Trường học Bỉ xin lỗi vì bức ảnh đội nón lá, giơ biển virus corona

Kèm theo lời xin lỗi, hiệu trưởng trường Sint-Paulus School campus College khẳng định bức ảnh không nhằm hạ bệ hay xúc phạm nhóm cư dân nào.

Trên website chính thức, ngày 11/3, đại diện ban giám hiệu trường Sint-Paulus School campus College đăng tải thông cáo chính thức bằng tiếng Hà Lan và tiếng Anh về vụ việc khiến mạng xã hội châu Á bức xúc những ngày qua.

Theo đó, nguồn cơn sự việc xuất phát từ bức ảnh 19 học sinh của trường mặc trang phục truyền thống của Trung Quốc, đội nón lá và tươi cười tạo dáng với tấm biển ghi dòng chữ “Corona Time” (tạm dịch: Thời của corona).

Hình ảnh này được nhà trường đăng tải trên các trang mạng xã hội Facebook và Instagram, nhưng đã gỡ bỏ ngay khi làn sóng giận dữ xuất hiện.

Trường học Bỉ xin lỗi vì bức ảnh đội nón lá, giơ biển virus corona-1

Bức ảnh học sinh Bỉ mặc trang phục truyền thống Trung Quốc, đội nón lá và giơ biển đề cập tới virus corona gây phẫn nộ. Ảnh: Sint-Paulus School campus College.

Nhà trường giải thích bức ảnh gây tranh cãi được ghi lại trong “Lễ kỷ niệm 100 ngày” được tổ chức ngày 6/3. Đây là sự kiện thường niên của trường, nơi học sinh cuối cấp kỷ niệm những ngày cuối cùng còn là học sinh trung học theo phong cách lễ hội hóa trang.

Tập thể lớp trong ảnh chọn chủ đề trang phục truyền thống Trung Quốc từ cách đây rất lâu, thậm chí từ khi chưa xuất hiện bất cứ thông tin nào đề cập tới virus corona.

Giữa thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, nhóm học sinh chỉ muốn đề cập tới sự kiện trở thành tâm điểm gần đây "theo cách vui vẻ bằng việc thêm một tấm bảng".

Trường khẳng định cả đội ngũ cán bộ nhân viên và học sinh không hề có ý định thể hiện thái độ hạ bệ hoặc xúc phạm.

“Tuy nhiên, trường muốn gửi lời xin lỗi công khai và rõ ràng thông qua tuyên bố này. Chúng tôi đã không lường trước hậu quả của việc đăng tải bức ảnh một cách chính xác. Chúng tôi rất tiếc vì đã làm tổn thương nhiều nhóm cư dân vì nó”, thông cáo viết.

Trường học Bỉ xin lỗi vì bức ảnh đội nón lá, giơ biển virus corona-2
Trường học Bỉ đưa ra thông cáo chính thức về sự việc. Ảnh chụp màn hình.

Tờ báo Hà Lan KW dẫn thêm lời của ông Philip Demuynck - hiệu trưởng trường Sint-Paulus School campus College - ngày 13/3 khẳng định: “Hình ảnh và trang phục của nhóm học sinh cuối cấp này không hề mang ý nghĩa gây khó chịu”.

“Đây là một phần của bầu không khí vui tươi, phấn khởi trong ‘Lễ kỷ niệm 100 ngày’. Hoàn toàn không có động cơ phân biệt chủng tộc từ phía học sinh và giáo viên của chúng tôi. Rõ ràng, trong bối cảnh lễ kỷ niệm, hình ảnh được thể hiện như vậy”, ông Demuynck tuyên bố.

Trước đó, bức ảnh 19 học sinh trường cấp 2 Sint-Paulus Campus College Waregem (trường học cho người Hà Lan ở Bỉ) mặc trang phục truyền thống Trung Quốc, đội nón lá, giơ biển đề cập đến virus corona khiến mạng xã hội châu Á bức xúc.

Một nữ sinh ở hàng giữa thậm chí dùng hai tay kéo khóe mắt - cử chỉ được xem là mang tính xúc phạm và chế giễu người gốc Á. Tấm biển đề cập tới virus corona còn kèm theo hình vẽ một người đeo khẩu trang.

Bức ảnh xuất hiện trong bối cảnh chính phủ của nhiều quốc gia trên thế giới đang nỗ lực ngăn chặn sự bùng phát của dịch Covid-19 khiến 100.000 người bị nhiễm trên toàn cầu.

Hàng loạt cá nhân, nhóm hoạt động xã hội về giải quyết vấn đề phân biệt chủng tộc đã đăng lại bức ảnh và lên án trường học Bỉ vô trách nhiệm. Hiện trường vẫn chưa mở lại Facebook và Instagram chính thức - nơi bức ảnh gốc được đăng tải.

 


Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://news.zing.vn/truong-hoc-bi-xin-loi-vi-buc-anh-doi-non-la-gio-bien-virus-corona-post1058984.html?fbclid=IwAR3IOoFoKLdVcEhotBgQVzGUcOzpJeXT3o0IAg9J6evOdzJin_YL9QpczC0

Covid-19

virus corona

học sinh

virus


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.