thuộc vào điểm thi còn các trường đại học top dưới phụ thuộc vào điểm học bạ thì tự khắc thì người ta chả cần học bạ làm gì.

“Đầu tiên mình phải chấp nhận có thể chưa công bằng như mong muốn. Chủ trương đúng rồi thì họ tiến tới các trường sẽ tự công nhận tốt nghiệp. Khi chỉ còn 30% thì cần gì phải thi tốt nghiệp nữa. Khi ấy, việc học và thi trở nên lành mạnh. Việc thi tuyển khi ấy là quyền của các trường đại học”- thầy Đạt chia sẻ.

Triển khai sẽ gặp khó?

Trước sự lo ngại của dư luận về một số điều tiêu cực và bất cập trong thực tiễn, TS.Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho rằng, về lâu dài đây là một chủ trương đúng..

Ông Vinh khẳng định,đây là một chủ trương đúng đắn. Vì tinh thần đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018 chuyển hẳn sang mục tiêu hình thành năng lực. Và muốn sang hình thành năng lực thì phải có giải pháp đo lường đánh giá. Cách thi hiện nay thì không đủ đánh giá năng lực của người học.

Ví dụ, hình thành năng lực tư duy phản biện, tổng hợp hay tinh thần hợp tác kể cả kĩ năng tiếng Anh hiện nay vẫn chưa đánh giá đủ được các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết ( hiện nay kĩ năng nói và nghe không kiểm tra được). Như vậy, có sự vênh váo giữa kì thi tốt nghiệp hiện nay và một kì thi như hiện nay bản chất không thể đánh giá được năng lực, học vấn học sinh phổ thông.

“Hiện nay vào lớp 10 lại chọn theo kiểu các nhóm môn định hướng theo các môn xét tuyển đại học trong khi các môn không xét tuyển sẽ bị coi nhẹ. Thành ra, bản chất của giáo dục phổ thông bị méo mó thay đổi. Và hình thành năng lực lại trở nên sáo rỗng”- ông Vinh nêu quan điểm.

Vì vậy, ông Vinh cho rằng, phải đánh giá quá trình không phải chỉ trong lớp 12 của một số môn thi. Người ta đánh giá 3 năm học của học sinh thì đây rõ ràng là một tiến bộ vì sẽ đánh giá được cả quá trình học tập, năng lực và thái độ học tập trong học bạ. Về mặt khoa học sư phạm là phù hợp.

Vấn đề dư luận nghi ngại 30% đã là không ổn vì đã có chuyện “make up” làm đẹp học bạ cho các em điểm để đỗ tốt nghiệp?

“Đây là chuyện không thể tránh được lại dùng xét tuyển đại học thì thầy cô lại làm đẹp học bạ. Hiện nay ý thức của giáo viên chưa tốt, Luật Nhà giáo thì chưa ra đời để tăng trách nhiệm của người giáo viên”- ông Vinh nói.

Vì thế, để tránh chuyện “làm đẹp học bạ” cần công nghệ kiểm soát. Cần phải có học bạ điện tử, quản lý hệ thống mạng, giảm thiểu việc chỉnh sửa được.

“Tuy nhiên, cuối cùng người đánh giá cho vào điểm vẫn là giáo viên dù trên máy. Nên giải pháp là phải nâng cao nhận thức của giáo viên để giáo viên đánh giá đúng học sinh. Tuyệt đối tránh tình trạng đánh giá không đúng học sinh để bắt học sinh đi học thêm”- ông Vinh nói.

Theo đó, ông Vinh cho rằng, lãnh đạo trường và bộ môn có trách nhiệm rất lớn. Đề thi phải có trưởng bộ môn duyệt, kí vào đó. Cần bám sát chuẩn đầu ra (mục tiêu) của môn học đó để đừng đánh giá sai, tránh trường hợp lạm phát điểm.

“Tóm lại để ngăn ngừa tình trạng này cần sớm có Luật Nhà giáo. Xây dựng lại ý thức của nhà giáo. Nhà giáo cần trung thực, thẳng thắn để học sinh mới chịu học. Thêm nữa, dùng công nghệ để không gian lận được điểm số”- ông Vinh chia sẻ.

Theo Tiền Phong

Xem link gốc Ẩn link gốc https://tienphong.vn/tang-ty-le-xet-tot-nghiep-lam-sao-de-tranh-tinh-trang-lam-dep-diem-post1674311.tpo

xét tốt nghiệp

thi tốt nghiệp


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.