"Nhận xét Ánh Viên thất bại là ảo tưởng về khả năng"

Nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh cho rằng, việc Ánh Viên bị loại ở 2 cự ly tại Giải vô địch thế giới các môn thể thao dưới nước là điều bình thường.

Nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh cho rằng, việc Ánh Viên bị loại ở 2 cự ly tại Giải vô địch thế giới các môn thể thao dưới nước là điều bình thường.

“Sau thành công vang dội của Ánh Viên ở SEA Games 28 và sự ca ngợi hết lời dành cho cháu, tôi đã nghĩ đến nguy cơ chờ đợi phía trước. Đó là suy nghĩ ấn định VĐV này phải giành thành tích cao ở mọi giải đấu”, ông Nguyễn Hồng Minh nói.

Theo ông Minh, điều này là phi thực tế. Vì đấu trường “ao làng” SEA Games khác xa so với “biển lớn” là đấu trường châu lục và quốc tế. Cũng không thể cho rằng, kết quả thi đấu của Ánh Viên tại Giải vô địch thế giới các môn thể thao dưới nước thụt lùi so với thành tích của cô trong quá khứ là biểu hiện của sự xuống dốc.

Ánh Viên không vượt qua chính mình ở nội dung 200 m tự do

Ánh Viên dừng bước ở vòng loại nội dung 200 m tự do giải thế giới với thành tích 2 phút 00 giây 80. Kết quả này còn kém hơn thành tích cũ của cô là 1 phút 59 giây 27.
 

Thành công vang dội ở SEA Games 28 khiến Ánh Viên đối diện với sự kỳ vọng lớn dành cho cô. Ảnh: Hoàng Hà

Ông Minh phân tích: “Giải vô địch các môn thể thao dưới nước tổ chức tại Nga quy tụ những VĐV hàng đầu thế giới. Khi thi đấu với những VĐV vừa sức, trạng thái của anh sẽ khác. Còn khi thi đấu với những VĐV mà anh biết chắc mình sẽ thua họ, áp lực, sự căng thẳng và cảm giác thiếu tự tin là những yếu tố ảnh hưởng lớn đến kết quả”.

Lý do thứ hai nằm ở chỗ, tính từ thời điểm thi đấu ở SEA Games 28, Ánh Viên có chưa đầy 2 tháng chuẩn bị để bước vào so tài tại Giải vô địch thế giới các môn thể thao dưới nước. “Chúng ta đều thấy Ánh Viên vắt kiệt sức lực thế nào ở SEA Games 28. Chu kỳ huấn luyện của thể thao đỉnh cao đòi hỏi VĐV phải có thời gian nghỉ ngơi, hồi phục mới sẵn sàng bước vào giai đoạn thi đấu tiếp theo”, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh chia sẻ.

Mặt khác, ông Minh cho biết, nữ VĐV sinh năm 1996 mới chỉ đến với thể thao đỉnh cao khoảng 5 năm trở lại. Trong khi đó, để đạt đến thành tích tốt nhất trong sự nghiệp, các VĐV bơi thường mất khoảng 8-10 năm.

Tất nhiên, bên cạnh lý do khách quan cũng có những nguyên nhân chủ quan khiến thành tích của Ánh Viên không được như ý tại Giải vô địch thế giới các môn thể thao dưới nước. Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh cho rằng, lãnh đạo và ban huấn luyện của môn bơi đã có dấu hiệu nóng vội, còn Ánh Viên chưa có sự chuẩn bị tốt nhất để tranh tài tại giải đấu tầm cỡ thế giới.

“Khi nghe họ dự định đăng ký cho cháu thi 6 nội dung, tôi phải can ngay. Vì đây không phải là SEA Games để anh được phép dàn trải”, ông Minh kể lại. Sau đó, Ánh Viên chỉ đăng ký thi 3 nội dung là 200 m tự do, 200 m hỗn hợp và 400 m hỗn hợp.

Đồng thời, nữ VĐV người Cần Thơ cũng bộc lộ sự non nớt về kinh nghiệm và bản lĩnh thi đấu khi bước ra “biển lớn”. Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh bày tỏ: “Cần phải thông cảm với cháu vì Ánh Viên vẫn là VĐV trẻ. Khoảng cách về trình độ và đẳng cấp của Ánh Viên so với các VĐV hàng đầu thế giới không dễ san lấp trong thời gian ngắn”.

Ánh Viên cần cải thiện nhiều

Chuyên gia bơi lội đánh giá kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên phải tiến bộ nhiều hơn nữa nếu muốn vươn tầm thế giới.

Thống trị đường đua xanh ở Đông Nam Á nhưng thành tích Ánh Viên vẫn quá khiêm tốn khi bước ra đấu trường thế giới. Ảnh: Hoàng Hà

Thế nên, trái ngược với nhiều quan điểm, Nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao không coi kết quả thi đấu của các VĐV bơi Việt Nam tại Giải vô địch thế giới các môn thể thao dưới nước là thất bại.

Ông Minh phản biện: “Lần đầu tiên chúng ta có 4 VĐV đạt tiêu chuẩn tham dự giải đấu thế giới, không cần nhờ suất đặc cách hay ưu tiên. Đó là thành công của bơi Việt Nam suốt mấy chục năm qua khi trước đây, chúng ta còn ngụp lặn đâu đó trên bản đồ bơi thế giới”.

Theo chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, suy nghĩ thất bại là sản phẩm của sự ảo tưởng về khả năng của Ánh Viên cùng đồng đội. Ông lấy ví dụ từ môn bóng đá ở SEA Games 28: “Khi chúng ta thắng một vài trận đấu, ai cũng nghĩ đội bóng sẽ làm nên điều lớn lao hơn. Nhưng thực tế, đẳng cấp của chúng ta chỉ có vậy, nên khoảng cách giữa thắng và bại rất mong manh”.

Ông Minh cũng phản đối ý kiến cho rằng, việc Ánh Viên tham gia nhiều chương trình giao lưu sau SEA Games 28 khiến kế hoạch luyện tập của cô bị ảnh hưởng.

“Về mặt lý thuyết, sau khi thi đấu đỉnh cao, VĐV cần có quãng thời gian tối thiểu từ 4-5 ngày đến nửa tháng dành cho việc hồi phục tùy theo bộ môn. Trong khoảng thời gian này, họ thậm chí phải cách biệt hoàn toàn với chuyên môn của mình để tái tạo cảm hứng, năng lượng cho chu kỳ huấn luyện kế tiếp”, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh cho biết.

Ánh Viên từng về nhì tại SEA Games 28. Điều đó không khiến cô nản chí mà còn có thêm động lực để xô đổ hàng loạt kỷ lục. Ảnh: Hoàng Hà


Ông Minh kể lại chuyện Ánh Viên ra Hà Nội lên sóng truyền hình vào buổi trưa, đến buổi chiều nhận bằng khen tại Phủ Chủ tịch nước, tối đã ra sân bay quay về TP HCM để hôm sau tập luyện. Nghị lực, ý thức chuyên nghiệp và sự hy sinh cho công việc là điều đã biến Ánh Viên thành tấm gương sáng của thể thao Việt Nam.
 
Tất nhiên, khó có thể hài lòng với thành tích không như ý của Ánh Viên tại Giải vô địch thế giới các môn thể thao dưới nước đang diễn ra tại Nga. Nhưng chuyên gia Nguyễn Hồng Minh cho rằng, với đà tiến bộ đều đặn của nữ VĐV sinh năm 1996 những năm qua, cô có triển vọng giành thành tích tốt hơn ở các giải đấu tầm châu lục và thế giới trong một vài năm tới.

Theo Zing


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.