Thất nghiệp không chỉ vì học phí thấp
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết tỷ lệ cử nhân thất nghiệp tăng với nguyên nhân là học phí thấp, giáo trình đào tạo chưa phù hợp. Quan điểm ông về vấn đề này như thế nào, thưa ông?
- Theo tôi, tình trạng cử nhân thất nghiệp có nhiều lý do, có lý do trực tiếp từ ngành giáo dục, có lý do từ kinh tế - xã hội nói chung, ví dụ như số lượng việc làm liên quan đến vị trí việc làm yêu cầu trình độ đại học là bao nhiêu, cơ cấu ngành nghề, cơ cấu trình độ có phù hợp với nhu cầu thị trường lao động không… Tất nhiên, cũng có nguyên nhân liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực đào tạo, nhưng tôi cho rằng đó không phải là nguyên nhân chủ yếu.
Bộ GD-ĐT báo cáo trong những năm gần đây không tăng về số lượng tuyển sinh. Khi con số tuyển sinh không tăng nhiều, về cơ bản không làm thay đổi con số sinh viên tốt nghiệp không có việc làm.
Hơn nữa, số sinh viên tốt nghiệp không có việc làm cũng không phải do nguyên nhân đào tạo những năm gần đây, mà có khi tích tụ tư nhiều năm trước dồn lại.
Tất cả những nguyên nhân này khiến vấn đề tìm việc làm cho sinh viên mới ra trường hiện nay trở nên “căng” hơn.
GS Đào Trọng Thi |
Theo ông, cần phải có giải pháp đột phá nào để sinh viên ra trường không phải mòn mỏi đi tìm việc làm?
- Như tôi đã phân tích, cử nhân thất nghiệp do nhiều nguyên nhân. Nếu xuất phát từ nguyên nhân kinh tế - xã hội thì không còn cách nào khác là phải tìm cách để kinh tế - xã hội phát triển, có như vậy mới tạo ra nhiều việc làm. Đối với ngành giáo dục thì phải làm tốt việc đào tạo theo quy hoạch nguồn nhân lực của quốc gia. Quy hoạch đó không phải chỉ ở quy mô, mà còn có cả cơ cấu trình độ, ngành nghề, vùng miền.
Tôi xin nhấn mạnh rằng cơ cấu ngành nghề, vùng miền rất quan trọng, vì có những ngành nghề thiếu người, lại có ngành nghề thừa người, thậm chí trong một ngành nghề thì có ngành nghề thiếu trình độ này, ngành nghề khác lại thừa trình độ khác... Như trong ngành giáo dục thì giáo viên trung học phổ thông thừa, giáo viên tiểu học thiếu, giáo viên mầm non thì rất thiếu. Cơ cấu vùng miền cũng thế, đặc biệt những vùng miền khó khăn rất thiếu nhân lực vì sinh viên ra trường chỉ muốn ở thành phố. Bao nhiêu chính sách ưu đãi, thu hút nhân lực đã được đưa ra nhưng chưa hiệu quả, và tất nhiên do chính sách cũng chưa đến mức để tạo được hiệu quả.
Cho nên, phải có tính toán rất chi tiết mới giải quyết được vấn đề, mà hiện nay mình cứ chung chung. Bên cạnh đó, tính toán chỉ tiêu tuyển sinh của ngành giáo dục cho các trường cũng rất đơn giản, chỉ dựa trên trường này có bao nhiêu giáo viên, cơ sở, diện tích như thế nào để chia. Còn chia theo ngành nghề và nhắm vào vùng, miền nào thì chưa có.
Nói tóm lại, cần phải có quy hoạch nguồn nhân lực phù hợp với thị trường lao động về quy mô, cơ cấu ngành nghề, trình độ, vùng miền. Phải chi tiết đến như vậy thì mới giải quyết được tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp.
Cần ít nhất 3 tiêu chí đảm bảo chất lượng đào tạo
Vừa qua, Bộ GD-ĐT có ra quyết định cấm một số trường tuyển sinh một số ngành nghề, nhưng cấm năm trước năm sau lại cho mở. Ông có nhận xét gì về việc này?
- Việc cấm này không xuất phát từ việc không đáp ứng được quy hoạch nguồn nhân lực mà đấy chẳng qua những ngành nghề đó không bảo đảm chất lượng đào tạo như trường đó thiếu giáo viên… Cho nên, năm sau trường đó đủ điều kiện thì lại được tuyển sinh.
Điều quan trọng là khi một trường tuyển sinh thì việc phân công đào tạo ngành nghề này bao nhiêu sinh viên lại là quyền của trường, Bộ GD-ĐT chưa quản được. Đáng ra, Bộ GD-ĐT phải tính chỉ tiết, cho mở đào tạo ngành nghề này nhưng chỉ được đào tạo bao nhiêu sinh viên, thì mới bảo đảm được chất lượng.
Vậy có nghĩa Bộ GD-ĐT mới quan tâm đến việc đào tạo mà chưa quan tâm đến việc làm cho sinh viên khi ra trường? Ông đánh giá như thế nào về trách nhiệm của Bộ GD-ĐT?
- Theo tôi, Bộ GD-ĐT mới chỉ quan tâm ở mức đào tạo ra để sinh viên khi tốt nghiệp cố gắng có được việc làm. Nhưng muốn các em có việc làm thì phải bảo đảm quy hoạch nguồn nhân lực. Trong khi đó, quy hoạch nguồn nhân lực thì làm chưa tốt.
Tôi nghĩ vấn đề này không hoàn toàn là trách nhiệm của Bộ GD-ĐT. Bộ GD-ĐT chỉ chịu trách nhiệm trong những khâu bộ quản lý. Bên cạnh đó còn có trách nhiệm của các bộ, ngành khác...
Như ông phân tích, quy hoạch nguồn nhân lực quan trọng như vậy, nhưng tại sao đến nay Bộ GD-ĐT vẫn chưa thực hiện được?
- Chưa thực hiện được có thể do khó, và chắc phải từ từ, làm từng bước chứ chưa thể làm ngay được.
Có rất nhiều tiêu chí để bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực, nhưng Bộ GD-ĐT mới lấy ra 2 tiêu chí là số lượng giảng viên/ sinh viên và cơ sở vật chất, mà cũng mới chỉ tính đến diện tích thôi. Tôi đã lưu ý với Bộ GD-ĐT rồi, ít nhất phải có tiêu chí thứ 3 là tỷ suất đầu tư cho một sinh viên. Tỷ suất đầu tư quá thấp thì làm sao bảo đảm chất lượng. Trước mắt ít nhất phải có 3 tiêu chí đó, về sau thì càng phải đáp ứng nhiều tiêu chí hơn. Càng nhiều tiêu chí, chất lượng đào tạo càng bảo đảm.
Để giải quyết dứt điểm tình trạng cử nhân thất nghiệp, tôi cho rằng không thể ngày một ngày hai được. Nhưng có lẽ, quan trọng nhất vẫn là làm thế nào để phát triển kinh tế. Khi nền kinh tế phát triển thì nhu cầu nguồn nhân lực tăng, tự nhiên sinh viên phải điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu. Còn nói riêng ngành giáo dục, thì ngành chỉ chịu trách nhiệm trong việc bảo đảm chất lượng đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực.
Xin cảm ơn ông.
Theo Thu Hằng - Ngân Anh/VietNamNet