Xét tuyển lớp 6: PGS. Văn Như Cương cảnh báo nguy cơ 'mua bán, xin cho'

Quy chế xét tuyển lớp 6 đang được dư luận xã hội quan tâm. Trong đó, một câu hỏi được đặt ra là, việc xét tuyển này liệu có đảm bảo minh bạch khách quan?

Quy chế xét tuyển lớp 6 đang được dư luận xã hội quan tâm. Trong đó, một câu hỏi được đặt ra là, việc xét tuyển này liệu có đảm bảo minh bạch khách quan?

Ngày 30/5 tới đây là thời điểm phương án tuyển sinh lớp 6 của Hà Nội được thông báo công khai rõ ràng. Trước đó, cuối tháng 4, Sở GDĐT Hà Nội cho biết, tất cả các trường trung học cơ sở trên địa bàn thành phố tổ chức tuyển sinh vào lớp 6 theo phương thức xét tuyển, không được tổ chức khảo sát học sinh đầu năm học, không tổ chức thi tuyển vào lớp 6 năm học 2015-2016.

Việc xét tuyển có thực sự giảm được áp lực thi cử, hay chỉ tác động đến một bộ phận rất nhỏ? Các tiêu chí xét tuyển có gây ra tiêu cực?... Rất nhiều câu hỏi đang đặt ra.

Xin gửi đến độc giả tổng hợp và ghi ngắn gọn một số ý kiến xung quanh vấn đề này.

tuyển sinh lớp 6, THCS, Văn Như Cương, đổi mới giáo dục

Dư luận quan tâm phương án tuyển sinh lớp 6. Ảnh minh họa, nguồn: Hải Nguyễn/ Báo Lao động

Giảm áp lực thi cử?

Theo phương án này, một số trường có đông thí sinh đăng ký vào lớp 6 có thể sẽ xét tuyển dựa theo các tiêu chí như: Năng lực học tập qua học bạ; kết quả của các cuộc thi từ văn hóa đến nhạc họa, thể dục thể thao, nhiệm vụ được giao... và có cả ưu tiên con em gia đình chính sách.

Theo ông Nguyễn Trí Dũng, Trưởng phòng Tiểu học Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm vừa qua học sinh lớp 5 thực hiện quy định đánh giá học sinh bằng phương thức mới, tuy nhiên vẫn có nhiều tiêu chí để xét tuyển. Trong đó, ngoài học bạ còn có sổ liên lạc giữa gia đình, nhà trường, sổ nhận xét của giáo viên, sổ theo dõi thi đua, khen thưởng, hai bài thi Toán, tiếng Việt đánh giá năng lực học sinh/ năm.

"Các tiêu chuẩn này sẽ được tổng hợp bằng các tiêu chí nhỏ và quy chi tiết ra điểm, từ đó đưa ra một thang điểm và lấy từ cao xuống thấp để việc tuyển sinh được thực hiện một cách công bằng, minh bạch, công khai”, ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết trên VnExpress.

Trước sức ép thi cử đang bị chỉ trích là gánh nặng đè lên vai học sinh tiểu học, việc không thi mà lựa chọn phương án xét tuyển được xem là bước đổi mới quan trọng mà bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra nhằm giảm áp lực nặng nề cho học sinh.

Tuy nhiên, theo một ước tính của chuyên gia, tại Hà Nội, số trường có lượng học sinh dự tuyển cao hơn số định tuyển chỉ chiếm 1%. Và như vậy, sẽ chỉ có 1% số học sinh giảm được áp lực thi cử nặng nề mà thôi.

Liệu có khả thi?

Trao đổi với VietNamNet, PGS. TS Văn Như Cương,  Hiệu trường trường THCS Lương Thế Vinh băn khoăn, “nhược điểm của quy chế “cấm thi tuyển” mà chỉ được “xét tuyển dựa trên học bạ” thì rất nhiều: nó không rõ ràng, không công bằng, không minh bạch, dễ nảy sinh tiêu cực… và kết quả là không chọn đúng học sinh muốn chọn.

Ông Cương minh họa: “Một em học sinh đạt điểm 10 tổng kết môn Toán ở trường này có thể chỉ đạt 8 hay 9 ở trường khác là chuyện thường tình. Chính vì vậy để so sánh cho công bằng và minh bạch thì tốt nhất là họ cùng phải làm một bài thi giống nhau. Ngoài ra không phải học sinh nào cũng thích tham gia các cuộc thi không chính thống như các môn thi vui thể thao hay vui chơi giải trí… và nếu lấy cả thành tích trong các cuộc thi như vậy cũng không công bằng, mà có thể xảy ra tình trạng mua bán, xin, cho…”

Trước những băn khoăn trên, ý kiến từ một số lãnh đạo giáo dục lại khá tin tưởng.

Chẳng hạn, bà Bùi Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho biết, sẽ chọn học sinh có thành tích ở các giải như olympic, thể thao văn hóa văn nghệ; học bạ 5 năm học quy ra điểm. Nếu tổng điểm bằng nhau, trường sẽ  xét tiêu chí điểm từ cao xuống thấp; sau đó xét theo hộ khẩu trên địa bàn. Lãnh đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo cho biết không gặp nhiều khó khăn trong chỉ đạo thực hiện tuyển sinh đầu vào THCS năm nay.

Về quy mô tác động của phương án tuyển sinh, theo thông tin từ Sở GDĐT Hà Nội, trong số 623 trường  THCS của thành phố, có 9 trường mà lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển lớn hơn chỉ tiêu. Đó là các trường Lê Lợi, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Marie Curie, Nguyễn Tất Thành, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.

Trong đó, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội nhìn nhận, báo chí chủ yếu tập trung vào 3 trường. Vì thế “3 trường trên 623 trường cũng chỉ là cá biệt… Sẽ không thỏa đáng nếu chúng ta dành thời gian quá nhiều, sự quan tâm cho một số trường.” 

Còn trước những lo ngại về xảy ra tiêu cực trong xét tuyển, tại buổi báo cáo UBND thành phố Hà Nội về tuyển sinh đầu cấp, Lãnh đạo Sở Giáo dục và UBND thành phố Hà Nội ngày 7/5 thống nhất khẳng định sẽ kỷ luật giáo viên, hiệu trưởng nhà trường nếu để xảy ra tình trạng tiêu cực trong việc chạy học bạ tiểu học. Lãnh đạo phòng Giáo dục các quận, huyện có trường trung học cơ sở làm tiêu cực cũng phải chịu trách nhiệm.

Như vậy, thời điểm chính thức tuyển sinh còn không xa, nhưng vẫn còn những băn khoăn trong phương án tuyển sinh lớp 6 của Hà Nội cần các cấp lãnh đạo xử lý hiệu quả để làm yên lòng các phụ huynh và học sinh trước ngưỡng cửa cấp học mới.

Theo Minh Huệ (tổng hợp và ghi ý kiến)/TuanVietNam



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.