Thực hiện Thông tư 30: Vẫn còn những nhận xét chung chung

Mặc dù Thông tư 30 được đánh giá là có nhiều đột phá, tác động tích cực đến học sinh tuy nhiên, việc thực hiện Thông tư này vẫn còn nhiều hạn chế cần được tháo gỡ.

Mặc dù Thông tư 30 được đánh giá là có nhiều đột phá, tác động tích cực đến học sinh tuy nhiên, việc thực hiện Thông tư này vẫn còn nhiều hạn chế cần được tháo gỡ. Giáo viên vẫn đưa ra những nhận xét chung chung, ít có tác dụng khuyến khích học sinh tiến bộ...

Sáng ngày 21/7, Sở GD-ĐT Nghệ An tổ chức Hội nghị tổng kết 1 năm thực hiện Thông tư 30. Báo cáo của Sở GD-ĐT Nghệ An khẳng định, đổi mới đánh giá học sinh, nhất là học sinh tiểu học đã được chuẩn bị chu đáo về tuyên truyền, nhận thức và kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên… nên đại bộ phận giáo viên không còn bị động khi tiếp nhận chủ trương đổi mới đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30/2014 của Bộ GD-ĐT.

Thực hiện Thông tư 30: Vẫn còn những nhận xét chung chung
Ông Thái Huy Vinh - Phó GĐ Sở GD-ĐT Nghệ An: "Thông tư 30 đã đáp ứng được yêu cầu đổi mới
cách đánh giá học sinh".

Mặc dù Thông tư 30 được xem là bước đột phá trong đánh giá học sinh phổ thông ở tiểu học, tuy nhiên, để thay đổi thói quen đã tồn tại rất lâu trong giáo dục là học để ứng thí, xem điểm số là thước đo giá trị của sự học không phải là dễ. Bởi vậy một bộ phận không nhỏ cán bộ quản lý, giáo viên và cha mẹ học sinh không khỏi bỡ ngỡ trong quá trình thực hiện; Một bộ phận cha mẹ học sinh có nhiều kỳ vọng ở thành tích học tập của con em mình ngay từ tiểu học đã không đồng tình với cách đánh giá mới vì khó phân chia thứ hạng; Tăng áp lực hành chính cho giáo viên, nhất là giáo viên dạy một môn ở nhiều lớp…

Tuy nhiên, sau 1 năm thực hiện Thông tư 30/2014 của Bộ GD-ĐT về đánh giá học sinh tiểu học, trên thực tế đã đáp ứng được yêu cầu đổi mới đánh giá học sinh theo tinh thần Nghị quyết 29 về các mặt: Giảm áp lực về điểm số, thi cử, giúp học sinh được phát triển toàn diện về phẩm chất, năng lực, về quá trình và kết quả học tập; Giúp giáo viên kịp thời điều chỉnh phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng… từ đó giúp học sinh tiến bộ theo các yêu cầu giáo dục ở tiểu học.

Các đại biểu thảo luận, tháo gỡ các vướng mắc sau 1 năm thực hiện Thông tư 30.
Các đại biểu thảo luận, tháo gỡ các vướng mắc sau 1 năm thực hiện Thông tư 30.

Kết quả đánh giá định kỳ cuối năm học 2014 -2015 cho thấy chất lượng các môn học được đảm bảo vững chắc (các môn đánh giá bằng điểm có tỷ lệ đạt yêu cầu trở lên về kiểm tra định kỳ cuối năm học giữ vững hoặc cao hơn năm học 2013-2014; Đặc biệt tỷ lệ học sinh đạt điểm 9, điểm 10 (tương đương loại giỏi theo Thông tư 32/2009) đều tăng từ 2%- 7,24%, trong đó môn Toán tăng cao nhất). Kết quả đó là minh chứng sống động khẳng định tác động tích cực của đổi mới đánh giá học sinh theo hướng coi trọng đánh giá thường xuyên, đánh giá bằng nhận xét để giúp học sinh tiến bộ hàng ngày.

Tuy nhiên, đây là năm đầu tiên triển khai thực hiện đại trà nên trên thực tế vẫn còn khó khăn, vướng mắc. Nhận thức của một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên chưa theo kịp tinh thần của Thông tư 30 về mục đích đánh giá, kỹ thuật đánh giá. Nhiều giáo viên còn nhận thức theo dạng quy đổi từ đánh giá bằng điểm sang nhận xét… dẫn đến việc đưa ra những nhận xét chung chung, ít có tác dụng khuyến khích học sinh tiến bộ hoặc giúp đỡ học sinh vượt qua khó khăn.

Các đại biểu thảo luận, tháo gỡ các vướng mắc sau 1 năm thực hiện Thông tư 30.
Ghi lời nhận xét như thế nào để học sinh nhận ra điểm yếu lại vừa khuyến khích được học sinh, không mang tính chung chung, nhàm chán không phải là điều dễ dàng đối với tất cả giáo viên tiểu học.

Ông Trần Thế Sơn – Trưởng Phòng GD Tiểu học, Sở GD-ĐT Nghệ An dẫn chứng: “Bài đạt 9, 10 thì ghi “Cô khen con”. Bài chưa đạt yêu cầu thì ghi “Con cần cố gắng”. Có phụ huynh khi xem vở của con, thấy cô ghi như vậy đã có yêu cầu “Cháu cần cố gắng chỗ nào, đề nghị cô ghi rõ để tôi còn giúp đỡ cháu”. Nguyên tắc của giáo dục là không làm tổn thương học sinh, bởi vậy, ghi như thế nào để tránh các cháu bị tổn thương mà khuyến khích các cháu cố gắng. Ghi nhận xét là vẽ nên một biểu đồ phát triển của học sinh. Trong vở của các cháu cần chỉ rõ những chỗ được, chưa được nhưng trong sổ theo dõi, tổng hợp nhận xét của giáo viên cần chú trọng hơn những khó khăn, yếu điểm của học sinh để có biện pháp điều chỉnh, giúp đỡ”.

Bên cạnh đó, mặc dù Bộ và Sở đã có công văn hướng dẫn sử dụng hồ sơ đánh giá theo hướng giảm thiểu lao động hành chính cho giáo viên để giáo viên tập trung vào công tác giảng dạy, giáo dục học sinh nhưng trên thực tế nhiều trường, hiệu trưởng vẫn có tâm lý “sợ sai mẫu” nên yêu cầu giáo viên phải ghi đầy đủ các cột, dòng theo mẫu hồ sơ theo dõi chất lượng. Từ đó tạo ra tâm lý đối phó của giáo viên, nhất là ở những trường có sỹ số học sinh trên 35 em/lớp, giáo viên bộ môn phải dạy nhiều lớp. Một bộ phận giáo viên còn có tâm lý ngại thay đổi, phản ứng tiêu cực trước cái mới…

Theo Dân Trí


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.