Bỏ đồng vay đô

Khó vay tiền đồng, cộng thêm lãi suất vay cao, hàng loạt doanh nghiệp đã chuyển hướng sang vay USD. Tuy nhiên, lãnh đạo các ngân hàng thừa nhận, khó tránh khỏi rủi ro khi nhu cầu vay USD tăng có thể dẫn đến biến động tỷ giá khi khoản vay đến kỳ đáo hạn.

Khó vay tiền đồng, cộng thêm lãi suất vay cao, hàng loạt doanh nghiệp đã chuyển hướng sang vay USD. Tuy nhiên, lãnh đạo các ngân hàng  thừa nhận, khó tránh khỏi rủi ro khi nhu cầu vay USD tăng có thể dẫn đến biến động tỷ giá khi khoản vay đến kỳ đáo hạn.

Báo cáo nhanh của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong tháng 4, trong khi tốc độ cho vay tiền đồng của các ngân hàng chỉ tăng 1,41% thì cho vay ngoại tệ tăng 3% so với tháng trước.

Chi phí vốn vay rẻ

Ông Nguyễn Thế Hà, giám đốc công ty TNHH Thương mại dịch vụ Phan Gia (TP HCM) cho biết, cuối tháng 3, doanh nghiệp này làm thủ tục vay 300 triệu đồng tại Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) thì vướng phải nhiều thủ tục, thậm chí buộc phải ký quỹ đến… 60 triệu đồng (tương ứng với 20% tài khoản vay). Trong khi, cũng thời điểm đó, nếu vay ngoại tệ như USD hay EUR thì rất dễ dàng. “Vay tiền đồng phải chịu lãi cao khoảng 14% một năm, trong khi chi phí vay USD rẻ hơn nhiều chỉ 5%, thủ tục lại đơn giản hơn, nên tháng trước chúng tôi đã chuyển sang vay xấp xỉ 30.000 USD”, ông Hà cho biết.

Bỏ đồng vay đô

Việc "nóng" vốn USD như hiện nay dễ dấn tới nguy cơ mất cân đối huy động... dư nợ USD của ngân hàng và gây khó cho chính doanh nghiệp

Không riêng Phan Gia, ngay thời điểm giữa và cuối tháng 4, hàng loạt doanh nghiệp đã chuyển hướng sang vay USD thay cho tiền đồng khi cơ hội tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn, chi phí vốn vay rẻ hơn. Ông Nguyễn Tuấn Khải, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Sữa quốc tế cho biết: “Trước đây, chúng tôi rất ngại phải vay USD vì sợ tỷ giá biến động thất thường. Mỗi tháng, Sữa quốc tế thường mua “đứt” từ ngân hàng khoảng một triệu USD để nhập khẩu nguyên liệu. Nhưng nay lãi suất cho vay USD thấp, giá USD một tháng qua cũng ít biến động nên chúng tôi chuyển sang vay USD để dồn vốn lo đầu tư hạ tầng”.

Lý giải về việc doanh nghiệp rủ nhau quay sang vay USD, ông Đỗ Minh Toàn, Phó tổng giám đốc Ngân hàng ACB, phân tích: “Doanh nghiệp nào đi vay cũng phải tính đến chi phí vốn vay là lãi suất. Hiện lãi suất cho vay USD chỉ bằng 1/3 lãi suất vay tiền đồng thì dĩ nhiên doanh nghiệp sẽ chọn USD”. Còn theo Phó tổng giám đốc Vietcombank, Nguyễn Văn Tuân: “Ngoài yếu tố giá vốn rẻ, thị trường ngoại tệ đang có những diễn biến tích cực. Đây là lý do khiến doanh nghiệp quyết định vay USD mà không phải e ngại nhiều như trước đây”.

Rủi ro khó tránh

Thực tế, doanh nghiệp từ chỗ ưa găm giữ khi có USD, chỉ thích “mua đứt, bán đoạn” USD đến chỗ cởi mở hơn khi vay USD từ ngân hàng đang tác động tích cực trở lại đến thị trường ngoại tệ. Những ngày qua, giá USD trên thị trường tự do luôn thấp hơn giá USD trong ngân hàng ở mức dưới 19.000 đồng một USD. Đây được cho là tác động trực tiếp của việc vay USD chuyển hóa thành tiền đồng để kinh doanh của doanh nghiệp.

Trước nhu cầu vay USD tăng trưởng nhanh chóng, các ngân hàng cũng ra sức chạy đua tăng lãi suất huy động USD (biên độ từ 0,2 đến 0,6%) từ giữa tháng 3. Đến nay, cuộc đua vẫn chưa hạ nhiệt. Lãi suất huy động USD hiện cao nhất là 5% cho kỳ hạn 12– 60 tháng đang được các ngân hàng TMCP như Sài Gòn (SCB), Đông Nam Á (SeABank)… áp dụng.

Tuy nhiên, theo thừa nhận của chính lãnh đạo các ngân hàng, việc “nóng” vốn USD như hiện nay dễ dẫn tới nguy cơ mất cân đối huy động - dư nợ USD của ngân hàng và gây khó cho chính doanh nghiệp. Phó tổng giám đốc ACB, ông Nguyễn Thanh Toại thừa nhận: “Lo ngại khả năng khan hiếm nguồn cung USD cho các doanh nghiệp trả nợ ngân hàng khi đến kỳ đáo hạn là có cơ sở. Vì nguồn cung USD hiện nay phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu và ngoại hối. Tuy nhiên, với tình hình nhập siêu cao như hiện nay, doanh nghiệp sẽ không dễ kiếm USD trả nợ”.

Thực tế, nguy cơ mất cân đối vốn USD tại một số ngân hàng là có thật. Mặc dù lãnh đạo Vietcombank không tiết lộ con số cụ thể, nhưng theo một nguồn tin, trong tháng 4, dư nợ USD của ngân hàng này tăng tới 8%, trong khi huy động USD chỉ ở mức 5%. Còn theo một chuyên gia tài chính, với tốc độ vay USD hiện nay, rất có thể chỉ 3 - 4 tháng nữa, nguồn cung ngoại tệ ở các ngân hàng sẽ khan hiếm. Lúc này, áp lực lên tỷ giá sẽ khiến chính doanh nghiệp vay USD gặp nhiều rủi ro.

Theo Mỹ Dung - Lam Thanh
Bỏ đồng vay đô



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.