Các chuyên gia marketing có thể giúp nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng?

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu lớn nhất trong 70 năm qua đã làm ngân sách marketing bị cắt giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến vị trí và tiếng nói của các chuyên gia marketing.

Tuy nhiên, nhiều người lại không biết rằng, trong khó khăn mới chính là lúc các nhà quản trị marketing phát huy được cao nhất vai trò của mình.

Giá trị phải đi trước lợi nhuận

Cho dù vẫn còn nhiều tranh cãi, nhưng không ai có thể phủ nhận rằng nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính thế giới vừa qua là do người ta đã quên những nguyên tắc cơ bản nhất trong việc phát triển kinh tế - xã hội và tạo ra giá trị cá nhân.

Nhiều doanh nghiệp đã cố đi ngược lại quy luật phải tạo ra giá trị trước khi tạo ra lợi nhuận. Không ai có thể mong chờ sẽ thu được lợi nhuận nếu không góp phần đem đến thành công cho khách hàng vì xét cho cùng, mục đích của kinh doanh là tạo ra sự thỏa mãn cho khách hàng, còn mọi thứ khác đều phải theo sau.

Có nhiều doanh nghiệp đạt đến đỉnh cao của thành công nhờ đáp ứng nhu cầu của khách hàng như 3M với tập giấy ghi chú "Post - it" được hàng nghìn người sử dụng mỗi ngày, Google với cơ chế tiếp cận thông tin dễ dàng cho tất cả mọi người trên thế giới hoặc Apple đem lại những cách mới để nghe nhạc, xem phim, giải trí.. Ngược lại, phố Wall lại đầu tư vào các thủ thuật tài chính như mua đi bán lại các món nợ, cho vay thế chấp bất động sản hết lần này đến lần khác mà chẳng thể tạo ra giá trị thực tế cho bất kỳ ai nên phá sản cũng là điều dễ hiểu.

Do đó, cách duy nhất để sớm vượt qua khủng hoảng và thiết lập nên một nền kinh tế bền vững là quay lại với những nguyên lý cơ bản như tạo ra giá trị thực và tiến tới sự thịnh vượng một cách tự nhiên. Điều này đặt doanh nghiệp trước áp lực phải nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, cải tiến để tạo ra những sản phẩm làm hài lòng khách hàng, từ đó nâng cao lợi nhuận và tiến tới những giá trị cao hơn. Khi một công ty tập trung vào việc tạo ra những giá trị và những nguồn lực thiết yếu, mỗi cá nhân sẽ đạt được năng suất cao hơn, góp phần tạo ra sự tăng trưởng chung cho cả tổ chức, đồng thời cũng làm gia tăng sức mạnh của nền kinh tế.

Với mục tiêu và nhiệm vụ đó thì vai trò của marketing càng quen thuộc. Các nhà điều hành marketing là những người tạo ra giá trị của sản phẩm và trực tiếp truyền đạt chúng đến người tiêu dùng. Họ có khả năng điều phối các chiến lược chiếm lĩnh thị trường và hành động như những người bảo vệ hình ảnh của thương hiệu, sản phẩm. Khi những bộ phận khác bắt đầu chạy theo lợi nhuận và những cơ hội ngắn hạn mà tạo ra các sản phẩm vội vàng, mang giá trị hời hợt thì những người làm marketing sẽ lên tiếng để bảo vệ chiến lược và tầm nhìn của mình.

Khi nền kinh tế có dấu hiệu khởi sắc và cần chuẩn bị cho một sự hồi phục, những nhà điều hành sẽ đóng một vai trò quyết định trong việc đưa tổ chức của mình vươn lên vị trí dẫn đầu, đảm bảo công thức "giá trị đi trước lợi nhuận" được thấu hiểu và tôn trọng trong toàn công ty. Với ý nghĩa đó, các chuyên gia marketing chính là những người nắm trong tay chìa khóa tạo ra của cải cho nền kinh tế.

Vai trò mới của chuyên gia marketing

Để đạt được hiệu quả trong mỗi chiến dịch marketing, nhất là trong thời điểm khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp cần nhìn nhận đúng đắn vai trò và vị trí của chuyên gia marketing trong thời kỳ mới, cũng như tạo điều kiện tốt nhất để họ có thể phát huy được năng lực của mình.

Theo ông Nguyễn Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Công ty Value Consult Marketing thì vai trò của các chuyên gia marketing hiện nay không còn gói gọn trong bốn chữ P quen thuộc (Product - sản phẩm, Price - giá cả, Place - nơi chốn và Promotion - khuyến mãi). Những tác động, biến đổi trong môi trường kinh doanh, đặc biệt là sự xuất hiện của các kênh tiếp cận mới như Internet, mạng xã hội, các mô hình phân phối mới...khiến các chuyên gia marketing phải quan tâm nhiều hơn đến những vấn đề thuộc "phần mềm" như sản xuất, lợi nhuận và tiền lương của nhân viên.

Đây là những người đóng vai trò quan trọng xây dựng và thực hiện chiến lược dài hạn, bao gồm sản phẩm/dịch vụ, các cơ hội tăng trưởng nhằm đạt chỉ tiêu doanh số và lợi nhuận. Họ sáng tạo và thực hiện kế hoạch marketing nhằm xây dựng thương hiệu, đảm bảo thông điệp nhất quán kết hợp các chương trình, xúc tiến, sản phẩm... Bên cạnh đó, họ xác định, khởi phát và tận dụng các chương trình hợp tác nhằm xây dựng sự nhận biết thương hiệu và phát triển bán hàng, xác định phân khúc thị trường và các mô hình quan hệ khách hàng. Họ còn xây dựng và thực hiện nghiên cứu thị trường nhằm hoàn thiện sản phẩm, tung ra sản phẩm mới, định hướng thiết kế, sản xuất...

Như vậy, ngày nay, chúng ta phải nhìn nhận rằng các chuyên gia marketing trước tiên là một nhà kinh doanh, sau đó mới là nhà tiếp thị. Ngoài kỹ năng xây dựng các chương trình quảng bá, họ còn có khả năng liên kết chiến lược marketing với chiến lược kinh doanh và mục tiêu tài chính chung của tập đoàn, có khả năng hiểu sâu sắc quy luật của sự lưu chuyển đồng vốn, các báo cáo phân tích chỉ số tài chính, chuỗi giá trị gia tăng, quy trình cung ứng, hệ thống vận hành sản xuất... Họ đang nỗ lực khẳng định vị trí và thay đổi quan niệm đã lỗi thời rằng bộ phận marketing không phải là trung tâm chi phí, mà là trung tâm đầu tư góp phần quan trọng vào thành công của doanh nghiệp và sự phát triển của nền kinh tế.

Theo Nguyên Hằng



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.