Vì sao trường ĐH đồng loạt bỏ thi riêng?

Hàng loạt trường ĐH tốp trên, các trường khối sức khỏe đã lên phương án tuyển sinh riêng nhưng phút cuối lại thông báo hủy bỏ

Vào "phút chót", khối các trường y dược quyết định không tổ chức thi riêng dù trước đó, Hội đồng Hiệu trưởng các trường khối ngành sức khỏe đã tổ chức cuộc họp trực tuyến bàn bạc về phương án tuyển sinh, trong đó có tổ chức thi riêng.

Phức tạp và quá gấp gáp

GS Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng Hiệu trưởng các trường khối ngành sức khỏe, cho hay yêu cầu tuyển sinh các trường khối ngành sức khỏe có đặc thù so với các ngành khác. Chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) là tự chủ trong tuyển sinh, do vậy, các trường sẽ triển khai trong khi thời gian không nhiều nhưng phải bảo đảm đầu vào có thể chấp nhận được.

GS Tạ Thành Văn cũng cho biết một trong các phương án mà hội đồng sẽ thảo luận là tổ chức kỳ thi riêng. Tuy nhiên, cuối cùng phương án này không được triển khai vì phải có một số điều kiện như có ngân hàng đề thi và chắc chắn Bộ GD-ĐT sẽ phải hỗ trợ. Nếu các trường tổ chức thì các cơ quan khác cũng phải vào cuộc như chính quyền, công an… như vậy chi phí rất lớn và phải có quy chế tài chính cụ thể. Ngoài ra, cần phải tính toán đến việc tổ chức thi như thế nào, bảo đảm an ninh, an toàn. Điều khó khăn với các trường là thời gian chuẩn bị quá gấp gáp.

Vì sao trường ĐH đồng loạt bỏ thi riêng?-1

Thí sinh thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM năm 2019 Ảnh: TẤN THẠNH

Trường ĐH Kinh tế Quốc dân ngày 14-5 chính thức chốt phương án tuyển sinh năm 2020. Theo đó, trường không tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng như dự kiến ban đầu mà theo 3 phương thức. Đó là tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD-ĐT, xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường và xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2020.

Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã điều chỉnh phương án tuyển sinh năm 2020. Theo đó, trường sẽ không tổ chức kỳ thi riêng như kế hoạch trước đây. Chốt phương án tuyển sinh chính thức năm 2020, Trường ĐH Tôn Đức Thắng sử dụng 3 phương thức xét tuyển gồm: xét theo kết quả học tập bậc THPT; xét theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020; xét tuyển thẳng.

Lý giải cho việc hủy tổ chức kỳ thi riêng, ThS La Vũ Thùy Linh, Phó trưởng Phòng ĐH Trường ĐH Tôn Đức Thắng, nhìn nhận phương án kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đã được Bộ GD-ĐT điều chỉnh phù hợp, qua đó trường có thể dựa vào kết quả kỳ thi này để xét tuyển. Đồng thời, quyết định này nhằm giảm bớt kỳ thi, bớt khó khăn cho người học và giảm rủi ro về dịch bệnh trong tình hình năm nay.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP HCM, cho rằng trong quy chế tuyển sinh năm nay có một số yêu cầu mới đối với các trường tổ chức kỳ thi riêng. Do thời gian từ khi ban hành quy chế đến khi tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT không còn nhiều nên trường quyết định tạm ngưng tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực. Năm nay trường chỉ sử dụng 3 phương thức xét tuyển là: kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020; kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM năm 2020; xét tuyển học bạ THPT.

Nhiều quy định "gây khó"

Trong khi đó, trong quy chế tuyển sinh vừa được ban hành, Bộ GD-ĐT đã đưa ra các điều kiện bị cho là gây khó cho các trường nếu muốn tuyển sinh riêng. Theo đó, các cơ sở đào tạo ĐH muốn tổ chức thi riêng cần đáp ứng các điều kiện như có bộ phận độc lập chuyên trách thực hiện chức năng tổ chức thi tuyển sinh.

Ngoài ra, phải bảo đảm nhân lực đáp ứng các yêu cầu về năng lực quản lý và chuyên môn để tổ chức tốt kỳ thi riêng, bao gồm từ lãnh đạo bộ phận chuyên trách, cán bộ xây dựng cấu trúc đề thi, cán bộ phát triển câu hỏi và ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa và/hoặc tự luận, cán bộ chấm thi, cán bộ đánh giá, thẩm định các tham số của câu hỏi thi và đề thi đến các cán bộ hỗ trợ, kỹ thuật viên. Có ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa và/hoặc tự luận đủ lớn để xây dựng đề thi cho việc tổ chức thi trong mỗi lần thi.

Thêm nữa, phải ban hành quy chế thi tuyển sinh của trường gồm quy trình tổ chức và các quy định liên quan, có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị bảo đảm số lượng, chất lượng phù hợp với quy mô, hình thức tổ chức thi.

Lãnh đạo một trường ĐH lớn tại Hà Nội cho hay để có được ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa cũng như đội ngũ cán bộ chấm thi trong kỳ thi THPT quốc gia những năm qua, Bộ GD-ĐT phải huy động nguồn cán bộ từ nhiều trường ĐH, trường phổ thông mới đáp ứng được. Vì vậy, quy định khi trường ĐH tổ chức thi riêng phải tự túc bảo đảm các yêu cầu như dự thảo là quá khó.

Mỗi trường ĐH tuyển sinh theo yêu cầu riêng thì điều quan trọng nhất là bảo đảm chất lượng đầu vào, còn cách thức tuyển sinh như thế nào tùy cách làm của mỗi trường.

Về những quy định bị cho là "gây khó" này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc giải thích Quy chế Tuyển sinh năm 2020 bổ sung các điều kiện quy định với những trường muốn tổ chức thi tuyển sinh riêng là nhằm tăng cường công cụ quản lý nhà nước để bảo đảm các kỳ thi riêng diễn ra nghiêm túc, minh bạch, đúng quy định và chất lượng.

Kỳ thi đánh giá năng lực chỉ còn 1 đợt

Ban Giám đốc ĐHQG TP HCM vừa điều chỉnh phương án tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực năm 2020. Theo đó, chỉ tổ chức 1 đợt thay vì 2 đợt thi như trước đây. Kỳ thi tổ chức tại 5 địa phương: TP HCM, Bến Tre, An Giang, Nha Trang, Đà Nẵng. Ngày thi chính thức sẽ được công bố khi Bộ GD-ĐT ban hành kế hoạch thi THPT chính thức. Ngày thi được dự kiến tổ chức vào giữa tháng 8, tức sau ngày thi THPT khoảng 1 tuần. Thí sinh có thể tiếp tục đăng ký dự thi cho đến hết ngày 15-6.

 

THEO NLĐ

Xem link gốc Ẩn link gốc https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/vi-sao-truong-dh-dong-loat-bo-thi-rieng-20200517212631847.htm

tuyển sinh đại học

kỳ thi THPT Quốc gia


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.