Vụ cô giáo đánh trẻ: Không chấp nhận được lời xin lỗi

Không chấp nhận lời xin lỗi của cô giáo đã nhồi ăn và đánh trẻ ở lớp mầm non tư thục Tuổi hoa, Thanh Trì, Hà Nội, nhiều phụ huynh và giáo viên cho rằng phải có hình phạt thích đáng để răn đe.

Không chấp nhận lời xin lỗi của cô giáo đã nhồi ăn và đánh trẻ ở lớp mầm non tư thục Tuổi hoa, Thanh Trì, Hà Nội, nhiều phụ huynh và giáo viên cho rằng phải có hình phạt thích đáng để răn đe.

Đánh trẻ là tội ác

Vụ việc cô giáo Vân Anh, lớp mầm non tư thục Tuổi Hoa (địa chỉ Phòng 419 - CT6), khu đô thị mới Tứ Hiệp, xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội đánh bé Đoàn Gia K., 3 tuổi ngày 15/6 đang khiến dư luận phẫn nộ. Một đứa trẻ nhỏ bé, yếu ớt cần được chăm sóc bảo vệ thì lại bị cô giáo "nhồi" ăn và đánh liên tiếp vào mặt. Đau đớn, xót xa cho đến bức xúc là những gì người xem clip cảm nhận được.

vu co giao danh tre: khong chap nhan duoc loi xin loi - 1

Cô giáo Vân Anh đánh học sinh.

Thanh minh về hành vi đánh học sinh của mình, cô Vân Anh cho biết “Mấy ngày hôm nay, bản thân tôi có một chút vấn đề về tinh thần" và cuối cùng cô cầu khẩn "Tôi mong gia đình cháu bé bỏ qua lỗi lầm cho tôi làm lại, mong mọi người hãy cảm cảm thông, cho tôi lời khuyên để tôi có một con đường sống… cho tôi làm làm cuộc đời”.

Vụ việc lần này chưa gây hậu quả nghiêm trọng nhưng sẽ là nỗi ám ảnh lâu dài đối với bé K. Thế nhưng điều đáng nói đây không phải là trường hợp duy nhất khi có quá nhiều trường hợp giáo viên bạo hành trẻ bị phanh phui. Trẻ em vẫn phải đi học hàng ngày và không hiểu sau màn chào đón bé tươi cười ấy trong 4 bức tường các cô giáo đã làm gì với các em. 

Nhiều vụ việc đã xảy ra và nhiều thầy cô giáo bị đuổi khỏi ngành, thậm chí có người bị tù giam. Thế nhưng tất cả những hình phạt đó vẫn chưa đủ răn đe đối với một bộ phận các "mẹ mìn". "Cô giáo đánh bầm mông trẻ vì không chịu ăn"; "cô giáo đánh tím mắt học sinh vì viết chậm"; "Thầy giáo tát học trò thủng màng nhĩ"; "Cô giáo mầm non ném trẻ như thú bông"... có vô vàn cách và lý do để các thầy cô sẵn sàng "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với học sinh của mình.

Quay trở lại vụ cô giáo Vân Anh, nhiều phụ huynh không thể nào chấp nhận lý do cô đưa ra là  “Mấy ngày hôm nay, bản thân tôi có một chút vấn đề về tinh thần" rồi “Lúc đó trong lòng tôi có một chút bức xúc vì chuyện riêng. Đúng lúc cháu K nôn trúng vào người thì tôi có hành động… quá tay". 

"Hình như các "cô giáo" như thế này rất thích lấy lý do về tâm lý ra để bao biện cho hành động của mình. Người thì bảo vì có bầu nên trong người khó chịu, người thì bảo vì chăm sóc nhiều cháu cùng lúc nên áp lực quá cao, người lại bảo vì gia đình có việc nên không kiểm soát được hành vi.... Bao nhiêu người khác cũng từng ở vào hoàn cảnh tương tự như vậy nhưng người ta có lôi con người khác ra để đánh như thế này đâu", một phụ huynh cho biết.

"Dù có xin lỗi như thế nào nhưng là mình thì cô giáo này cũng ăn vài phát tát y như thế. Các cô có áp lực cũng như mình khó chịu mà con lại nôn có lúc cũng không bình tĩnh phát vào tay. Nhưng không thể đánh xối xả, cấu véo. Đừng có nói quá tay, mà đây là côn đồ", một phụ huynh khác phẫn nộ.

Gây tội thì phải bị trả giá

Bình luận về vụ việc này, cô giáo Nguyễn Thị Thu Huệ, Hiệu trưởng trường mầm non Baby, quận Tân Bình, TP.HCM cho biết: "Giáo viên này sai quá rồi, chắc chắn cơ sở sẽ bị rút giấy phép hoạt động.  Với sự lên án gay gắt của xã hội cũng quá đủ với cô rồi.  Cô khó còn cơ hội làm nghề". 

Cô Ngô Thanh Huyền, Hiệu trưởng trường mầm non Ong Việt, Hà Nội bày tỏ: "Theo quan điểm của tôi, chủ trường mà hành động như vậy thì sẽ không bao giờ có đội ngũ giáo viên yêu trẻ. Ngay như trường của tôi khi được nhận tuyển dụng cô giáo phải cam kết không được đánh trẻ với bất kỳ hình thức nào. Họp hàng, tuần hàng tháng tôi đều giáo dục về nghề nghiệp cho các cô là dùng tình yêu thương để dạy trẻ. Bạn nào bướng quá thì phạt, cho đứng úp mặt vào tường hoặc ngồi thiền.

Các cô giáo mình phải giáo dục thường xuyên về đạo đức nghề nghiệp, là hiệu trưởng thì phải làm gương. Hiệu trưởng còn đánh bé thì dạy các cô giáo khác sao được".

Theo quan điểm của cô Huyền, làm mầm non cần phải có tình yêu đối với trẻ, tình yêu quan trọng hơn tất cả mọi thứ. "Tôi chưa cần biết các cô trình độ cao đến đâu nhưng đã là cô giáo là phải được trẻ con yêu quý. Còn nếu như cô giáo vi phạm thì cô giáo sẽ phải xin lỗi gia đình của bé. Cô phải chịu trách nhiệm với những gì cô làm và nghỉ việc là điều không tránh khỏi", cô Huyền nhấn mạnh.

Là người trực tiếp đào tạo giáo viên trong tương lai, TS giáo dục Vũ Thu Hương, trường đại học Sư phạm Hà Nội cũng phải phẫn nộ trước hành động phi giáo dục của cô Vân Anh. Trả lời về việc hình phạt nào hợp tình hợp lý mà đủ sức răn đe đối với giáo viên bạo hành trẻ, TS Hương cho rằng phải xử lý nghiêm. Một là đuổi việc vì đã là giáo viên thì không được đánh trẻ. Hai là xem xét xử lý hình sự nếu vi phạm nhiều lần hoặc gây thương tích cho trẻ. 

Không chấp nhận câu "xin lỗi" và "xin con đường sống" của cô Vân Anh, TS Hương khẳng định: "Không có lý do nào bao biện được hành vi bạo hành người khác, đặc biệt là kẻ yếu ớt hơn mình. Với lý do áp lực mà muốn làm gì thì làm thì xã hội sẽ loạn. Vì thế, không thể chấp nhận được việc bao biện này. 

Gây tội phải bị trả giá. Điều đó sẽ giúp cho xã hội an toàn, tiến bộ và văn minh hơn. Nếu ai phạm lỗi cũng nói vậy là xong thì tình trạng đó không những không chấm dứt mà còn không ngừng gia tăng".

Theo Khám Phá




Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.