"Vợ chồng tôi tranh luận nảy lửa để con học lớp 1 ở nhà"

Hai vợ chồng tôi đã phải suy nghĩ, tranh luận (có khi gay gắt) nhiều để tìm ra cách giáo dục phù hợp nhất cho con mình trước khi cháu bước vào lớp 1.

Năm nay gia đình tôi có con gái yêu vào lớp 1. Cũng giống như nhiều gia đình khác, gia đình tôi lo lắng nhiều. Hai vợ chồng đã phải suy nghĩ, tranh luận (có khi gay gắt) nhiều để tìm ra cách giáo dục (GD) phù hợp nhất cho con mình trước khi cháu bước vào lớp 1.

Có nhiều bất đồng về các vấn đề liên quan đến việc chuẩn bị vào lớp 1 của con mình, nhưng có một vấn đề đạt được sự… đồng thuận cao của cả hai vợ chồng tôi đó là: chúng tôi cực lực phản đối chuyện học thêm của học sinh (HS) ở tất cả các cấp, đặc biệt là cấp Tiểu học.

Ngoài chuyện “Hãy để bé đặt bước chân khởi đầu vào lớp 1 bằng sự háo hức của một đứa trẻ khi được học điều mới mẻ, chứ không phải là cực hình khi phải ngồi yên trật tự nghe lại những điều cũ kỹ đã học mấy tháng trước” - còn là chuyện chúng tôi không muốn con mình đánh mất đi tuổi thơ tuyệt vời của nó.

Lớp 1, phụ huynh, tranh luận
Hình ảnh có tính chất minh họa

Với chúng tôi thì đúng là “trẻ em như búp trên cành; biết ăn, biết ngủ, biết… chơi là được rồi” – hoàn toàn không đòi hỏi gì cao siêu ở đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn.

Quan điểm này càng được củng cố khi chúng tôi có một người bạn du học Pháp về chia sẻ: ở Pháp, thời học phổ thông thì HS học như chơi, rất thoải mái; nhưng khi học đại học hoặc trên đại học thì học viên phải học ra học, thậm chí “học chết thôi” – từ anh bạn chúng tôi dùng.

Chúng ta thì lại đi ngược xu thế: HS chuẩn bị vào lớp 1 có khi lại vất vả hơn sinh viên đại học – thật là vô lý!

Ngoài ra hai chúng tôi cùng quan điểm: sao chúng ta cứ tranh cãi mãi về đổi mới GD, về sách giáo khoa; tại sao ta không học những nước tiên tiến như Singapore dịch nguyên sách giáo khoa của Mỹ hay Hàn Quốc dùng sách giáo khoa của Nhật Bản – nghĩa là chúng tôi có cùng quan điểm Tây học.

GD dựa trên 3 trụ cột chính: gia đình, nhà trường, xã hội. Tuy nhiên trong giai đoạn khủng hoảng của xã hội và của nền GD thì vai trò của gia đình sẽ trở nên quan trọng gấp bội. Thậm chí gia đình đóng vai trò quan trọng nhất trong việc GD con người khi nền GD bị khủng hoảng. Ý thức được điều này nên ngay từ nhỏ chúng tôi đã rèn cho cháu tính tự chủ thông qua những việc như quét nhà, nhặt rau, vệ sinh cá nhân; ở nhà một mình, khi gặp người lạ phải như thế nào, chơi với bạn như thế nào; rèn tính tự học, ham học qua việc đọc truyện cho con, khuyến khích con kể chuyện, nghe nhạc; rèn cháu lên kế hoạch và thực hiện kế hoạch

Đặc biệt chúng tôi tuyệt đối tôn trọng con, luôn coi con là người bạn; dù đúng dù sai con hãy tự làm việc gì đó mà con thấy là đúng, tuyệt đối không phải nhận những lời trách mắng từ bố mẹ; ít khi chúng tôi nói với con “phải làm thế này” mà chúng tôi thường thay bằng từ “nên làm thế này” khi thấy con sai.

Tranh luận để con được học ở nhà

Cũng chính vì vấn đề coi vai trò của GD gia đình là quan trọng đặc biệt trong giai đoạn này nên gia đình chúng tôi đang gặp một vấn đề hóc búa: có cần thiết phải cho con đi học chính khóa không?

Quan điểm của tôi là: không cần thiết phải cho con đến trường, thay cho việc đến trường hãy cho con học ở nhà trên cơ sở tự học và dưới sự hướng dẫn của bố mẹ, người thân.

Còn quan điểm của vợ tôi là: không thể khác người được, phải cho con đến trường.

Vì sợ con đến trường phải hấp thu một nền giáo dục thụ động, không trung thực, phải học thêm nhiều…- những liều thuốc độc giết chết tuổi thơ của con mình nên tôi muốn cho con tự học ở nhà.

Vợ tôi cho rằng: dù có nhiều bất cập nhưng vẫn phải cho con đến trường để thầy cô có phương pháp sư phạm dạy dỗ. Hai chúng tôi tranh luận gay gắt, chưa tìm được sự đồng thuận. Cuối cùng tôi đưa ra thêm phản biện này: đồng ý cho con đi học chính khóa nhưng cách đào tạo hiện nay của nền GD nước ta thì liệu khi tốt nghiệp phổ thông con mình có đủ kiến thức để làm một câu nào đó của môn thi Triết học trong đề thi Tốt nghiệp của HS trung học Pháp không, ví dụ: “Viết bài nghị luận xung quanh khái niệm tự do. Cụ thể, chủ đề như sau: "Suis-je ce que mon passé a fait de moi? (Có phải tôi là cái mà quá khứ đã làm ra tôi?)”

Đến đây thì cả hai chúng tôi đều phải thừa nhận rằng: ngay cả người đã tốt nghiệp đại học như hai vợ chồng mà làm được câu này cũng khó khăn, như thế thì làm sao HS phổ thông của chúng ta làm được. Mới tốt nghiệp phổ thông mà HS của họ đã có tri thức để làm được những câu hỏi như vậy nên đất nước họ phát triển là đúng. Nền GD của chúng ta cần phải thay đổi là rõ rồi, còn với riêng chúng tôi thì cần phải thay đổi cách giáo dục để con mình khi tốt nghiệp phổ thông có thể có kiến thức như vậy – (Ở đây xin mọi người đừng hiểu lầm là cần phải học hành vất vả, cao siêu mới có thể có những kiến thức như vậy. Thực chất để có kiến thức tổng quát giúp làm được bài luận trên chẳng hạn thì HS chỉ cần được tự do tìm hiểu, khám phá; được khuyến khích đọc sách nhiều…).

Thế là chúng tôi đồng ý: không cho con đi học mà tự học ở nhà trên cơ sở tự học và sự hướng dẫn của bố mẹ, người thân.

Được sự đồng thuận, hai vợ chồng tôi cùng vạch kế hoạch dạy cháu. Chúng tôi mua sách lớp 1, xin thời khóa biểu của lớp 1, thống nhất dạy theo thời khóa biểu này (tuy nhiên nếu cháu học kém, hoặc học tốt thì sẽ điều chỉnh: dạy nhanh hay chậm; thậm chí vượt cấp nếu cháu có khả năng) trên cơ sở tự học, khám phá đam mê của cháu dưới sự hướng dẫn của bố mẹ, người thân. May mắn là do được bố mẹ kể truyện từ nhỏ nên cháu đã có thói quen thích sách, thích khám phá; có thể tự học rất tốt. Việc này chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều cho việc học của cháu. Khi cháu có thể đọc thông, viết thạo thì chúng tôi sẽ rèn cháu đọc sách. Dự kiến là khi đó chúng tôi sẽ cho cháu đọc sách một cuốn/tuần; sau đó sẽ tập tóm tắt, ghi lại cảm nghĩ của mình về cuốn sách mình vừa đọc như nền GD nước Anh yêu cầu với HS. Chúng tôi cố gắng cho cháu vui chơi thỏa thích, không bắt ép cháu học quá nhiều – học như là chơi vậy. Ngoài thời gian học thì chúng tôi thu xếp để cháu học đàn, học bơi.

Hàng ngày tôi cho con đến trường giao lưu

Khi để cháu học ở nhà thì khó khăn lớn nhất là việc cháu cần phải giao lưu, kết bạn với các bạn cùng trang lứa để phát triển bản thân. May mắn là nhà tôi gần trường, hơn nữa vợ tôi làm công việc không gò bó thời gian nên có thể đưa cháu đến trường buổi trưa hoặc chiều để giao lưu với bạn bè.

Còn vấn đề bằng cấp của con thì sao? Nếu phải để con học ở nhà đến hết phổ thông thì làm thế nào để cháu thi tốt nghiệp như các bạn? Về vấn đề này thì chúng tôi tin rằng: rồi tất cả sẽ trở về chân giá trị thật; cần phải học thật, có kiến thức thật. Mà không phải xa xôi, từ bây giờ xã hội mình đã là như vậy rồi, không có gì phải quá lo lắng.

Như vậy những vấn đề khó khăn về việc cho con mình học ở nhà đã cơ bản được giải quyết. Và chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn nhưng chúng tôi sẽ giải quyết từng bước.

Hai vợ chồng tôi đều hiểu rằng đây là sự lựa chọn rất khó khăn. Nếu giàu có hơn thì chúng tôi có thể đã cho cháu học một trường quốc tế nào đó. Khi nền GD có thay đổi tích cực thì sẽ lại cho con đi học bình thường - chúng tôi thống nhất như vậy.

Chỉ với mong muốn đơn giản là cháu không bị đánh cắp mất tuổi thơ tuyệt vời của mình, được là chính mình, được phát triển để trở thành “người cháu có thể trở thành” mà chúng tôi phải có một quyết định khó khăn như vậy, thậm chí là cực đoan – như nhiều người quen tôi bảo. Nhưng rồi chắc chắn con chúng tôi sẽ có được những ngày “học như là chơi”; luôn được là chính mình; những ngày tuổi thơ hồn nhiên, trong sáng. Chúng tôi tin là như vậy.

Năm học mới đã bắt đầu, và con chúng tôi đã bắt đầu thời học sinh của mình bằng việc…học tại nhà. Quả thật có nhiều khó khăn nhưng chúng tôi luôn thấy con gái yêu của mình luôn được là chính mình – điều mong muốn lớn nhất và hạnh phúc lớn nhất của vợ chồng tôi.

Con bạn năm nay vào lớp 1? Bạn có chọn cho con học trước khi vào lớp 1? Vì sao bạn không cho con học trước khi vào lớp 1? Hãy chia sẻ kinh nghiệm của bạn tới tintuconline@vietnamnet.vn. Xin trân trọng cảm ơn
 
Nguyễn Mạnh Tiến (Bắc Ninh)
Theo VietNamnet



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.