Quỹ đầu tư ngoại hết thiêng như mong đợi

Trước đây, khá nhiều thông tin công bố đối tác chiến lược là quỹ đầu tư nước ngoài được tổ chức đình đám, để rồi ba năm sau, xuất hiện dòng tin lạnh lùng, thực hiện theo đúng quy chế công bố thông tin niêm yết, rằng quỹ họ đã thoái vốn một phần hay toàn bộ. Khoảng trống từ sự rút lui không chỉ là chuyện mua - bán mà là các lời cam kết đưa ra ban đầu.

Cuộc thoái vốn để đóng quỹ ICV của Indochina Capital đang diễn ra. Điều đáng nói là, sự ra đi của ICV không để lại nuối tiếc nhiều lắm đối với nhiều doanh nghiệp tư nhân mà ICV bỏ vốn vào.

Giữa đường đứt gánh

Nhiều người tham dự buổi lễ bán cổ phần của công ty cổ phần Thời Trang Việt (TTV) cho quỹ Indochina Capital Vietnam Holdings (ICV) vẫn còn nhớ không khí hồ hởi vào cuối năm 2007. Hai đại diện thời điểm đó của ICV, ông Nguyễn Kim Tùng, giám đốc điều hành, và ông Thomas Ngo, giám đốc đầu tư, trong hai bộ vest lịch lãm đến giờ công bố bỗng cởi phăng chiếc vest ngoài, để lộ hai chiếc áo thun trắng in hình NinoMaxx, một nhãn hiệu khá nổi tiếng của TTV. Khách tham dự đều vỗ tay tán thưởng cho sự ra mắt ấn tượng của mối hợp tác chiến lược này. Khi đó, không ai ngờ, chỉ hơn một năm rưỡi sau, ICV phải nói lời chia tay với NinoMaxx.

Từ khi ICV cử đại diện tham gia hội đồng quản trị (HĐQT), TTV không còn những dự án theo cảm nhận của ông Nguyễn Hữu Phụng, chủ tịch HĐQT TTV mà không thông qua phản biện, thẩm định. Trên vai trò phản biện và quyền bỏ phiếu, Indochina dần đưa công ty còn mang dáng dấp quản lý gia đình thời điểm đó đi vào lề lối hoạt động chuyên nghiệp của một công ty cổ phần. Đó là cái được lớn nhất của TTV, theo ông Phụng.

Nhờ thặng dư vốn cổ phần, TTV có thêm tiền mời người tài về, đội ngũ điều hành được thay mới, cũng như duy trì và mở rộng mạng lưới, với 100 cửa hàng hiện có, và dự kiến mở tiếp 25 cửa hàng nữa trong quý 4 năm nay.

Hơn một năm rưỡi hợp tác, ICV có đạt được kỳ vọng của TTV? Không trả lời thẳng câu hỏi này, ông Trần Thanh Sang, người phát ngôn của TTV, cho rằng, sự đóng góp của nhà đầu tư ngoại là có nhưng cũng có hạn chế khiến cho cảm nhận về họ nặng về phía đầu tư tài chính hơn là nhà đầu tư chiến lược đúng nghĩa.

Dù không có cuộc đóng quỹ dưới sức ép của cổ đông, ICV cũng dự kiến bán cổ phần sau 24 tháng, khi TTV lên sàn năm 2010, theo như thỏa thuận. Như vậy, việc cùng TTV đưa NinoMaxx trở thành một trong những thương hiệu thời trang hàng đầu trên thị trường Đông Nam Á, như lời của Indochina Capital trong buổi ký kết cách đây hai năm khó thành hiện thực.

Đến thời chọn lựa?

Cho đến nay, ICV chỉ mới có thư “trấn an” các doanh nghiệp tư nhân họ bỏ vốn, mà chưa cho biết lộ trình và phương thức thoái vốn cụ thể. Tuy nhiên, việc ra đi này không khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng, mà hầu hết họ, đều lưu tâm hai điều: người mới là ai và có chia sẻ định hướng phát triển của công ty? Bởi, như ông Nguyễn Quốc Khanh, tổng giám đốc công ty CP kiến trúc xây dựng AA, đơn vị bán cổ phần cho ICV, thì: “Ngày họ đến, tôi đã chuẩn bị tinh thần cho thời điểm họ có giá tốt bán đi rồi”, ông nói.

Các quỹ vào Việt Nam hiện nay, một chuyên gia kinh tế nhận định, như một liều thuốc kích thích khiến doanh nghiệp trở mình thay đổi, tìm đường phát triển. Việc đóng góp còn giới hạn ở mặt vốn, và khuyết nhiều ở sự tư vấn quản trị, thương hiệu và phát triển thị trường, là lý do khiến không ít doanh nghiệp chưa bán cổ phần cho các quỹ.

Theo ông Trần Quý Thanh, tổng giám đốc Tân Hiệp Phát, người tiếp xúc khá nhiều quỹ đầu tư đến đàm phán, các quỹ – ngoài tiềm lực vốn ra, ông chưa thấy được các đóng góp thích đáng cho công ty. “Hơn nữa, nhiều cuộc hợp tác không đi đến cùng”, ông nói.

Chưa rõ có thặng dư vốn trong thương vụ FPT bán cho Texas Pacific Group nhưng cái được mà cổ đông FPT nhận được lúc đó, là thị giá của công ty này tăng mạnh. Những gì quỹ đầu tư thể hiện trong vai trò cổ đông chiến lược thời gian qua chưa thuyết phục được nhiều doanh nghiệp. Thực tế, có rất ít vụ đồng hành lâu dài với doanh nghiệp, mà phần lớn họ đầu tư vào doanh nghiệp với ý định hoặc sở hữu hoặc sau 1 – 2 năm bán lấy lợi nhuận.

Đây cũng là lý do khiến Vinamit nói lời chia tay với Indochina Capital sau khi đã ký kết hợp tác. Theo Vinamit, Indochina Capital đã thể hiện ý muốn sở hữu công ty hơn là cùng với Vinamit đi đường dài.

Việc chưa đạt được kỳ vọng từ nhà đầu tư ngoại khiến doanh nghiệp đang tính đến cách khác. Kiếng Đình Quốc, một công ty thu hút nhiều tổ chức, đến nay vẫn chưa có kết cuộc. Theo một người tham gia vào các cuộc đàm phán, kiếng Đình Quốc tạm thời đang nghiêng về nhà đầu tư trong nước. Không chỉ vì họ dễ tính hơn, mà họ tin nhau là chính.

Theo ông Trần Phương Bình, tổng giám đốc ngân hàng Đông Á, đơn vị được coi là từ chối một đối tác tên tuổi, ông đang tập trung xây dựng mạng lưới, con người, khách hàng. “Khi vững mạnh hơn, chúng tôi sẽ tự lựa chọn đối tác chiến lược”, ông nói.

Theo Hồng Sương



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.