Bố mẹ không phải "cáu tiết" khi con bướng bỉnh, áp dụng 5 cách nhỏ mà có võ này thì mọi việc tự khắc êm xuôi

Nếu bạn thường xuyên phải cảm thán rằng: "Trẻ con nhà này nói nhẹ không bao giờ nghe đâu. Lúc nào cũng đợi bố mẹ quát lên rồi mới chịu nghe lời" thì hãy thử dùng các cách sau để khiến con nghe lời hơn nhé.

Không chỉ người lớn, mà con trẻ cũng có một nhu cầu chứng tỏ "quyền lực" trong gia đình. Con sẽ cảm thấy mình có "quyền lực" – hay đúng hơn là mình có giá trị với mọi người, thông qua việc được bố mẹ thấu hiểu và công nhận cảm xúc, hay được quyền lựa chọn (quần áo, món ăn, đồ chơi, làm việc A hay việc B…).

Ngược lại, con cảm thấy mình không còn giá trị khi bố mẹ không thật sự lắng nghe nhu cầu và hiểu cảm xúc của con. Khi đó, con sẽ dùng cách phản kháng để chứng tỏ "quyền lực" của bản thân. 

Khi phản kháng và thấy việc đó có thể làm cho bố mẹ mất bình tĩnh, nổi nóng, con dần học được rằng mình có thể "kiểm soát" bố mẹ bằng những hành vi như vậy. Đồng thời, con sẽ hình thành suy nghĩ: "Mình không cần phải làm theo lời bố mẹ, cho đến khi nào người lớn lên giọng, doạ dẫm hay quát mắng thì lúc đó mình mới phải làm theo".

Khi việc này kéo dài, chắc chắn không khí trong gia đình và kết nối giữa bố mẹ - con trẻ sẽ không được vui vẻ. Người lớn thường xuyên cảm thấy mệt mỏi và bất lực; đồng thời, sự phản kháng ở con ngày một nâng lên. Bố mẹ cảm tưởng rằng con mình là một đứa trẻ bất trị.

5 gợi ý để con nghe lời mà không cần quát mắng

1. Không đứng từ xa ra lệnh hay chỉ tay 5 ngón 

Bố mẹ không phải cáu tiết khi con bướng bỉnh, áp dụng 5 cách nhỏ mà có võ này thì mọi việc tự khắc êm xuôi-1


Bố mẹ hãy làm cho con chú ý đến mình trước bằng cách ra tận nơi và ngồi thấp xuống ngang bằng con, để con có thể nhìn vào mắt bạn. Nếu con vẫn chưa để ý, hãy chạm nhẹ vào người con. Khi nhận thấy con đã chú ý đến mình, bố mẹ mới nhẹ nhàng truyền đạt thông tin đến con.

Khoảng cách trong giao tiếp là yếu tố rất quan trọng. Con cần cảm nhận được bố mẹ đang muốn giao tiếp và kết nối với mình, chứ không phải bố mẹ đứng từ xa hay đứng từ trên cao chỉ ngón tay và to tiếng ra lệnh yêu cầu con phải thực hiện.

2. Tôn trọng con và cho con thấy điều đó qua cách nói

Hãy nói chuyện với con bằng ngữ điệu, âm lượng và tông giọng mà bạn muốn người khác cũng nói với mình như vậy. Con hoàn toàn hiểu được cảm xúc của người khác qua cách giao tiếp. Chắc chắn con sẽ có thái độ hợp tác tốt hơn khi cảm thấy mình được tôn trọng.

Luôn luôn cảm ơn con mỗi khi con thực hiện một việc gì đó giúp bố mẹ. Hoặc hãy nói lời cảm ơn trước, khi nhờ con thực hiện việc gì. Hãy nhớ khen ngợi thật cụ thể mỗi hành động tốt mà con làm được. Tránh khen chung chung qua loa cho có lệ.

3. Bớt lạm dụng mẫu câu "Đừng có"

Với một đứa trẻ, khi nghe bố mẹ nói "Đừng", bộ não của con phải xử lý tận 2 thông điệp cùng một lúc:

+ "Bố mẹ KHÔNG muốn mình làm gì?" 

+ "Vậy thì mình PHẢI làm gì khác?"

Vì vậy, hãy giao tiếp với con một cách ngắn gọn, súc tích và dễ hiểu. Nói cho con biết con nên làm gì. Thay vì nói: "Con không được đánh em hay giành đồ chơi của em nghe chưa!". Hãy nói: "Con sờ em nhẹ thôi nhé vì em không thích bị đau" hoặc "Nếu con muốn đồ chơi của em, con hãy mang món khác đến đổi cho em xem em có đồng ý không nhé".

4. Đừng biến câu trả lời "Không được" thành câu cửa miệng

Mỗi khi con hỏi xin được làm gì đó, nếu "Không được" là câu trả lời cửa miệng của bố mẹ, thì thường sẽ có 2 trường hợp xảy ra: Con cứ mặc kệ lời bố mẹ và làm theo ý mình, khiến bố mẹ nổi đoá lên và phạt con. Hoặc khi lớn lên, con sẽ không hỏi xin phép nữa và cứ tự ý làm khi bố mẹ không biết.

Thay vào đó, hãy lái câu trả lời theo hướng "Được thôi, mình sẽ làm việc đó vào lúc…". Đừng nói: "Không được, bây giờ không phải là lúc ăn kem!". Hãy nói: "Kem là món tráng miệng mà nhà mình sẽ ăn vào cuối tuần. Con sẽ được ăn kem sau bữa trưa vào thứ 7 này nhé!".

Bằng cách nói này, con sẽ không cảm thấy mình bị từ chối và cấm đoán, mà con còn biết cụ thể khi nào việc đó sẽ được thực hiện. Bố mẹ nhớ hãy luôn giữ lời hứa với con.

Bố mẹ không phải cáu tiết khi con bướng bỉnh, áp dụng 5 cách nhỏ mà có võ này thì mọi việc tự khắc êm xuôi-2


5. Cho con một ít thời gian và thể hiện sự tin tưởng ở con

Bố mẹ hãy truyền đạt thông điệp đầy đủ, ngắn gọn, rõ ràng một cách nhẹ nhàng nhất có thể. Chẳng hạn như: "Con chơi thêm 1 tí nữa rồi dọn đồ chơi. Mình sẽ thay quần áo chuẩn bị đi học." Sau đó, bố mẹ đứng dậy đi chỗ khác, hoặc làm tiếp công việc của mình. Tránh việc càm ràm hay lặp lại quá nhiều lần cùng một câu nói.

Nếu sau vài phút con vẫn chưa hợp tác, hãy quay lại gợi ý và nhắc nhở. Thay vì quát nạt và hăm doạ: "Cất đồ chơi đi nhanh lên! Con đừng nói để mẹ quát lên đấy!", bố mẹ hãy nói:

+ "Mẹ thấy đồ chơi vẫn còn bày bừa quá nhỉ".

+ "Mình cần làm gì trước khi đi học nhỉ?".

+ "Mẹ biết là con chưa thay quần áo và vẫn muốn chơi nữa, nhưng bây giờ mình phải thay đồ và đi học thôi". 

+ "Con muốn thay quần áo bây giờ hay chơi thêm 3 phút nữa?" . 

Cuối cùng, nếu con vẫn không hợp tác, hãy để con được tự trải nghiệm hậu quả của hành động của mình trong những trường hợp cho phép. Khi bố mẹ quyết định thay đổi cách giao tiếp với con, không la mắng quát nạt nữa, hãy cho con thời gian để hiểu rằng từ nay mình phải tự chịu trách nhiệm với những hành động và quyết định của mình. 

Thời gian đầu, có thể con còn muốn "thử nhiệm" và "kiểm tra" giới hạn của bố mẹ. Hãy luôn nhắc nhở bản thân giữ vững tông giọng điềm tĩnh, và sáng tạo khi đưa ra các lựa chọn hoặc cho con những thử thách vui vẻ. Con sẽ cảm thấy hào hứng để thực hiện các công việc bố mẹ đưa ra.

Tú Anh Nguyễn là mẹ của hai bé gái. Năm 2020, chị trở thành một Parent Coach – Tư vấn phụ huynh chuyên nghiệp với chứng chỉ từ Academy for Coaching Parents International (ACPI); đồng thời là Certified Positive Discipline Parent Educator – Chuyên viên đào tạo phụ huynh về dạy con tích cực với chứng chỉ được cấp bởi tổ chức Positive Discipline Association.

Với mục tiêu không ngừng học hỏi, tích lũy kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực làm cha mẹ, chị đã sáng lập dự án Happy Parenting nhằm chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm nuôi dạy con theo khoa học. Với định hướng tự tin nuôi dạy con bằng sự tôn trọng và tình yêu thương, Tú Anh mong muốn có thể đồng hành cùng các bậc cha mẹ tạo nên một hành trình khôn lớn cùng con đầy ý nghĩa và nhiều niềm vui.


 

Theo Pháp luật và bạn đọc

Xem link gốc Ẩn link gốc http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/bo-me-khong-phai-cau-tiet-khi-con-buong-binh-ap-dung-5-cach-nho-ma-co-vo-nay-thi-moi-viec-tu-khac-em-xuoi-162200409100244727.htm

Cách dạy con


Bạn trai kém 4 tuổi ham mê cờ bạc nhưng tôi không thể chia tay
Bạn trai tôi thường xuyên "đốt tiền" vào những trò cá cược đỏ đen trên mạng, không ít lần tôi phải đi trả nợ thay cho anh ta. Dù tôi đã nhiều lần chia tay nhưng bạn trai liên tục níu kéo, thậm chí dọa dẫm khiến tôi không thể dứt khoát.
Phụ nữ cần chứng minh những gì khi chia tài sản lúc ly hôn?
Trong 14 năm hôn nhân với ông N.V, bà M. luôn vun vén, chu toàn quán xuyến mọi công việc gia đình để chồng an tâm lập nghiệp, ủng hộ sự nghiệp của chồng và đóng góp đáng kể vào tài sản chung. Thế nhưng, khi ra tòa ly hôn bà M. lại chỉ được chia 42% tài sản chung.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.