Hiện tại, học sinh dự thi THPT quốc gia đã hoàn tất việc đăng ký môn thi. Năm nay, kỳ thi bao gồm 8 môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ. Trong đó, Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí thi theo hình thức tự luận. Vật lí, Hoá học, Sinh học thi trắc nghiệm. Ngoại ngữ thi viết và trắc nghiệm. Đề thi môn Ngữ văn có 2 phần đọc hiểu và làm văn.
Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 4 môn, gồm 3 bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn thi tự chọn.
Theo khảo sát một số trường tại Hà Nội, học sinh chủ yếu lựa chọn môn Vật lí, Hóa học. Hai môn Lịch sử và Sinh học chiếm số ít, thậm chí 0%. Tỷ lệ thí sinh dự thi Địa lí tăng so với năm trước.
Thí sinh dự thi đại học. Ảnh: Lê Hiếu. |
Theo PGS Văn Như Cương, Chủ tịch HĐQT trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), học sinh của trường đăng ký môn Vật lí cao nhất (chiếm hơn 50%), Hóa học (hơn 30%), sau đó đến Địa lí. Không có học sinh nào chọn Lịch sử.
Lý giải về điều này, PGS Văn Như Cương chia sẻ: “Từ trước đến nay, trường THPT Lương Thế Vinh có thế mạnh về ban A, các em chủ yếu thi khối A, D và A1. Khối C chiếm tỷ lệ nhỏ. Khi học sinh vào trường, theo nguyện vọng của các em, chúng tôi mở khối C. Tuy nhiên, trong kỳ thi quốc gia lại không có em nào định hướng theo khối này. Bên cạnh đó, vẫn có tỷ lệ học sinh chọn môn Địa lí. Đây là môn học dễ “ăn điểm” khi các em được mang Atlat vào phòng thi”.
Tại trường THPT Kim Liên (Hà Nội), hiệu trưởng Lê Thiết Sơn cho biết: “Nhà trường đang rà soát tỷ lệ thí sinh chọn môn thi tốt nghiệp. Ngày mai (5/5), trường sẽ gửi dữ liệu lên Sở GD&ĐT".
"Năm nay, học sinh chủ yếu dự thi khối A và D, khối C chiếm tỷ lệ nhỏ. Riêng môn Vật lí có tới 500/600 em chọn. Số học sinh thi môn Địa lí nhiều hơn năm ngoái, gồm 100 em. Toàn trường chỉ có khoảng 5 học sinh đăng ký thi môn Lịch sử", thầy Sơn nói.
Thầy Nguyễn Tùng Lâm – hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, nhận định, chất lượng đầu vào của trường không cao nên việc phân ban theo khối thi đại học không rõ rệt. Toàn trường có 80% học sinh chọn môn Địa lí và 10% thi Lịch sử.
Tại trường THPT Việt Đức, số thí sinh lựa chọn môn thi theo tỷ lệ thấp dần là Vật lí, Hóa học, Địa lí, Sinh học và Lịch sử. Trường có hơn 600 học sinh thì 440 em chọn môn Vật lí, 27 em đăng ký thi Lịch sử.
Thầy Đào Tuấn Đạt – hiệu trưởng
trường THPT Anhxtanh Hà Nội cho biết: “80% học sinh chọn môn Vật lí,
20% chọn Hóa học. Tỷ lệ học sinh chọn Lịch sử, Địa lí và Sinh học là 0
%”.
Trước đó, trong hội nghị triển khai công tác thi THPT quốc gia năm 2015, chia sẻ trong phần thảo luận, thầy Vũ Xuân Khang – hiệu trưởng trường THPT Mari Curie cho rằng, năm nay, thí sinh đăng ký môn thi xét tuyển đại học, cao đẳng sớm (không thay đổi trước 30/4), nhưng biên chế năm học hoàn thành ngày 30/5. Điều này gây khó khăn cho giáo viên, học sinh trong việc dạy và học. Bởi sau khi đăng ký môn thi, các em chỉ có tâm lý học những môn chính, coi nhẹ môn phụ. Hiệu trưởng này nêu quan điểm: “Nếu một lớp có 40 học sinh, chỉ có 2 em đăng ký môn Sinh học, đồng thời sẽ có 38 em không coi môn này quan trọng. Các môn phụ như Giáo dục Công dân, Thể dục, Công nghệ đều được dạy và học hết 30/5”. Thầy Khang chỉ ra một thực tế, việc chọn môn thi trong giai đoạn “nước rút” khiến học sinh, giáo viên và cả hiệu trưởng đều căng thẳng. Vị hiệu trưởng cũng nêu ra đề xuất, nên để học sinh lựa chọn môn thi từ đầu năm học, đồng thời kết thúc sớm tiết học phụ. Trong quá trình giảng dạy, nhà trường chú ý chia nhóm ôn tập theo nguyện vọng. |