Bác sĩ từng mổ nhầm và dòng chia sẻ về chuyện "bỏ nghề"

Những chia sẻ của bác sĩ Võ Xuân Sơn về bản thân mình, về nghề và cả chuyện "bỏ nghề" khiến nhiều người cảm thấy xót xa.

Những chia sẻ của bác sĩ Võ Xuân Sơn về bản thân mình, về nghề và cả chuyện "bỏ nghề" khiến nhiều người cảm thấy xót xa.

>>
Những vụ mổ nhầm, cắt nhầm tai hại của ngành Y tế

Trong một bài viết, bác sĩ Võ Xuân Sơn của phòng khám Exxon TP HCM có thẳng thắn chia sẻ rằng trong cuộc đời theo nghề ông luôn bị dằn vặt, đau khổ bởi ca mổ nhầm bên não bệnh nhân mà ông từng thực hiện cách đây 15 năm.

Dù sự cố mổ nhầm bên của ông không phải là nguyên nhân khiến bệnh nhân tử vong thế nhưng "cái cảm giác mình là tội đồ" cứ luôn đè nặng trong ông mãi. Ngần đó thời gian trôi qua, nhưng mỗi lần bước vào ca mổ, ông lại nhớ đến ca mổ của hôm đó.

Những chia sẻ, những thừa nhận sai lầm của bác sĩ Võ Xuân Sơn đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, bình luận của dư luận. Có người thì cảm thông, động viên bác sĩ tiếp tục sự nghiệp cứu người, có người lại tiêu cực hơn đòi ông nên bỏ nghề.

Và trước những ý kiến trái chiều từ phía dư luận, bác sĩ Sơn quyết định đăng tải 1 bài chia sẻ trên trang cá nhân. Trong bài chia sẻ của mình, ông tự hỏi rằng nếu ông bỏ nghề theo ý kiến của nhiều người thì thiệt hại sẽ thế nào và ai sẽ phải gánh chịu?

Thế rồi sau câu hỏi ấy, người bác sĩ với 20 nghìn ca mỗ đã xin lỗi vì "có vẻ tôi đã tỏ ra quá tự cao" nhưng thực tình thì ông không biết phải diễn giải ra sao cho đúng ý.

Bác sĩ từng mổ nhầm và dòng chia sẻ về chuyện bỏ nghề - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Dưới đây chúng tôi xin trích nguyên bài chia sẻ trên trang cá nhân của bác sĩ Võ Xuân Sơn:

"Bỏ nghề

Status này dành cho những bạn thật lòng khuyên tôi nên nghỉ công việc bác sĩ phẫu thuật sau chia sẻ của tôi về nhược điểm nhầm lẫn bên trong khi mổ. 

Đối với những kẻ nói điều ấy chỉ để chứng tỏ mình, hay chỉ để thoả mãn sự hằn thù, tôi hoàn toàn không mong muốn họ tiếp tục có ý kiến trên trang này. Kể từ khi bắt đầu hành nghề, tôi đã mổ khoảng 20.000 ca. Chỉ có 1 ca là sai sót về nhầm lẫn bên. 

Hiện tại, tôi đang thực hiện khoảng 50 loại kĩ thuật phẫu thuật, trong đó có một số loại mà ở Việt nam, kể cả những bác sĩ do tôi tham gia đào tạo, chưa có đến 10 bác sĩ, hoặc thậm chí, 5 bác sĩ, có khả năng thực hiện. 

Đồng thời, trong số đó có cả những phẫu thuật mà số lượng phẫu thuật viên có thể thực hiện trên cả thế giới cũng chỉ là những con số cực kì khiêm tốn.

Có thể sẽ có bạn bảo là, tôi quảng cáo mình. Chuyện đó không quan trọng. Tôi chỉ muốn nói, rằng các bạn yêu cầu tôi không mổ nữa, tìm nghề khác để làm, vì cái nhược điểm về phân biệt bên phải, bên trái của tôi, có hợp lí không? 

Và thiệt hại của việc tôi không hành nghề phẫu thuật nữa sẽ là thế nào, ai phải gánh chịu? Xin lỗi là tôi đã tỏ ra hơi tự cao, nhưng tôi không biết nói thế nào khác hơn để rõ cái ý của mình.

Người Nam bộ có câu "Một lần đạp ***, một lần chặt chân" để mô tả cho cách xử lí cực đoan những sai sót. Tại sao không rửa cái chân, có thể dùng những loại xà bông kháng khuẩn đặc biệt để rửa sạch cái chân bị vấy bẩn? 

Tại sao không tìm cách tăng khả năng nhận biết bãi phân? Tại sao không làm sạch môi trường, để cho đừng có những bãi phân giữa đường, để đừng có ai phải đạp lên nó, để đừng có ai phải khó chịu khi nó bị trây trét tùm lum? 

Tất nhiên, tôi nói điều này với những người có thiện chí, thực sự mong muốn giải quyết vấn đề. Còn với những kẻ luôn tìm khoái cảm trong việc "chặt chân" người khác thì điều này là thừa. Đối với những kẻ như vậy, chỉ có chặt, chém... thì mới có thể thoả mãn họ. 

Có ai trong các bạn có thể xác định, trong cuộc đời mình sẽ không bao giờ phạm phải sai lầm không? 

Trong một trận đấu bóng đá kéo dài 90 phút, những cầu thủ đỉnh cao, có giá chuyển nhượng lên đến những con số cực lớn, phạm hàng chục sai lầm, những trọng tài FIFA, được đào tạo bài bản, cũng phạm hàng chục lỗi, trong đó có những những lỗi hết sức là ngớ ngẩn, làm thay đổi cục diện của trận đấu.

Các bạn có thể nói bóng đá là giải trí, nhầm lẫn có thể không gây tai hại gì. Vậy thì mời các bạn xem đây. Theo cơ quan an toàn bệnh nhân Vương quốc Anh, từ tháng 9 năm 2001 đến tháng 1 năm 2002, có 44 ca mổ sai chỗ và sai kĩ thuật. 

Từ năm 1990 đến năm 2003, người ta đã xác định có 119 ca mổ sai chỗ ở Vương quốc Anh. Hội bảo hiểm thầy thuốc Mỹ cho biết có 331 vụ kiện cáo liên quan đến mổ sai chỗ trong năm 1985-1986. 

Có thể các bạn sẽ nói, số liệu đó cũ rồi. Có vẻ hơi cũ đối với các nước phát triển, nhưng đối với Việt nam thì không cũ lắm đâu. Tôi dẫn tài liệu đó vì nó là tài liệu của chính phủ. 

Mời các bạn xem một tài liệu mới hơn, được công bố năm 2011, sau khi đã có hàng chục tổ chức đưa ra các biện pháp an toàn bắt buộc. 

Số liệu mổ sai chổ ở Mỹ hàng tuần lên đến con số khoảng 40 ca!!! Như vậy, đây không phải sai sót chỉ xảy ra ở Việt nam. Và tôi hi vọng, các bạn sẽ không khẳng định các bác sĩ Anh, Mỹ là những đồ tể, vô lương tâm, không được đào tạo bài bản, mua bằng... hay gì đó tương tự.

Trong tất cả những vụ sai sót mổ nhầm chỗ, tất cả các tổ chức, kể cả của chính phủ, đều nhắm vào việc sửa chữa qui trình, nâng cao độ tập trung của cả ê kíp phẫu thuật bằng cách giảm quá tải, giảm các tác động ngoại lai, chẳng hạn như việc chửi rủa, mạt sát, đòi cấm hành nghề, hoặc lăm lăm cục đá trong tay...

Thực ra thì cũng đã có lúc tôi nghĩ đến chuyện bỏ nghề. Nhưng không phải vì khả năng phân biệt bên trái, bên phải của tôi, vì điều đó có cách khắc phục. Tôi muốn bỏ nghề vì sự bạc bẽo của nghề này, mà tôi không có khả năng làm thay đổi điều đó".

Theo Thế giới trẻ


mạng xã hội

Xúc động

Bác sĩ

bệnh nhân


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.