Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Sẽ không thừa - thiếu giáo viên

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, khi xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới đã lường trước được những khó khăn để có giải pháp thực hiện.

Trao đổi với Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, khi xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới đã lường trước được những khó khăn để có giải pháp thực hiện.

Có ý kiến đề xuất, nếu lớp học đông nên bố trí 2 giáo viên/lớp (trong ảnh là học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Ngọc Châu
Có ý kiến đề xuất, nếu lớp học đông nên bố trí 2 giáo viên/lớp (trong ảnh là học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Ngọc Châu

Tính khả thi cao

Thưa ông, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể thay đổi lớn về mục tiêu giáo dục. Tuy nhiên, với điều kiện cơ sở vật chất, trình độ giáo viên hiện nay thì theo ông chương trình áp dụng vào thực tiễn liệu có khả thi? Lộ trình áp dụng chương trình cụ thể ra sao?

Khi làm chương trình thì việc đầu tiên phải nghĩ đến là tính khả thi. Phương châm là phải có khoảng 90 đến 95% các trường đã đủ điều kiện để sẵn sàng chuẩn bị áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, ở những nơi khác nhau thì mức độ, yêu cầu khác nhau.

Bộ GD&ĐT cũng đã chỉ đạo các giải pháp cụ thể để giúp các trường bắt nhịp thực hiện chương trình mới từ lớp 1, lớp 6, lớp 10 vào năm 2018, sau đó mỗi năm thực hiện cuốn chiếu mỗi lớp tiếp theo.

Thực tế, không đợi đến 2018 mới triển khai đồng loạt, mà ngay thời điểm này đã có một số việc được triển khai ở một số đơn vị để thực nghiệm, làm quen như: đổi mới tổ chức hoạt động trải nghiệm, cách đánh giá học sinh, thiết kế nội dung và triển khai dạy học tích hợp…

“Quy định không quá 35 học sinh/lớp tiểu học đã có từ lâu. Tuy nhiên, ở một số trường của thành phố lớn, có tình trạng 60 học sinh/lớp. Đã có ý kiến đề xuất nếu chưa thể giảm được sĩ số học sinh thì nên chăng bố trí 2 giáo viên/lớp để đảm bảo chất lượng dạy học”.

Thứ trưởng

Nguyễn Vinh Hiển

Khi tất cả các trường cùng triển khai thì cũng đặt mức độ yêu cầu khác nhau, nhất là việc tổ chức dạy học tự chọn và hoạt động trải nghiệm sáng tạo thì cần phải tùy điều kiện của từng trường để thực hiện và từng bước hoàn thiện hơn.

Ví dụ, một giáo viên giỏi có thể một mình dạy cả quyển SGK tích hợp môn Khoa học xã hội, giáo viên khác thì chỉ dạy một phần trong quyển sách như phân môn Lịch sử, Địa lý hay chủ đề liên phân môn. Dĩ nhiên, Bộ cũng đặt mục tiêu tiến tới mục đích một giáo viên dạy được toàn phần môn học tích hợp.

Quan điểm là có đủ điều kiện tối thiểu ban đầu rồi thông qua quá trình thực hiện chương trình mới sẽ làm cho nhà trường, giáo viên khắc phục cái thiếu, cái yếu để đáp ứng ngày càng tốt hơn.

Còn chuyện bồi dưỡng giáo viên, hiện nay trong năm học, trong dịp hè họ vẫn có nhiệm vụ, và được bố trí thời gian học bồi dưỡng nâng cao năng lực nói chung theo định hướng đổi mới giáo dục phổ thông.

Khi ban hành chương trình và SGK mới thì việc học bồi dưỡng của giáo viên sẽ có những nội dung cụ thể, phục vụ trực tiếp cho chương trình và SGK mới để giáo viên đáp ứng được ngay.

Từ sau khi có Nghị quyết 29 của Trung ương và Nghị quyết 88 của Quốc hội, Bộ đã chỉ đạo cùng với quá trình xây dựng chương trình thì ngày càng nhiều chuyên đề bồi dưỡng thiết thực với chương trình mới.

Có ý kiến cho rằng, điều kiện cơ sở vật chất của nhiều đơn vị giáo dục còn thiếu. Để áp dụng chắc phải có thời gian chuẩn bị, đầu tư thêm?

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Sẽ không thừa - thiếu giáo viên - ảnh 1
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển

Tôi nghĩ, không nhất thiết đầu tư trang thiết bị hiện đại mới dạy học theo phương pháp mới được. Ví dụ, chuyện sử dụng máy tính, làm sao vẫn đảm bảo mục đích dạy và học là được, không nhất thiết phải có máy móc thật hiện đại.

Xin nói thêm, cùng với Đề án đổi mới chương trình - SGK, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ xây dựng 2 đề án về tăng cường cơ sở vật chất và đổi mới đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.

Giảm áp lực không có nghĩa là ít cố gắng

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được đánh giá sẽ giảm lượng kiến thức hàn lâm, vậy học sinh có thực sự được giảm tải trong học tập không, thưa thứ trưởng?

Giảm tải ở đây là nhờ bỏ những kiến thức cao siêu, nặng nề, hoặc không thiết thực với học sinh hay những kiến thức chồng chéo giữa môn này với môn khác. Với thiết kế chương trình giáo dục mới, số môn học và hoạt động giáo dục có tăng thêm, kiến thức phong phú hơn.

Tuy nhiên, những nội dung bắt buộc học sinh nào cũng phải học lại ít hơn. Bù vào đó, mỗi học sinh được tự chọn môn học hoặc những nội dung nào đó trong từng môn học. Cùng với đó, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá cũng đổi mới theo hướng phát huy tính tích cực, hướng vào phát triển năng lực thì việc học sẽ hứng thú hơn, giảm áp lực, nhưng sự cố gắng, chuyên cần thì vẫn phải được khuyến khích, động viên.

Ví dụ, trong môn Lịch sử, Địa lý có nhiều số liệu khô cứng, khó nhớ, giáo viên đa số là thuyết giảng một chiều thì học sinh ngại học. Chương trình mới sẽ khắc phục những hạn chế này để việc học sẽ hấp dẫn đối với học sinh.

Cùng với đổi mới nội dung và phương pháp dạy học, ông vừa nói đến việc đổi mới hoạt động kiểm tra, đánh giá học sinh. Xin ông nói rõ thêm về điều này?

Chất lượng dạy học sẽ được nâng cao cũng nhờ đổi mới cách đánh giá học sinh. Ngày trước, việc đánh giá học sinh là dựa vào những bài kiểm tra kiến thức học sinh nắm được đến đâu và đánh giá theo từng giai đoạn, thời điểm.

Với chương trình mới, điểm đổi mới quan trọng ở chỗ việc đánh giá sẽ diễn ra thường xuyên xem học sinh có lĩnh hội được kiến thức cơ bản không, vận dụng được kiến thức để giải quyết các nhiệm vụ học tập và các vấn đề trong thực tiễn thế nào.

Thông qua quan sát học sinh học mà giáo viên biết em nào đang khó khăn để giúp đỡ kịp thời, em nào có năng lực vượt trội để động viên và giao thêm nhiệm vụ khó hoặc nhiệm vụ giúp bạn cùng học. Nói một cách đơn giản là kiểm tra, đánh giá để giúp cho học sinh nào cũng học được và thích học.

Khi học sinh được lựa chọn môn học ở THPT, điều dư luận đang lo lắng sẽ dẫn đến tình trạng thừa và thiếu giáo viên không, thưa ông?

Chương trình mới không dẫn đến thừa hoặc thiếu giáo viên. Có thể 1 giáo viên dạy nhiều học sinh và có giáo viên chỉ dạy ít học sinh. Ví dụ, có lớp 40 em, có 20 em phụ thuộc vào số lượng học sinh chọn môn học. Đối với THPT, tất cả các môn học hiện nay sẽ đều có học sinh theo học. Trước hết phải kể đến các môn học bắt buộc như Toán, Văn, Ngoại ngữ và môn Công dân với Tổ quốc (trong đó có nội dung giáo dục về Lịch sử, Quốc phòng, An ninh, Giáo dục công dân…).

Đối với các môn tự chọn như Lịch sử, Địa lý thì dạy cho học sinh định hướng khoa học xã hội. Các hoạt động thể thao, âm nhạc, nghệ thuật, trải nghiệm sáng tạo đều có những nội dung cho học sinh phải chọn. Các chuyên đề học tập tự chọn thì phân công và bồi dưỡng để giáo viên các bộ môn đảm nhiệm. Tuy nhiên việc điều hành, phân công giáo viên phải rất linh hoạt; cán bộ quản lý nhà trường sẽ được tập huấn và hỗ trợ về kỹ năng này.

Khi thiết kế chương trình, Bộ GD&ĐT có lường hết được những khó khăn gặp phải trong thời gian áp dụng hay không? Những khó khăn đó là gì, thưa thứ trưởng?

Tất cả những điều xã hội đang lo lắng hiện nay, đó chính là: cơ sở vật chất thiếu, năng lực đội ngũ giáo viên còn hạn chế, tâm lý lo lắng hoài nghi…

Quan điểm của Bộ là để có tiến bộ thì phải cố gắng lường trước, đến mức độ cụ thể nhất, tất cả các khó khăn để tìm cách khắc phục bằng những giải pháp khả thi và lựa chọn các mục tiêu hợp lý cho lộ trình đổi mới.

Xin cảm ơn ông.

Theo Tiền Phong



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.