Thay đổi quy chế liên thông để "cứu" chất lượng đào tạo

Về hậu quả "biến tướng" đào tạo liên thông, Vụ trưởng vụ Đào tạo trăn trở : "sinh viên ra trường với tấm bằng mà không được xã hội thừa nhận”, do đó cần siết chặt để các em có tấm bằng xứng đáng.

Về hậu quả "biến tướng" đào tạo liên thông, Vụ trưởng vụ Đào tạo trăn trở : "sinh viên ra trường với tấm bằng mà không được xã hội thừa nhận”, do đó cần siết chặt để các em có tấm bằng xứng đáng.
 
 
Ngày 7/2/2013, quy định mới về đào tạo liên thông trình độ CĐ, ĐH sẽ có hiệu lực. Theo đó, người tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp phải đủ 36 tháng mới được thi liên thông, nếu muốn học luôn sẽ phải tham dự kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH chính quy do Bộ GD-ĐT tổ chức hằng năm (nếu theo học hệ chính quy) hoặc kỳ thi vừa làm vừa học (nếu theo học hệ vừa làm vừa học). Tuy nhiên, thay đổi này khiến nhiều học sinh, sinh viên tỏ ra e ngại, lo lắng khi cánh cửa đại học đang chặn trước mắt.
 

Để làm rõ về vấn đề  này, ông Bùi Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học – Bộ GD&ĐT đã có những ý kiến phản hổi làm rõ những thắc  mắc của nhiều bạn trẻ.

Thu hẹp cánh cửa vào đại học?

Theo Vụ trưởng Bùi Anh Tuấn, quy định mới chặt chẽ hơn, đi vào chất lượng, nhưng cũng tạo nên nhiều cơ hội cho người học. Quy chế này không quy định cùng ngành nghề đào tạo mới được học liên thông,về xác nhận thời gian công tác, và xếp loại học lực…

Mặt khác, nếu người học ra trường đủ 36 tháng trở lên sẽ dự thi các môn chuyên ngành, nghiệp vụ còn chưa đủ 36 tháng sẽ thi các môn văn hoá theo quy định của các khối thi hiện hành. Điều này vừa tạo cơ hội lớn hơn cho người học, vừa tạo công bằng xã hội.
 

Liệu quy chế mới sẽ làm hẹp cánh cửa vào đại học của  nhiều bạn trẻ? (Ảnh: Internet)

Vụ trưởng cho biết trước khi ban hành quyết định này, ban soạn thảo đã xin ý kiến của nhiều giáo viên ở các trường trung cấp, cao đẳng, cao đẳng nghề. Các thầy cô đều mong muốn sinh viên của khi ra trường sẽ được thị trường lao động chấp nhận.

Vì vậy, sinh viên khi ra trường nên bước vào thị trường lao động, sau thời gian làm việc em nào có quyết tâm, có nghị lực đều có thể học lên.

Nếu sinh viên học xong muốn liên thông đại học ngay thì phải tham dự kỳ thi tuyển sinh cùng các học sinh phổ thông để tạo sự công bằng, bình đẳng với người khác. Mặc dù vậy, các thí sinh đã tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng sẽ được bảo lưu kết quả học tập, rút ngắn thời gian học..

Ông Tuấn Còn khuyên các bạn sinh viên: “Mọi con đường đều rộng mở, các bạn cần nghị lực và quyết tâm, hãy đặt mọi việc về đúng giá trị của nó, hiểu đúng, làm đúng thì chúng ta sẽ thành công”.

Thay đổi quy định liên thông – “cứu” chất lượng đào tạo

Việc đào tạo liên thông trước đây được quy định trong Quyết định 06, nhưng sau một thời gian triển khai đã thể hiện nhiều điểm chưa hợp lý và không bao quát được thực tế của đào tạo liên thông hiện nay.

Biện pháp tổ chức đào tạo này giúp người học bảo lưu kết quả học tập đã tích luỹ, rút ngắn thời gian, tiết kiệm công sức, tiền bạc. Thực tế thời gian qua, điều này đã bị hiểu sai và thực hiện không đúng, liên thông đã biến thành một loại hình đào tạo. Vì hiểu sai bản chất vấn đề, dẫn tới thực hiện sai và đã kéo theo hệ lụy.

Ông Bùi Anh Tuấn cho biết: “Hệ lụy đó là trong xã hội tồn tại 2 loại bằng chính quy: bằng chính quy (với kỳ thi 3 chung), bằng chính quy liên thông. Hai loại bằng cùng là chính quy, cùng do một trường cấp ra nhưng chất lượng lại khác nhau”.

Thực tế, trong quá trình triển khai đào tạo liên thông, nhiều trường đã không tuân thủ các quy định hiện hành. Ví dụ nhiều trường đào tạo liên thông theo hình thức vừa làm vừa học nhưng để thu hút người học lại công bố sẽ cấp bằng chính quy. Thậm chí, nhiều trường đạo tạo ngoài cơ sở, ngoài giờ liên kết… cũng cấp bằng chính quy.

Mặt khác, trong quá trình tổ chức và quản lý đào tạo, nhiều trường đã không tuân thủ chương trình đào tạo đã công bố, không xây dựng và công bố chuẩn đầu ra, không thực hiện đầy đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng.

Những yếu tố này làm cho chất lượng đào tạo liên thông thấp, cái đó là đã rõ ràng. Thực tế nhiều nhà tuyển dụng đã nói không với tấm bằng liên thông.

Ông Tuấn trăn trở : “Như vậy, sinh viên ra trường với tấm bằng mà không được xã hội thừa nhận; lợi ích chính đáng và hợp pháp của người học không được đảm bảo”.

Kết quả khảo sát vừa qua cũng cho thấy nhiều trường trung cấp, cao đẳng, trường nghề còn thay đổi mục tiêu, chương trình đào tạo sát với những trường ĐH có cùng ngành đào tạo để “liên thông cho dễ”.

Như vậy những trường này “biến tướng” thành nơi đào tạo “giai đoạn 1” cho các đại học. Rõ ràng, sứ mệnh, mục tiêu đào tạo, các chuẩn đầu ra của các trường này đã bị bóp méo, không còn đúng như ban đầu.

Vì vậy, việc ban hành quy định mới nhằm giải quyết những vấn đề còn tồn tại, đảm bảo chất lượng đào tạo và quyền lợi của người học. Vụ trưởng nhấn mạnh: “Các trường phải đào tạo đúng luật, đúng quy định, đúng bản chất của vấn đề, trả cho người học đúng giá trị của họ, để khi họ cầm tấm bằng họ cảm thấy tự hào”.

“Nồi cơm” của các trường bị ảnh hưởng?

Hệ đào tạo liên thông tại nhiều trường đang thu hút rất nhiều người học. Với quy chế này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc tuyển sinh của một số trường.

Tuy nhiên theo ông Bùi Anh Tuấn đối với các trường đào tạo liên thông chỉ là một trong số nhiều nguồn tuyển sinh đào tạo của nhà trường. Các trường có đào tạo chính quy làm chuẩn, bên cạnh đó còn được phép đào tạo vừa học vừa làm, đào tạo cao đẳng, đào tạo từ xa. Như vậy, liên thông chỉ là một nguồn nhỏ trong nguồn tuyển sinh của nhà trường.

Ông Tuấn nhấn mạnh: “Nếu trường nào nói liên thông là nguồn chủ yếu để trường tồn tại thì những trường đó cần phải xem lại sứ mệnh, mục tiêu và chiến lược phát triển”.
 
Theo Infonet


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.