Bố mẹ cắt 'viện trợ', 9x dân tộc Tày tự kiếm tiền mua nhà, ôtô

Bỏ học phát thanh truyền hình để theo đuổi đam mê kinh doanh, bố mẹ đã “cắt viện trợ” buộc Nông Quế Phương phải lăn lộn đủ nghề để tồn tại.

Bỏ học phát thanh truyền hình để theo đuổi đam mê kinh doanh, bố mẹ đã “cắt viện trợ” buộc Nông Quế Phương phải lăn lộn đủ nghề để tồn tại.

Đứng trước tình cảnh “phải nhịn ăn trừ bữa”, Nông Quế Phương – tên thường gọi Diệp Vy (sinh năm 1991, dân tộc Tày, Cao Bằng) đã phải tự mưu sinh kiếm sống. Cho đến tận bây giờ, sau khi trải qua đủ nghề kiếm sống, Quế Phương vẫn chẳng thể nào tin mình sẽ làm giàu bằng đồ gỗ mỹ nghệ.

Đi bán hàng, làm PG để tồn tại

Học Cao đẳng Phát thanh Truyền hình Hà Nam được một năm, Diệp Vy quyết định xin nghỉ để chuyển sang làm kinh doanh vì sở thích làm MC không đủ để níu giữ ước mơ làm giàu.

Dù đã giải thích rất nhiều với gia đình, nhưng bố mẹ cô vẫn kiên quyết cắt chi tiêu hàng tháng vì cho rằng con cái mình hư hỏng.

Một mình ở Hà Nội, không có tiền bố mẹ chu cấp, Diệp Vy đã phải đi bán hàng để kiếm sống. Công việc kéo dài đến 10 tiếng mỗi ngày mà lương tháng chỉ có 3 triệu.

Quá túng thiếu, Vy đánh liều lên mạng tìm kiếm việc làm thêm. Vy chia sẻ: "Lúc đó, mình không biết phải làm gì, chỉ biết là mình phải làm việc gì đó ra tiền, thu tiền về ngay trong ngày. Và Google đã 'đưa đường, chỉ lối' cho Vy đến với việc làm PG sự kiện".

'viện trợ', dân tộc Tày, mua nhà, ôtô
Diệp Vy xinh đẹp, kiếm tiền giỏi

Không có tiền đi chụp ảnh làm hồ sơ, Vy đã “tự sướng” bằng điện thoại để gửi sơ yếu lý lịch cho nhà tuyển dụng. May mắn sở hữu chiều cao 1m65, gương mặt dễ nhìn cùng kinh nghiệm từng dẫn chương trình cho Đài truyền hình Hà Nam, Vy đã có những show đầu tiên.

Từ một PG mới vào nghề, Vy dần dần có chỗ đứng bởi việc học hỏi nhanh và khéo léo trong giao tiếp. Bên cạnh đó, cô cũng khá thường xuyên nhận được các lời mời làm mẫu ảnh hay chương trình quay quảng cáo. Cô trở thành đầu mối cung cấp PG, làm MC, rồi nhận tổ chức sự kiện để kiếm thêm thu nhập.

Trong thời gian đó, Vy tiếp tục thi vào Khoa Quản trị Kinh doanh của Đại học Kinh doanh Công nghệ bởi lý do “sắc đẹp rồi sẽ tàn, phải có kiến thức mới có thể làm ăn lâu dài được”.

'viện trợ', dân tộc Tày, mua nhà, ôtô
Diệp Vy chụp ảnh lưu niệm với Quán quân Vietnam Idol 2015 Trọng Hiếu khi gặp anh tại một sự kiện

Kiếm trăm triệu mỗi tháng nhờ bán đồ mỹ nghệ

Sau một thời gian, thấy con gái không hư hỏng như những gì đã nghĩ mà còn đi học đại học và tự kiếm tiền nuôi sống bản thân, quan hệ của bố mẹ với Vy dần được nối lại.

Bố mẹ Diệp Vy vốn là người đam mê gỗ nu (gỗ có vân xoăn đẹp ở bướu to của một số cây gỗ quý). Trong 2 năm trở lại đây, bố mẹ Vy quyết định mở xưởng chế tác và buôn bán sản phẩm từ gỗ nu.

Do am hiểu về loại gỗ, đặc biệt sau nhiều năm sưu tầm nên xưởng gỗ của bố mẹ Vy nhanh chóng được người trong giới biết đến. Tuy nhiên, việc có trụ sở ở Cao Bằng gây nhiều khó khăn cho khách mỗi khi muốn xem hàng.

Bởi thế, nhà của cô con gái Diệp Vy ở Hà Nội được tận dụng làm nơi xem hàng và giao dịch. Vốn cũng yêu thích loại có gỗ có vân tuyệt đẹp này, Vy lao vào tìm hiểu để “hợp tác” với bố mẹ.

Vy chia sẻ: “Nói là hợp tác vì mình không muốn chỉ là nơi ký gửi. Mình muốn làm đầu mối bán hàng cho bố mẹ ở Thủ đô”.

Đầu tiên, Diệp Vy về nhà học hỏi bố mẹ kiến thức về gỗ nu, cách phân biệt, định giá các loại gỗ. Nhờ lợi thế công nghệ, Vy tiếp tục đào sâu tìm tòi từ các nguồn sách báo và những người cùng chơi.

Sau đó, tận dụng lợi thế làm tổ chức sự kiện, tiếp xúc với nhiều người có thu nhập cao, 9x dân tộc Tày dần dần tiếp cận, nói chuyện, làm bạn với những người có cùng đam mê gỗ.

'viện trợ', dân tộc Tày, mua nhà, ôtô
Những món đồ thủ công mỹ nghệ đẹp mắt, tinh xảo

Không những thế, Diệp Vy còn lập trang web, lập page để quảng bá về sản phẩm của gia đình.

Diệp Vy chia sẻ: “Vì cộng đồng người chơi gỗ nu khá nhỏ nên nhiều khi mình tiếp cận không đúng, phải mất nhiều công sức để tìm ra một khách hàng tiềm năng”. Vì thế, thời gian đầu, có khi cả tháng cô không bán được sản phẩm nào.

Dần dần, nhờ sự kiên trì và bền bỉ quảng bá trên internet, Vy đã có nhiều khách quen, mua hàng ổn định. Vì giá trị của các sản phẩm từ gỗ nu khá cao nên mỗi tháng chỉ cần bán được từ 10-15 sản phẩm là Diệp Vy đã có thể kiếm được vài chục đến hơn một trăm triệu đồng.

Là con gái, Vy cũng thích sắm sửa quần áo, phấn son nhưng tiền làm ra vẫn được cô ưu tiên nhất cho mục tiêu kinh doanh.

Trong năm qua, khi giá nhà xuống thấp, Vy đã tranh thủ mua một căn ở Hoà Lạc để cho thuê và tạo nền tảng cho em trai trước ngày xuống Hà Nội.

Không những thế, Vy còn tự thưởng cho mình một chiếc ôtô để vừa có phương tiện đi lại, vừa để tận hưởng cuộc sống. Tổng giá trị của căn nhà và của chiếc xe mà Vy đã mua lên tới 1,5 tỷ đồng.

Đối với cô gái 9X người dân tộc Tày, những thành công bước đầu mà Vy gặt hái được khiến bạn bè phải ngưỡng mộ.

Theo Tiin/báo Đất Việt



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.