Thưởng Tết của giáo viên: Nơi tiền triệu, nơi ngậm ngùi

Không có khoản lương thứ 13 như các ngành khác nên việc giáo viên có thưởng tết hay không phải phụ thuộc vào sự cân đối chi tiêu và những khoản tăng thu nhập khác của các trường.

Không có khoản lương thứ 13 như các ngành khác nên việc giáo viên có thưởng tết hay không phải phụ thuộc vào sự cân đối chi tiêu và những khoản tăng thu nhập khác của các trường. Cũng chính vì thế mà mới có cảnh người buồn, kẻ vui giữa các trường ngoại thành vùng ven và các trường nội thành.

Thành phố: Thưởng Tết tiền triệu

Bấy lâu nay, chuyện thưởng Tết cho giáo viên trong ngành giáo dục vốn trở thành một vấn đề nhạy cảm. Không như những ngành nghề khác, giáo viên chịu thiệt thòi hơn vì không có lương tháng 13 – khoản tiền thưởng mà doanh nghiệp cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh cả năm. Nhằm an ủ, động viên các giáo viên sau quá trình giảng dạy cả năm, các trường cũng tính toán các khoản kết dư cuối năm để chia cho giáo viên.


Công việc vất vả nhưng nhắc đến thưởng tết nhiều giáo viên ở vùng sâu vẫn thấy chạnh lòng (ảnh minh họa)
Công việc vất vả nhưng nhắc đến thưởng tết nhiều giáo viên ở vùng sâu vẫn thấy chạnh lòng (ảnh minh họa)

Chính vì thế nên việc giáo viên có được thưởng Tết hay không, nhiều hay ít hoàn toàn phụ thuộc vào việc cân đối chi tiêu của lãnh đạo từng trường. Ngoài khoản kết dư từ ngân sách mỗi năm sau khi chi cho các hoạt động, phong trào, quỹ lương thì trường nào có nhiều nguồn thu phụ từ cơ sở vật chất, căntin, bãi xe… thì cuối năm giáo viên được thưởng ở mức cao. Nếu những trường không có nhiều nguồn thu thì phụ thuộc nhiều hơn vào lãnh đạo trường biết chi tiêu tiết kiệm các khoản chi.

Dù chưa công bố mức thưởng chính thức nhưng theo lãnh đạo các trường tại TP.HCM cho biết “sẽ cố gắng phấn đấu để đưa ra mức thưởng tương đương như năm trước để động viên tinh thần giáo viên”.

Theo bà Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, quận 4 (TPHCM) chia sẻ rằng cũng như mọi năm trường cố gắng gói ghém chi tiêu để cuối năm có thưởng cuối năm. Năm nay trường cân đối để giáo viên được mức thưởng như năm ngoái, dự tính Tết này mỗi giáo viên, cán bộ nhân viên được thưởng khoảng 8-8,5 triệu đồng/người. “So với các ngành nghề khác mức thưởng này không nhiều nhưng giáo viên của trường cũng biết vậy và bằng lòng với số phận rồi”, bà Thúy Hà bộc bạch. Tương tự, trường THCS Nguyễn Du (quận 1) dự kiến mỗi người trong trường được thưởng đều gần 10 triệu đồng.

Ngậm ngùi giáo viên vùng khó

Những ngày này, giáo viên ở các trường nội thành nhốn nháo trông chờ thông báo những khoản thưởng cuối năm. Thế nhưng ở các trường ngoại thành vùng ven nhắc đến thưởng Tết giáo viên ở khu vực này không tránh khỏi tâm trạng “tủi thân”.

Với khoảng cách gần 60km, từ trung tâm TP.HCM để đi đến trường tiểu học Thạnh An, huyện Cần Giờ mất gần nửa ngày. Các giáo viên của ngôi trường ở xã đảo duy nhất của TP.HCM muốn đến trường còn phải đi đò qua sông gần một giờ nữa mới tới được trường. Không chỉ cách trở địa lý mà điều kiện sinh hoạt ở xã đảo này vẫn còn thua xa nội thành nên các giáo viên, cán bộ nhân viên của ngôi trường này chấp nhận phải chịu bao nhiêu thiệt thòi. Nhắc đến chuyện thưởng Tết thôi cũng khiến giáo viên ở ngôi trường này cảm thấy chạnh lòng.

Ông Đặng Thái Bình, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thạnh An cho biết ở xã đảo này chẳng có ai thèm vào ngôi trường vài chục học sinh để thầu căntin hay bãi giữ xe nên trường cũng chẳng có bất kỳ nguồn thu nào thêm. Thu nhập tăng thêm cuối năm cho giáo viên chỉ dựa vào việc tiết kiệm điện nước, in ấn… nên số tiền cũng chỉ mang tính tượng trưng món quà ngày Tết.

Theo ông Bình, năm nay trường cũng cố gắng tính toán, tiết kiệm được khoản gần như năm ngoái trung bình mỗi giáo viên nhận được khoảng từ 1-1,5 triệu đồng. Ngoài tiết kiệm từ chi tiêu thì trường cũng vận động các trường kết nghĩa chia sẻ, hỗ trợ cho giáo viên trường mình.

Cũng theo ông Bình, hiện tại trường có nhiều giáo viên đến từ các tỉnh xa như Hà Nam, Thanh Hóa, Hà Tĩnh… Ngoài mức thưởng ít ỏi mà trường chia thì công đoàn ngành giáo dục cũng hỗ trợ các khoản cho giáo viên ở xa dạy ở trường. “Dù thêm chỉ vài trăm nghìn đồng nhưng phần nào phụ bớt được tiền vé xe về quê đón Tết cho các giáo viên này”, vị hiệu trưởng này chia sẻ.

Trong khi đó, hiệu trưởng một trường tiểu học ở huyện Bình Chánh cho biết công việc hàng ngày của thầy cô ở ngoại thành có phần vất vả hơn cả các đồng nghiệp ở nội thành vì dân trí khu vực thấp, phụ huynh không hỗ trợ được giáo viên trong việc cùng dạy dỗ con em của họ. Chuyện dạy thêm để tăng thu nhập cũng không thể mà thậm chí còn phải lo vận động học sinh không bỏ học. Dù công việc vất vả vậy nhưng kết thu cuối năm hỗ trợ cho giáo viên vẫn chưa tương xứng với công sức họ bỏ ra. Tại trường có 7 giáo viên quê ở tận Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Bình… thế nhưng Tết đến cũng đành ở lại TP.HCM mà không về quê sum họp với gia đình vì chuyện tiền nong.

Thấu hiểu những khó khăn của nhiều giáo viên, mới đây, Công đoàn ngành Giáo dục TPHCM đã ra văn bản vận động cán bộ, đoàn viên, giáo viên, nhân viên các đơn vị có điều kiện hỗ trợ, chia sẻ với các đồng nghiệp các đơn vị còn khó khăn, các đơn vị ở xã vùng sâu ngoại thành vui Tết Bính Thân 2016. Theo đó, ngành kêu gọi các đơn vị, đồng nghiệp và nhà hảo tâm hỗ trợ để giáo viên khó khăn đón Tết được ấm lòng. Tùy theo điều kiện thực tế từng đơn vị, mỗi giáo viên có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ thấp nhất là 500.000 đồng.

Theo Dân Trí


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.