Thất kinh nghe đại gia 'chém gió' về rượu bổ

Trong những lần "trà dư, tửu hậu", các đại gia tự mãn cho rằng rượu ngâm xương cốt rắn, chắc và đặc biệt là làm "chuyện ấy" rất đều đặn, sung sức.

Trong những lần "trà dư, tửu hậu", các đại gia tự mãn cho rằng rượu ngâm xương cốt rắn, chắc và đặc biệt là làm "chuyện ấy" rất đều đặn, sung sức.

Cái gì cũng... "chém"

Hầm rượu của đại gia B. (ở khu đô thị Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội) không có rượu ngoại mà toàn rượu ngâm.

Ngoài những bình thủy tinh lớn (chứa 50 lít rượu trở lên) thì trong hầm rượu này còn có cả những chum sành đựng rượu, loại chum vài trăm lít. Đang nhìn phía trước, tôi thấy con hổ mang chúa sau lưng (do kính phản chiếu lại) bành mang, lè lưỡi, tiến về phía mình, tôi hoảng hốt quay lại, hóa ra, đó là bình rượu thủy tinh ngâm rắn hổ mang chúa đang dựng đầu như còn sống thật.

Tắc kè ôm cây sâm, nhìn như tác phẩm nghệ thuật trong bình thủy tinh rượu. Hai cái tay như tay người, chới với trong bình rượu lắc lư như thể giơ ra để vồ khách... Ấn tượng từ cách bài trí đến sản phẩm rượu ngâm ở hầm của đại gia B., chúng tôi tự nhủ, đại gia này có "cơ" để "chém gió".

Đại gia B. tâm sự: "Hàng năm, tôi đầu tư cả tỷ đồng cho hầm rượu. Cứ đi đến miền nào của đất nước, ra nước ngoài, thấy con, cây, củ, quảã... ngâm rượu uống bổ là mua bằng được mang về".

Vừa nói, đại gia B. vừa kể nguồn gốc bình rượu sâm 150 tuổi của mình: "Tôi sang Hàn Quốc ký kết hợp đồng kinh tế. Bạn hàng ở đó tiếp khách chu đáo. Họ đưa tôi tới tận làng cổ nhất về trồng sâm ở Hàn Quốc. Quả thật, nơi đó rất lạnh. Họ gọi một người già trong làng ra, nói chuyện gì đó lúc lâu, sau đó, chúng tôi đi thăm quan cánh đồng sâm, rồi về ngồi uống trà sâm...

Hai bình rượu tay gấu - loại được đồn thổi là có tác dụng cường dương

Sau 3 tiếng ở làng trồng sâm chơi và thưởng thức trà, cụ già xách túi đến và đưa cho chúng tôi 1 cây sâm khô. Trên xe về chỗ nghỉ, vị đối tác tặng tôi cây sâm quý này, nói rằng, nó 150 tuổi. Người dân trồng sâm ở Hàn Quốc ví sâm là vàng. Vị đối tác này khẳng định, ngâm với rượu, sâm sẽ nở ra căng tròn, đầy sức sống như củ sâm tươi mới thu hoạch xong, màu vàng trắng... thì đúng là sâm nhiều tuổi thật".

Cũng là đại gia bất động sản như ông B., đại gia Đức (ở Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) lắc đầu, giọng "trên cơ": "Hầm rượu của tay B. thường lắm, toàn hoa quả, cây, con "hàng chợ".

"Hàng xịn", đúng tầm đại gia không quan trọng về số lượng mà phải là chất lượng. Chất lượng phải là bào thai linh dương, bào thai hổ, bào thai tê giác, bào thai voi, bào thai gấu, bào thai chó sói...".

Đại gia Đ. "chốt hạ", với "hàng xịn" như thế, 2 - 3 năm mới phải "đầu tư"/lần nhưng mỗi lần "đầu tư" là "đi đứt" 4 - 5 tỷ đồng.

Nghe chưa hết mà tai tôi ù đặc, trong đầu toàn là bào thai. Đã vậy, lại là bào thai những động vật quý hiếm, sách đỏ, đại gia Đ. lấy ở đâu để ngâm rượu mà "chém" ghê thế? 5 chứ 10 tỷ đồng chắc gì đã "sưu tập" được bộ rượu bào thai động vật quý như ông ta nói? Đại gia Đ. tự hào: "Thế giới có gì, Việt Nam có thứ đó, miễn là có tiền".

Thao thao bất tuyệt chán chê, đại gia Đ. tiết lộ nguồn gốc của số bào thai động vật quý hiếm: "Tôi đi châu Phi săn tê giác, voi... rồi "móc" với giới buôn động vật quý hiếm, họ tìm cho đấy". Đại gia H. (Tây Hồ, Hà Nội) bóc mẽ:

"Ông đi châu Phi bao giờ? Cùng lắm thì ông đi được mấy nước Đông Nam Á "nhà quê" như Lào, Campuchia... và Trung Quốc." Cuộc "chém gió" bắt đầu chuyển chiều hướng làm tôi thấy choáng.

"Biết" nhiều nhưng... "nhầm"

"Bệnh" của người có tiền là hay "nhầm lẫn" (có thể là cố ý mà cũng có cả vô tình). Thế nhưng, trong lúc "chém gió", các đại gia vẫn đỏ mặt, thậm chí gay gắt đến quyết liệt với nhau chỉ vì tên một địa danh. Không biết đại gia Đ. giàu có, tài sản nhiều đến đâu nhưng cứ nói là "sặc mùi' sính ngoại. Đại gia Đ. phân tích: "Đã là loài động vật quý hiếm thì phải ngâm nó với rượu ngoại mới xứng tầm. Rượu Tây được khử hết an-đê-hít (một loại độc tố có trong rượu) nên yên tâm về chất lượng. Rượu chất lượng, động vật ngâm cũng chất lượng thì rượu ngâm chỉ có trên tuyệt... mà thôi".

Đây là loại rượu mà đại gia khoe là uống vào "bổ âm, bổ dương"

Đại gia H. châm chọc: "Chỉ có đại gia "Tây châu Á" như ông thì mới dùng rượu Tây ngâm với động vật, cây, quả... Rượu ngâm phải là rượu đặc sản được người dân ở vùng quê nấu như rượu làng Vân, rượu Sơn Tây, rượu Sán Lùng, rượu Mẫu Sơn...".

Nghe đến đây, đại gia B. phân trần: "Các ông nói nhỏ thôi, hay ho gì mà khoe, toàn là chuyện liên quan đến tệ nạn cả. Với người Việt Nam, rượu dùng để ngâm với bất kỳ thứ gì đều dùng rượu nấu từ gạo, có thể là gạo tẻ, gạo nếp... chứ không dùng rượu sắn làng Vân (Việt Yên, Bắc Giang). Rượu nấu "đặc sản", có nồng độ mạnh hơn rượu Tây, đổ ra đĩa hoặc bát, đốt lên, rượu cháy bùng bùng, không tỏa mùi cồn là rượu "xịn", ngâm rất tốt.

Muốn có chất lượng rượu ngâm tuyệt hảo thì dụng cụ chứa phải bằng chum (chất liệu đất nung) rồi chôn xuống đất (hay còn gọi là hạ thổ). Chum rượu đó chôn ở dưới đất càng lâu thì nó càng khử được nhiều chất độc hại trong rượu và đồ ngâm".

Không đồng tình với phân trần của ông B., đại gia than nổi danh, tên V. (ở Quảng Ninh) "chém": "Tất cả đều sai hết. Rượu ngâm với cây, quả, con là cái thứ rượu người Tây rất ghê sợ, chỉ có dân châu Á, châu Phi, châu Mỹ... gì đó mới chuộng thôi.

Các ông thấy đấy, thói quen của chúng ta bao đời nay có bỏ được đâu, cứ "bốc" lên là "vống" thật lực, nói nhầm nhưng vẫn cãi cố. Có sách vở nào ghi ngâm rượu Tây, rượu nấu tốt hay không tốt đâu mà cứ tranh cãi. Ai thích ngâm rượu gì tùy khẩu vị từng người. Người uống thì bảo ngâm rượu Tây ngon nhưng người khác thì lại nói, ngâm rượu nấu uống ngon hơn. Các ông cứ "chém" những chuyện chẳng đâu làm gì, để xung quanh họ cười".

Đại gia Đ. tiếp lời: "Ông không biết, không thích thì "yên vị" ở đấy, chúng tôi đang bàn chuyện "đại sự" vì ăn uống liên quan tới sức khỏe. Có sức khỏe mới làm ăn và làm cho chị em "sung sướng" được chứ. Mình làm ra tiền, không biết hưởng thụ, không biết tiêu thì nghỉ cho khỏe.

Tôi cho rằng, "Tây văn minh hơn ta" nên dùng đồ Tây cái gì cũng tốt hơn. Rượu Tây mà ngâm với tay gấu, bào thai chó sói... chắc chắn hương vị sẽ đậm đà, nó sẽ thẩm thấu vào cơ thể nhiều chất bổ dưỡng hơn là rượu nấu". Đại gia Đ. vẫn đang đứng, giơ tay "chém gió" thì đại gia H. "tiếp chiêu" bằng việc, dùng 2 tay, ấn 2 vai đại gia Đ. ngồi xuống. Như bị chạm vào sĩ diện, đại gia Đ. gồng mình đứng dậy, tay vỗ vào ngực, "chém" to hơn:

"Không có bào thai linh dương, báo, hổ, chó sói... ngâm với rượu Tây nên tức à?

Mấy cái bộ phận vớ vẩn tay, chân gấu ấy, tôi không thèm ngâm. Nó bẩn lắm, toàn lông lá mà lông lá ấy chứa đầy ấu trùng bệnh tật. Ngâm bào thai mới là khoa học. Nó sạch sẽ, vì nó ở trong bụng mẹ".

Thế là chính các đại gia tự bóc mẽ chuyện "uống bẩn" của nhau, làm nhiều người xung quanh kinh sợ đến phì cười. Quả thật, cả con khỉ, con gấu, con bìm bịp... đầy lông, lòng mề (không được bỏ đi), ngâm ngay vào rượu, nó thôi ra rượu thì sẽ thế nào nhỉ? Lông và lòng mề, chắc chắn bẩn, chưa kể, còn có ấu trùng, vi khuẩn gây bệnh nữa, trong môi trường của rượu, nó có "sạch" và "hết" bệnh được không? Điều này, hình như chưa ai giải thích được.

Song, con vật ấy mang trong mình mầm bệnh, nhất là bệnh nan y, thì người uống rượu ngâm con vật ấy bị lây virus, vi khuẩn bệnh là điều không tránh khỏi.

TheoNgười đưa tin




Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.