Nhặt tiền lẻ DN nước ngoài hay chuyện há miệng mắc quai

‘Nhiều khi chính vì tham nhũng, ăn hối lộ của người ta rồi ‘há miệng mắc quai’ để cho họ muốn làm gì thì làm.

‘Nhiều khi chính vì tham nhũng, ăn hối lộ của người ta rồi ‘há miệng mắc quai’ để cho họ muốn làm gì thì làm. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài họ cũng đã nói là phải trả giá để nhận được ưu đãi. Phải nói thẳng là chúng ta dễ dãi và dành quá nhiều ưu đãi trong khi nhiều DN nước ngoài không thực hiện những cam kết của họ’.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành viên của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng đã chia sẻ với PV xung quanh câu chuyện có nên ồ ạt hút nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để nhận tiền lẻ và trở thành bãi rác công nghệ.

Phải biết nói không với những dự án kém hiệu quả

PV: - Thưa bà, sau 25 năm Việt Nam tích cực thu hút đầu tư nước ngoài nhưng kết quả như báo cáo thuế cho biết thì chúng ta chỉ đang nhặt tiền lẻ từ các doanh nghiệp này trong khi tự biến mình thành bãi rác công nghệ, thành thị trường tiêu thụ các loại sản phẩm sa xỉ.... Thu hút đầu tư nước ngoài đương nhiên là việc cần phải làm để thúc đẩy nền kinh tế, nhưng theo bà có nên cân đối lại việc ưu tiên cho những ngành nào và chặt chẽ với ngành nào để tránh hậu quả như trên?

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: - Thời gian qua những dự án đầu tư có vốn nước ngoài trực tiếp vào Việt Nam luôn được hoan nghênh, mà không cần biết là những dự án đó bên cạnh việc mang vốn vào thì nó còn có những hệ quả xấu cho nền kinh tế hoặc cho đất nước.

Ví dụ như làm hao tổn tài nguyên, tiêu thụ nhiều năng lượng, mang công nghệ cũ kỹ, lạc hậu vào rồi gây ô nhiễm môi trường. Hay như việc sử dụng nhân công giá rẻ thì cứ giá rẻ hoài. Càng ngày càng ép làm cho người lao động không còn chỗ thở.

Biết bao nhiêu vấn đề trong đầu tư trực tiếp nước ngoài nhưng trong thời gian vừa qua quả thực lúc đầu mới mở cửa thì cần thu hút các dự án đầu tư. Nhưng chính thời gian đó còn có sự sàng lọc, có sự thẩm định để quyết định chấp nhận dự án nọ, không chấp nhận dự án kia.

Thế nhưng sau này khi phân cấp cho các địa phương thì xảy ra tình trạng các địa phương tranh nhau quá xá, ganh đua nhau để thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi giá. Vả lại trình độ của các địa phương về thẩm định các dự án kinh tế cũng không cao.

Có địa phương không có được kênh của mình để xem đối tác là ai, năng lực như thế nào, hay dự án của họ tính chất như thế nào, rồi trình độ công nghệ đến đâu, khả năng gây ô nhiễm môi trường ra sao…

Bà Phạm Chi Lan, có tình trạng khi phân cấp cho các địa phương thì xảy ra tình trạng các địa phương tranh nhau quá xá, ganh đua nhau để thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi giá
Bà Phạm Chi Lan, có tình trạng khi phân cấp cho các địa phương thì xảy ra tình trạng các địa phương tranh nhau quá xá, ganh đua nhau để thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi giá

Tất cả những vấn đề này nhiều địa phương thực sự không có khả năng làm việc đó. Trong khi bộ máy trung ương gần như buông cho các địa phương theo cách là giao thẩm quyền cho người ta.

Vì vậy cho nên gây ra những vấn đề như vừa nêu trên.

Tổng kết lại cho thấy ngay cả những dự án mang danh là công nghệ cao thì trên thực tế không hẳn là họ mang công nghệ cao vào chuyển giao cho mình mà chỉ có lĩnh vực của họ là lĩnh vực công nghệ cao nhưng làm ở Việt Nam thì cũng là khâu lắp ráp cuối cùng. Do vậy nhiều khi giá trị gia tăng rất thấp không có gì đáng kể cả.

Tôi nghĩ rằng đó là những vấn đề của đầu tư FDI trong thời gian vừa qua.

Tôi nghĩ rằng thời gian tới phải có sự chỉnh đốn lại.

Tôi đồng ý với phương hướng là chúng ta thu hút nhiều công ty đa quốc gia. Những công ty lớn, họ có tiềm năng lớn. Thường những công ty lớn họ cũng có hệ thống quản trị tốt. Cam kết bảo vệ môi trường cao trên phạm vi toàn cầu.

Với những đối tượng như vậy thì chúng ta nên quan tâm thu hút họ vào. Vả lại những dự án của họ thì có ý nghĩa bởi thường khi họ đi vào là mang theo cả hệ thống. Từ đấy giúp kết nối nền kinh tế Việt Nam với các nền kinh tế khác, khai thác thị trường bên ngoài.

Tôi nghĩ giờ là lúc biết nói không, biết từ chối những dự án nào không còn thấy phù hợp với yêu cầu của mình. Đặc biệt là về góc độ môi trường theo nghĩa rộng là tiêu hao tài nguyên, năng lượng. Một mặt là gây ô nhiễm môi trường. Cả hai cái này cần phải tránh và phải cương quyết biết rằng mình cần đến đâu chứ không phải bất cứ cái nào muốn vào cũng chấp nhận.

PV: - Với chính sách ưu đãi cho các dòng vốn ngoại vào Việt Nam, theo bà, nếu không cân đối tính toán ở tầm vĩ mô thì có gây xung đột với các DN trong nước? Với cùng một ngành hàng mà cả DN ngoại và DN cùng tham gia sản xuất thì nguy cơ các DN nội bị lép vế và teo biến là khó tránh khỏi, bà nghĩ sao về điều này?

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: - Tôi nghĩ chuyện này mình cũng tính toán một phần nhưng cũng phải dung hòa hai khía cạnh. Một là phải thấy sự cần thiết để tạo cạnh tranh hoặc là có các doanh nghiệp nước ngoài tham gia để cùng thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam cải thiện khả năng cạnh tranh. Tận dụng các kênh hợp tác với họ chứ không phải chỉ coi họ là đối thủ cạnh tranh, đối nghịch với mình. Đây cũng là điều rất quan trọng các doanh nghiệp phải tận dụng.

Trên thực tế cũng có những doanh nghiệp đã tận dụng được, cùng đi và phát triển được với các nhà đầu tư nước ngoài.

Ví dụ như trong lĩnh vực dịch vụ chẳng hạn. Chúng ta có thể thấy rất nhiều dịch vụ kinh doanh ở Việt Nam phát triển được là nhờ có nhu cầu lớn của các nhà đầu tư nước ngoài. Và chúng ta có những DN nổi lên và càng ngày càng phát triển tốt hơn qua con đường đó.

Hay là cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng chẳng hạn. Các DN nước ngoài cũng đã góp phần nhất định làm cho hệ thống ngân hàng của mình phát triển mà chịu khó đi theo những hướng như sử dụng công nghệ thông tin; phát triển các dịch vụ ngân hàng khác nhau; nâng cấp hoạt động nghiệp vụ ngân hàng…

Tôi nghĩ có nhiều mặt có họ vào cạnh tranh mang ảnh hưởng tích cực cho nền kinh tế chứ không có nghĩa lúc nào họ vào cũng là tiêu diệt DN của mình.

Thế còn trong cạnh tranh đó để kiểm soát được như thế nào cho nó lành mạnh thì theo tôi đấy là điều cần thiết.

Tức là kiểm soát cả về hai phía đối với đầu tư nước ngoài cũng như đầu tư trong nước để tránh tình trạng  rơi vào điểm cực đoan khi ủng hộ nhiều quá các nhà đầu tư trong nước mà che chắn nhiều quá không tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài thì DN khác lại thu thiệt.

Ví dụ trong thu hàng nông sản chẳng hạn. Nếu chỉ có các DN Việt Nam thì nó không mang lại lợi ích cao cho nông dân. Nếu có những người khác cùng tham gia cũng đầu tư vào nông nghiệp; hoặc ứng cho nông dân, có hướng dẫn tốt, nông dân cải thiện được chất lượng sản phẩm, nâng cao được năng suất và họ có kênh tiêu thụ tốt hơn.

Tôi cho rằng phải nghĩ cả hai góc độ đó.

Còn trong từng lĩnh vực cụ thể như thế nào thì đó là việc mà cơ quan nhà nước có trách nhiệm phải có sự tính toán và cũng phải có cách minh bạch trong việc này.

Làm ngược?

PV: - Chúng ta thường nhân danh vấn đề tạo công ăn việc làm cho người lao động để duyệt các dự án ngoại cùng những ưu đãi đặc biệt đi kèm. Điều này có nghĩa chúng ta đang khoán trắng cho các DN 100% vốn ngoại này thực hiện vấn đề công ăn việc làm cho người dân. Như thế có hợp lý không khi mà thực tế thì các công đoàn xã hội ở các doanh nghiệp ngoại này không thể hoạt động được?

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: - Đúng thế. Tôi thì không tán thành cái cách mà ưu tiên quá mức cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Ở nước ta lâu nay đã hình thành sự phân biệt đối xử. Thứ nhất là gần như ưu tiên muốn gì được nấy cho các DN nhà nước, thứ hai là đến các nhà đầu tư nước ngoài về đất đai, mặt bằng, ưu đãi thuế…

Phải nói thẳng là chúng ta dễ dãi và dành quá nhiều ưu đãi trong khi nhiều DN nước ngoài không thực hiện những cam kết của họ.

Theo Luật Đầu tư 2005, ý tưởng chung là chuyển từ cơ chế ưu đãi đầu tư trước để cho họ vào sang thành chế độ hậu ưu đãi. Nghĩa là khi họ vào Việt Nam thực hiện những cam kết rồi mới cho ưu đãi. Thế nhưng chúng ta lại làm ngược. Để rồi như trong ngành ô tô, rút cục có DN nào nội địa hóa được đến 10% đâu. Thế mà họ vẫn ung dung hưởng những lợi ích mà chúng ta dành cho họ.

Hay như cam kết về xuất khẩu, nhiều DN trên thực tế không xuất khẩu như đã cam kết.

Hay như chuyện bảo vệ môi trường cũng vậy, nhiều DN không tuân thủ cam kết mà chúng ta cũng không trừng phạt và không có cách gì để làm rõ vấn đề.

Như câu chuyện của DN bột ngọt Vedan năm trước là một ví dụ điển hình. Rút cục về sau là phải dùng sức ép từ phía người tiêu dùng, tẩy chay sản phẩm thì người ta mới chịu nộp phí về môi trường. 

Đó là những chuyện vô lý. Thành ra nhà nước phải rút kinh nghiệm trong chuyện này. Phải nghiêm túc nhìn nhận và bản thân các cơ quan nhà nước phải nâng trình độ và nâng cao đạo đức của mình.

Nhiều khi chính vì tham nhũng, ăn hối lộ của người ta rồi ‘há miệng mắc quai’ để cho họ muốn làm gì thì làm. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài họ cũng đã nói là phải trả giá để nhận được ưu đãi.

Nếu cứ theo cách này thì không được. Dành ưu đãi thái quá sẽ không hợp lý nhất là bây giờ không phải là giai đoạn Việt Nam quá cần đến mức cứ nhất thiết nhà đầu tư nào cũng cho ưu đãi để vào mà phải chọn lọc.

Việc ưu đãi quá nhiều mà Việt Nam không được lợi  bao nhiêu mà chỉ mang danh có hàng này, hàng kia xuất khẩu thì cái đó không nên.

Tôi nghĩ bây giờ là lúc phải ưu tiên nhiều hơn cho các nhà đầu tư trong nước để hình thành nền công nghiệp của Việt Nam, các DN có đủ sức mạnh cạnh tranh.

Phải đặt doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vào quá trình tái cơ cấu

PV: - Theo bà, việc cân đối các dòng vốn ngoại này cần phải được gắn với tái cấu trúc kinh tế mà chúng ta đang thực hiện như thế nào để tránh mắc phải sai lầm mà hệ quả của nó là: lãi thấp, mất thị trường, các ngành kinh tế cơ bản teo tóp, các DN nội không thể phát triển được?

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: - Theo tôi cũng nên đặt vị trí vừa phải cho các nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình tái cơ cấu, đặc biệt là trong những ngành chúng ta thực sự cần thiết nhưng mà chưa có năng lực để có thể tự mình xây dựng được.

Ví dụ như hướng về công nghệ cao chúng ta mong muốn nhưng tự mình chưa làm được bao nhiêu. Còn những ngành công nghiệp bình thường mà DN trong nước làm được thì không nên có ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài mà chỉ nên khuyến khích số đang làm để họ làm tốt hơn.

Ngoài ra cũng cần hỗ trợ để các DN Việt Nam bật lên, tránh tình trạng dần dần các ngành công nghiệp Việt Nam dần dần rơi hết vào bàn tay khống chế của các DN nước ngoài.

Ví dụ như hiện nay các DN nước ngoài chiếm tới 65% lượng xuất khẩu, trong khi các DN Việt Nam thì cứ tụt hoài xuống kể cả trong những ngành tương đối đơn giản như dệt may, da giày…

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Theo Đất Việt


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.