Chó không giấy tờ được đưa về Việt Nam như thế nào?

Với giá vài triệu đồng là những chú chó Tây không giấy tờ hay kiểm dịch có thể đưa về Việt Nam qua đường biên.

 Với giá vài triệu đồng là những chú chó Tây không giấy tờ hay kiểm dịch có thể đưa về Việt Nam qua đường biên thay vì phải làm nhiều thủ tục rườm rà qua đường không.

Mốt chơi chó ngoại (chó Tây) ngày càng phổ biến ở Việt Nam. Tại nhiều cửa hàng, trang trại, trên mạng, những con chó ngoại với đủ màu sắc, dòng giống được chào bán tràn lan với giá hàng chục triệu đồng. Trong đó, những con được cho là dòng thuần chủng, giống ngoại, hiếm có giá rao bán lên tới trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng.

Song để nhận biết được nguồn gốc cũng như giá trị thật của loài thú cưng này chẳng hề đơn giản. Bởi cơ chế nhập chó ngoại về Việt Nam chính ngạch còn khá lỏng lẻo trong khi nhiều thương lái lách luật đẩy giá lên cao.  

Anh Thanh Tùng (Hà Nội), một tay buôn chó ngoại đã nghỉ hưu 2 năm nay cho biết, giống chó ngoại xịn nhập được đưa về Việt Nam rất ít, phần lớn là giống lai, về theo đường tiểu ngạch. Theo anh, đa số dân buôn chó phải sang Trung Quốc mua.

Chó không giấy tờ được đưa về Việt Nam như thế nào?
Để đưa chú chó ngoại về Việt Nam chủ nhân của nó chỉ cần chi vài triệu đồng thuê cửu vạn dắt theo đường hành lý hoặc qua đèo vùng biên. Ảnh minh họa: Ngọc Lan.


Theo anh Tùng, các tỉnh như Chiết Giang, Quảng Tây... có rất nhiều chợ chó với thượng vàng hạ cám giống loài. Từ chó ở Đức, Anh, Nga, Nhật... như Poodle, Husky, Alaska, Husky, Sam Moy... với mức giá chỉ 300-7.000 tệ, khoảng 1- 25 triệu đồng.

Tại đây, chó giá rẻ thường là loại không giấy tờ, không rõ nguồn gốc và có cả hàng loại (những con nhỏ, xấu, yếu hoặc dị tật) từ các trang trại thải ra. Để kiếm lời, thương lái chủ yếu mua những loại giá rẻ và làm giấy khai sinh giả để nâng giá bán ở Việt Nam. Dịch vụ làm giấy tờ giả được làm từ ngay những người buôn tại chợ.

"Có nhiều cách làm giấy khai sinh giả. Thông thường, người buôn sẽ lấy giấy khai sinh của một con chó cùng loại đã chết cho con còn sống. Hoặc họ có thể làm giả dấu của những Hiệp hội chứng nhận như Hiệp hội chó thế giới (FCI)  hoặc Hiệp hội chó Mỹ (AKC). Mỗi bộ hồ sơ có giá 2-3 triệu đồng", anh cho hay.

Thường sang Trung Quốc 3-4 lần mỗi năm để mua chó tại các trang trại, anh Kỷ, một người chơi chó ở Việt Nam cho biết, muốn mua chó "nghiêm" phải vào tận các trang trại có tiếng và uy tín. Chó tại đây thường có nguồn gốc rõ ràng, bố mẹ là những con thuần chủng và đã được chứng nhận bởi các hiệp hội. Song mức giá chó tại trang trại đất gấp 5-20 lần so với chó tại chợ - chủ yếu là hàng thải, loại, thậm chí có cả chó trộm.

Anh Kỷ cho biết, việc đưa chó về Việt Nam qua thông quan tương đối khó khăn. Vì lẽ đó, để né thuế, người chơi thuê cửu vạn ở khu vực biên giới dắt chó về Việt Nam theo kiểu hành lý. Ngoài ra, những con có cân nặng lớn, giấy tờ không rõ ràng thường dắt theo đường đèo. Giá dịch vụ cho mỗi chú cho qua biên giới về Việt Nam chỉ vài tệ.

Cũng từng đôn đáo mất hơn 1 tháng trời mới đưa được chú chó cưng từ Mỹ về Việt Nam, chị Nguyễn Thanh Thùy (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, thủ tục xuất - nhập chó cảnh về Việt Nam rất rườm rà, đặc biệt qua hàng không.

Theo đó, trước khi cho thú cưng về nước, chị Thùy phải chuẩn bị rất nhiều loại giấy tờ như giấy phép xuất, nhập, quá cảnh, giấy chứng nhận kiểm dịch, giấy chứng nhận tiêm phòng dịch tại nước sở tại. Trong đó, giấy kiểm dịch động vật chỉ có giá trị trong vòng 24 giờ trước khi bay nên chị Thùy từng phải vật lộn vì đi đúng vào ngày chủ nhật.

Nhà bay yêu cầu rất khắt khe về kích cỡ lồng phù hợp, chất liệu phù hợp, có khóa bảo vệ và đáy chống thấm. Ngoài ra, chị Thùy phải chuẩn bị đồ ăn, nước uống cũng như phụ kiện cho thú cưng và gửi thêm phí cho nhân viên chăm sóc trong suốt quá trình bay.

Theo chị Thùy, để mua được thú cưng thuần chủng, có giấy tờ rõ ràng cũng như lịch tiêm phong đúng quy định ở Việt Nam là rất khó. Song nếu có thì rất đắt đỏ, giá đội gấp 10-20 lần so với mua tại nước sở tại. Bên cạnh đó, thông thường những dòng chó nước ngoại bán trong nước, với mức giá trung bình chủ yếu là dòng lai, bộ lông cũng như đặc tính bị thuần khá nhiều, rất khó đào tạo.

Cũng vì thế, thay vì mua chó ở Việt Nam, chị Thùy vẫn cố gắng để đưa thú cưng về nước dù phải chạy vạy với các thủ tục giấy tờ cũng như chi một khoản tương đối lớn. 

Theo Zing


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.