Áp thuế nước ngọt: Thận trọng ‘kết tội’ nước có gas

Phân tích rà soát trên 489 bài nghiên cứu về nước có ga của Viện chiến lược và Chính sách Y tế cho thấy, chưa nên vội vàng kết luận CO2 và một số chất phụ gia trong nước uống có ga gây tác động tiêu cực tới sức khỏe người dùng.

Phân tích rà soát trên 489 bài nghiên cứu về nước có ga không cồn không đường của Viện chiến lược và Chính sách Y tế cho thấy, chưa nên vội vàng kết luận CO2 và một số chất phụ gia trong nước uống có ga gây tác động tiêu cực tới sức khỏe người dùng.

Đây là một trong những ý kiến đóng góp mới nhất được trình bày trong Hội thảo góp ý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) vừa diễn ra tại Vĩnh Phúc dưới sự chủ trì của Vụ Pháp luật - Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công thương và Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Bà Phạm Thúy Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Văn phòng Chính phủ

Chưa đủ căn cứ ‘kết tội’ CO2

TS. Nguyễn Thị Thu Nam, đại diện chuyên gia y tế đến từ Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, Bộ Y tế cho biết: Nhóm nghiên cứu của Viện đã tìm câu trả lời cho câu hỏi “Liệu sử dụng nước uống có ga có gây ra tác động gì tới sức khỏe con người hay không?” trong 489 bài nghiên cứu có liên quan về nước uống có ga.

 TS Nguyễn Thị Thu Nam, Viện chiến lược và chính sách, Bộ Y tế trình bày tham luận tại hội thảo

Từ các bài nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu đã tổng hợp tác động của ga trong nước ngọt lên 03 nhóm tình trạng sức khỏe chính: (1) Men răng và xương, (2) Hệ tiêu hóa, (3) Hệ tiết niệu.

Với men răng và xương, ga không có tác động đáng kể lên men răng và hoàn toàn không có tác động gì đến xương. Với hệ tiêu hóa và hệ tiết niệu, nghiên cứu không tìm thấy bằng chứng cho thấy ga trong nước giải khát có mối liên hệ tới hai nhóm tình trạng sức khỏe này. Trong khi đó, nghiên cứu cho rằng chưa thể kết luận về tác động của các chất phụ gia tuy một số nước giải khát có axit phosphoric, cafein có thể ẩn chứa tác động nhất định.

Kết luận của nhóm nghiên cứu cho rằng, chưa thể vội vàng kết luận CO2 và một số chất phụ gia trong nước uống có ga gây tác động tiêu cực tới sức khỏe con người; để có thể đưa ra kết luận chính xác, cần có những nghiên cứu tách bạch về các thành phần trong nước giải khát, có thời gian quan sát và đánh giá lâu dài.

Theo luật sư Sesto Vecchi, Giám đốc điều hành công ty Tư vấn Russin & Vecchi, đại diện Amcham, các quốc gia trên thế giới không lựa chọn gas (CO2) làm tiêu chí phân loại để đánh thuế. Nếu dự thảo được thông qua, Việt Nam sẽ là nước đầu tiên trên thế giới đánh thuế nước ngọt theo tiêu chí gas. Ông cũng bày tỏ quan ngại, nếu áp dụng sắc thuế này, Việt Nam sẽ gặp nguy cơ bị cáo buộc phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng phòng Pháp chế VCCI cũng cho rằng, việc áp dụng thuế TTĐB với nước ngọt có ga chỉ hợp lý khi “có phân tích cụ thể và có căn cứ đầy đủ hơn về tác hại của các chất có riêng trong đồ uống có ga (như CO2, Natri...) cũng như tác dụng cộng gộp của chúng khi đưa vào cùng một sản phẩm hoặc khi được sử dụng với tần suất cao hơn nhiều...”

Áp thuế TTĐB nước ngọt có gas: “lãi giả, lỗ thật”

Ban soạn thảo luật cho rằng, khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước ngọt, một mặt vừa giúp định hướng lại tiêu dùng cho người dân, mặt khác góp phần tăng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế lại không đồng thuận với quan điểm này.

TS. Nguyễn Đình Chúc từ Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã chỉ ra nhu cầu phải hoàn chỉnh bài toán kinh tế của việc đánh thuế TTĐB đối với nước ngọt có ga. Theo tính toán của CIEM, nếu áp thuế, nước ngọt có ga sẽ tăng giá khoảng 10%, lượng cầu sẽ giảm xuống 28%. Mức thu thuế của Chính phủ đạt 8,46 triệu USD trong khi đó, ngành công nghiệp nước giải khát thiệt hại 40,5 triệu USD và toàn bộ nền kinh tế giảm 12,1 triệu USD.

Bà Lê Thị Hồng Vân, Giám đốc chuỗi cung ứng công ty CP TM&DV Cổng Vàng thì cho rằng, “thuế này không giải quyết được triệt để căn nguyên dẫn đến tình trạng béo phì và một số bệnh khác vốn nằm ở chế độ ăn uống, sinh hoạt và tập luyện” trong khi đó lại “gây ảnh hưởng lớn hơn đến người tiêu dùng thu nhập thấp so với người tiêu dùng thu nhập cao”.

“Các biện pháp mang tính trừng phạt và ngăn chặn (như đánh thuế) sẽ không có hiệu quả trong việc định hướng tiêu dùng thực phẩm bằng các biện pháp khuyến khích (như ưu đãi cho sản phẩm). Ngoài ra, còn có nguy cơ thất thu thuế do người dùng sẽ chuyển sang mua các sản phẩm nhập lậu để tránh chi phí”, bà Vân chia sẻ.

Hội thảo cũng ghi nhận tham luận của đại diện Hiệp hội Mía - Đường Việt Nam, đại diện doanh nghiệp sản xuất, vận tải, bao bì và tiêu thụ thuộc ngành công nghiệp nước giải khát có ga. Theo đó, các ý kiến đều thể hiện mong muốn việc cân nhắc kỹ lưỡng áp thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này do các tác động trực tiếp và dây chuyền từ thuế đối với việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như đời sống xã hội của người lao động.

Huyền My



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.