Trường THPT tự “bơi” với ôn thi tốt nghiệp

Theo một số hiệu trưởng trường THPT tại Hà Nội, đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT vẫn chưa quyết định thi THPT vào giữa tháng 6 hay đầu tháng 7, thi 3 ngày hay 4 ngày.

Theo một số hiệu trưởng trường THPT tại Hà Nội, đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT vẫn chưa quyết định thi THPT vào giữa tháng 6 hay đầu tháng 7, thi 3 ngày hay 4 ngày. Thậm chí, hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp cũng chưa có nên học sinh thì lo lắng còn nhà trường đang phải tự “bơi”.

Nên có hướng dẫn ôn tập sớm

Theo khung chương trình, hiện các trường THPT đã bước sang học kỳ II được 1 tháng. Tuy nhiên hiện Bộ GD&ĐT chưa có hướng dẫn cụ thể, chưa “quyết” thi thời gian nào nên nhiều trường đang phải tự “bơi”.

Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm) cho biết, về quy chế cũng như thời gian diễn ra kì thi THPT Quốc gia, giá như Bộ GD&ĐT có sớm thì sẽ tốt hơn.

Cụ thể về thời điểm thi, việc tổ chức giữa tháng 6 hay đầu tháng 7, Bộ GD&ĐT cũng nên quyết sớm và nhanh chóng có hướng dẫn để các em có kế hoạch ôn tập phù hợp. Đặc biệt học sinh đang băn khoăn về việc kỳ thi THPT sẽ được tổ chức trong 4 ngày hay 3 ngày, tổ chức cụm thi vẫn duy trì hai cụm hay có thay đổi gì không?... Những thông tin này, nếu có sớm các em sẽ yên tâm hơn.

Thí sinh xem lại bài thi tốt nghiệp THPT môn Địa lý
Thí sinh xem lại bài thi tốt nghiệp THPT môn Địa lý

“Mặc dù nhiều trường có tâm lý muốn đẩy sớm chương trình chính khóa để dành thời gian ôn tập cho các em nhưng tùy vào lực học của học sinh các trường để quyết định việc ôn thi sớm hay muộn. Với Trường THPT Việt Đức, do chất lượng đầu vào của các em khá cao nên không đến mức phải dồn tiết, dồn môn như một số trường khác”, ông Bình cho biết.

Ông Nguyễn Minh Phi, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (Gia Lâm, Hà Nội) cũng khẳng định, trường không đẩy chương trình lên sớm vì học sinh dễ học lệch, bỏ bê một số bộ môn khác. Tuy nhiên, Bộ và Sở GD&ĐT nên có hướng dẫn ôn tập cho học sinh sớm. Đến giờ, các trường cũng chưa nắm rõ được thông tin thi cử, tuyển sinh như thế nào.

Lựa chọn kiến thức và bài tập để ôn tập

Thông thường tâm lý học sinh, nếu phải học môn không chọn để thi là không tích cực quan tâm. Thậm chí có em chọn lệch từ năm lớp 10. Hiện ở các trường, không ai dại gì nhồi nhét các em mà chọn lọc kiến thức, lựa chọn bài tập để hướng dẫn ôn thi mới hiệu quả.

(TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng - Hà Nội)

“Mỗi đổi mới và thay đổi phải báo cho học sinh ngay từ đầu năm học để trường có định hướng tốt, xây dựng khung chương trình cho học sinh tốt hơn. Giờ các trường hoàn toàn chủ động ôn thi cho các em nhưng việc chủ động này cũng đặt ra nhiều vấn đề lo lắng”, ông Phi chia sẻ.

Chia sẻ với Dân trí, ông Nguyễn Dương Quang, Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai) cũng cho biết, hiện Bộ GD&ĐT còn bỏ ngỏ, chưa có kế hoạch thi vào tháng mấy nên mỗi trường phải lên nhiều phương án. Bản thân nhà trường cũng tự lên khung chương trình ôn thi cho các em học sinh.

Chủ động ôn thi cũng sợ... lệch

Theo Hiệu trưởng Quốc Bình, trường cũng đang vừa tiến hành dạy mới, vừa ôn thi cho các em học sinh.

Đây là năm thứ 2 Bộ tổ chức thi THPT nên việc ôn tập không có nhiều khó khăn. Theo đó, trường bám vào định hướng nội dung đã có trong kế hoạch đầu năm của bộ và Sở GD&ĐT để lên kế hoạch cho các em.

“Chương trình hiện nay mới sang học kỳ II chưa đầy 1 tháng nên chúng tôi vẫn phải dạy cho hết chương trình. Còn phần ôn tập thì học đến đâu, cuốn chiếu và ôn tập cho các em đến đó”, ông Bình cho biết.

Tại Trường THPT Nguyễn Văn Cừ, do chưa có hướng dẫn ôn tập nên nhà trường phải hoàn toàn chủ động tài liệu ôn thi cho học sinh.

Theo ông Phi, dựa trên cơ sở của khung chương trình cũ, trường giao cho các tổ nhóm chuyên môn xây dựng khung chương trình ôn tập cho học sinh. Sau đó, giao cho từng bộ phận chịu trách nhiệm xây dựng cụ thể chi tiết từng mảng chuyên đề. Các tổ này sẽ họp lại, rà soát lần cuối xem trong chương trình ôn tập đó còn thiếu sót gì không rồi mới triển khai cho học sinh.

“Nhà trường chủ động tài liệu và khung ôn tập nhưng lại đặt ra vấn đề, nếu chủ động đúng thì không sao nhưng nếu lệch một chút đã ảnh hưởng đến hướng nghiệp của các em học sinh bởi để thi thế này, nhà trường phải tư vấn cho phụ huynh và học sinh thông qua các cuộc họp phụ huynh trước đó. Vì vậy, nếu bộ ra đc hướng dẫn thi sớm thì càng tạo thuận lợi cho học sinh và nhà trường”, ông Phi cho hay.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Quang chia sẻ, hiện nhà trường đang hoàn thành chương trình. Nếu từ tháng 7 Bộ GD&ĐT tổ chức thi thì từ tháng 6, trường sẽ bắt đầu tổ chức ôn thi cho học sinh.

Theo Dân Trí


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.