Những "người hùng" rớt đài

Dám mạo hiểm, tự tin, kiêu hãnh, lãnh đạo bằng cá tính - Đó có thể là phẩm chất để đưa các CEO tới thành công. Nhưng ngược lại, nếu thiếu tỉnh táo thì chúng cũng có thể trở thành những "gót chân Achilles" quật ngã những người hùng một thời vào bất kỳ lúc nào.

Thăng trầm cùng sòng bạc Sheldon Adelson

Năm 2008, Sheldon Adelson, ông chủ đồng thời là CEO của công ty kinh doanh sòng bạc Las Vegas Sands, là người giàu thứ 3 nước Mỹ. Tài sản của ông lên tới 26,5 tỷ đôla, chỉ thua tỷ phú phần mềm Bill Gates và vị trượng nhân đầu tư chứng khoán Warren Buffet. Một năm sau đó, tài sản của Adelson còn vỏn vẹn 3,4 tỷ đô la. Từ vị trí người giàu thứ 12 trên thế giới, ông tụt xuống thứ 178 trong số những người giàu nhất hành tinh.

Là con trai một người lái xe taxi, Adelson đã bắt đầu kinh doanh bằng nghề bán báo từ năm 12 tuổi với số tiền 200 đôla vay của người chú. Ông bỏ dở đại học để trở thành phóng viên và trải qua nhiều nghề khác nhau trước khi trở thành nhà kinh doanh sòng bạc. Năm 1988, trong khi đang rất thành công trong ngành máy tính, Adelson "đổ bộ" vào Las Vegas bằng phi vụ mua tổ hợp khách sạn - sòng bạc Sands Hotel & Casino với giá 128 triệu đôla.

Năm 1991, trong chuyến du lịch tới Venice cùng vợ, Adelson lại nảy ra một ý tưởng kinh doanh tuyệt vời. Trở lại Las Vegas, ông quyết định đập đi toàn bộ khách sạn của mình và bỏ ra 1,5 tỷ đôla để xây một trung tâm sòng bạc và khách sạn khổng lồ có dáng dấp của thành Venice huyền thoại. Quần thể khách sạn cực kỳ sang trọng và đắt tiền này đã tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp giải trí ở Las Vegas và được vinh danh như một trong những khách sạn tốt nhất thế giới.

Hiện nay, quần thể khách sạn Venetian ở Las Vegas có hơn 4.000 phòng cao cấp, 18 nhà hàng nổi tiếng, một khu mua sắm nằm cạnh những con kênh, những chiếc thuyền gondola và những người chèo thuyền.

Sheldon Adelson đã phải trả giá rất đắt cho những tính toán sai lầm của mình

Thành công vang dội ở Las Vegas chỉ là niềm cảm hứng để Adelson tiếp bước. Năm 2004, Adelson quyết định mang Las Vegas tới châu Á khi xây dựng sòng bạc Sands Macau mang phong cách Las Vegas với diện tích khổng lồ gần 100 ngàn mét vuông tại Macau, Trung Quốc.

Chỉ trong vòng 1 năm, Adelson đã thu lại vốn của mình và tới năm 2007, tài sản của ông đã tăng lên 14 lần so với trước khi quyết định mở sòng bạc ở Macau. Từ vị trí một người không có tên tuổi trong giới tỷ phú, chỉ trong vòng vài năm, Sheldon Adelson đã sánh vai cùng các tỷ phú nổi tiếng và lão luyện như Warrant Buffet và Bill Gates.

Phấn khởi trước những thành công liên tiếp, Adelson tiếp tục đổ tiền vào châu Á với hy vọng xây dựng Macau trở thành trung tâm cờ bạc của cả thế giới. Năm 2006, ông đầu tư hơn 3 tỷ đôla để xây dựng một sòng bạc ở Singapore. Năm 2007, ông khai trương khách sạn Venetian Macao có trị giá 2,4 tỷ đôla ở Macau.

Dưới sự lãnh đạo của ông, công ty Las Vegas Sands dự định sẽ tiếp tục đầu tư 12 tỷ đôla và xây một tổ hợp khách sạn có tới 2 vạn phòng nghỉ ở Macau cho tới năm 2010. Những tưởng vận may của ông sẽ là vô tận và tham vọng vượt qua Bill Gates để trở thành người giàu nhất thế giới của con người kinh doanh trên những ván bài và những viên xúc xắc sẽ không còn bao xa.

Nhưng đến đây thì thần may mắn đã không còn mỉm cười với ông. Cơn địa chấn của suy thoái kinh tế đã làm gia sản của ông suy sụp nhanh chóng. Trong thời kinh tế suy thoái, có mấy ai còn có hứng thú để tới Las Vegas hay Macau đánh bạc?

Giá trị cổ phiếu của công ty Las Vegas Sands đã tụt dốc không phanh, mất tới 95% thị giá trong năm 2008 khi người tiêu dùng phải thắt lưng buộc bụng nhằm đối phó với suy thoái, và tránh xa sòng bạc của Adelson ở Las Vegas, ở Macau vắng hiu hắt thì những khoản tiền khổng lồ được ông trùm này đã đổ vào các sòng bạc và khách sạn ở những nơi này cũng không thể thu hồi.

Cơn bão suy thoái kinh tế đã khiến Adelson suy sụp. Sai lầm của Sheldon Adelson là đã đánh giá lạc quan tình hình kinh tế thế giới để thực hiện những vụ đầu tư khổng lồ vào các casino, cho dù tại thời điểm năm 2007, đã có những tín hiệu xấu về kinh tế thế giới và lượng khách tới Las Vegas đã bắt đầu giảm sút.

Trong khi đó, ngành kinh doanh casino lại nhạy cảm với sự thịnh vượng của nền kinh tế hơn hết: kiếm bẫm tiền thời thịnh vượng nhưng lại tan nát khi kinh tế khủng hoảng. Sheldon Adelson đã phải trả giá rất đắt cho những tính toán sai lầm của mình. Giờ đây, "đối thủ" lớn nhất của Adelson không phải là Bill Gates mà là chủ các ngân hàng đang tìm cách xiết nợ công ty Las Vegas Sands.

Nhưng dù sao, Sheldon Adelson vẫn chưa bị quật ngã. Ông già 75 tuổi này vẫn tin tưởng mình sẽ vượt qua được khó khăn và sẽ quay trở lại, bành trướng đế chế cờ bạc của mình khi kinh tế thế giới hồi phục trở lại.

Thiên tài Internet = CEO tồi nhất

Nhắc tới Jerry Yang, có lẽ không mấy người dùng Internet lại không biết đến. Jerry Yang là một trong những huyền thoại sống của kỷ nguyên Internet, một bằng chứng hiển hiện cho "giấc mơ Mỹ" và những phép lạ trong kỷ nguyên máy tính. Là một người Mỹ gốc Đài Loan, Jerry Yang cùng người bạn là David Filo mở ra trang web yahoo năm 1995 trong khi đang học chương trình Tiến Sĩ tại Đại học Stanford. Ý tưởng sáng tạo nhất của Jerry Yang là tạo một cổng web (web portal), nơi người dùng có thể kiểm tra e-mail, tìm kiếm thông tin, đọc tin tức và nhận được nhiều tiện ích khác.

Những thử nghiệm nửa chừng, những kế hoạch liên kết nửa vời, thiếu chiến lược rõ ràng và khả năng sáng tạo nổi bật đã khiến Jerry Yang chỉ còn là người hùng dĩ vãng

Mặc dù là những người khởi lập Yahoo Inc, nhưng trong hơn 10 năm đầu thành lập, cả Jerry Yang và David Filo đều không đứng ra điều hành trực tiếp Yahoo Inc. do chưa có kinh nghiệm. Công việc của CEO do các chuyên gia quản lý chuyên nghiệp điều hành. Nhưng tới năm 2007, do nhiều sức ép, CEO lúc đó của Yahoo là Tery Semel đã phải ra đi nhường lại vị trí CEO cho Yang vào tháng 6/2007.

Lần đầu tiên nhận vị trí CEO, chắc hẳn Jerry Yang cũng kỳ vọng mình tiếp tục thành công trong vị trí quản lý, nối gót các huyền thoại vừa là thiên tài công nghệ, vừa là người quản lý xuất sắc như Bill Gates hay Steve Jobs.

Nhưng thật không may, thiên tài Internet chưa chắc đã thành công khi điều hành kinh doanh. Chỉ không đầy nửa năm sau khi tiếp nhận vị trí CEO, Jerry Yang đã phạm phải một sau lầm cực lớn mà không ít nhà bình luận cho rằng đó là một trong những quyết định kinh doanh tồi tệ nhất từng có. Ông từ chối đề nghị mua lại Yahoo của Microsoft với giá 33 đôla một cổ phiếu, với tổng số tiền khổng lồ lên tới 45 tỷ đôla.

Lý do Jerry Yang đưa ra: Microsoft đã định giá Yahoo quá thấp. Thay vì sát nhập với Microsoft, Jerry Yang chọn cách liên kết với đối thủ Google nhưng chỉ sau vài tháng, Google đã rút lui. Quyết định này của Jerry Yang khiến cho ông được mệnh danh là CEO tồi nhất trong ngành công nghệ năm 2008.

Nhiều nhà bình luận đều cho rằng cái giá mà Microsoft đặt ra cho Yahoo là quá hời trong điều kiện Yahoo gặp không ít khó khăn trong kinh doanh trước các đối thủ như Google và Microsoft. Tháng 1/2008, Yahoo đã phải giảm 1.000 nhân viên trong số 14.000 nhân viên của mình do thiệt hại khi cạnh tranh với Google.

Trong bối cảnh đó, quyết định của Jerry Yang thực sự là một cú sốc trên thị trường. Cổ phiếu của Yahoo đã rớt giá nhanh chóng sau khi Jerry Yang từ chối đề nghị của Microsoft. Cho tới tháng 11 năm 2008, giá cổ phiếu của Yahoo chỉ còn là 8,94 đôla/ cổ phiếu, chưa bằng 30% giá mà Microsoft từng chào mua. Do sức ép của các cổ đông, tháng 11/2008, Jerry Yang đã phải tuyên bố từ chức CEO sau chỉ hơn 1 năm ở cương vị này.

Thị trường đã phản ứng rất tích cực trước việc ra đi của Jerry Yang. Chỉ sau một ngày khi tin Jerry Yang từ chức, giá cổ phiếu của Yahoo đã tăng lên 1,68 đôla trên một cổ phiếu, khiến thị giá công ty này tăng thêm 2 tỷ đôla.

Thất bại của Yahoo Inc. cũng kéo theo sự sa sút trong tài sản cá nhân của Jerry Yang. Nếu như đầu năm 2008, Yang có 2,3 tỷ đôla thì tới đầu năm 2009, tài sản của ông chỉ còn 1,1 tỷ đôla.

Sai lầm của Jerry yang có lẽ ở sự quá tự tin vào khả năng quản lý của mình, đánh giá cao giá trị công ty mình và không phán đoán được các diễn biến thị trường phức tạp. Mặt khác Jerry Yang cũng không đưa ra được một chiến lược nào rõ ràng cho Yahoo trong tương lai để có thể cạnh tranh với Google, Microsoft, Facebook, Amazon... Những thử nghiệm nửa chừng, những kế hoạch liên kết nửa vời, thiếu chiến lược rõ ràng và khả năng sáng tạo nổi bật đã khiến Jerry Yang chỉ còn là người hùng dĩ vãng.

CEO tồi nhất trong lịch sử

Tháng 4/2009, kênh truyền hình Mỹ CNBC tiến hành chọn ra 20 CEO tồi nhất trong lịch sử. Người đứng đầu danh sách này là Dick Fuld, CEO của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers. Chính Fuld là người đã đặt thòng lọng lên cổ Lehman Brothers, một trong những ngân hàng đầu tư lâu đời nhất thế giới. Sự sụp đổ của Lehman Brothers cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến những hiệu ứng lây lan và khiến nền tài chính toàn cầu rơi vào khủng hoảng.

Dick Fuld được coi người đã đặt thòng lọng lên cổ Lehman Brothers, tuy nhiên khi Lehman Brothers bị phá sản Fuld vẫn tỏ ra hiếu chiến và không biết ăn năn

Lehman Brothers là một trong "tứ đại gia" trong ngành ngân hàng đầu tư Mỹ, có tuổi đời 158 năm. Năm 1994, Dick Fuld trở thành CEO của Lehman Brothers khi 48 tuổi, sau 25 năm làm việc tại hãng này. Dưới "triều đại" của Dick Fuld, chiến lược đầu tư của Lehman Brothers có những thay đổi đáng kể. Với cá tính hăng hái, thậm chí là hiếu chiến, Fuld đã định hướng để Lehman Brothers tăng doanh thu bằng mọi giá với các chiến lược đầu tư mạo hiểm. Để có vốn tiến hành đầu tư, Dick Fuld tăng cường vay mượn. Tỷ lệ nợ trên vốn (leverage) của Lehman có lúc lên đến 32 lần, có nghĩa là tương ứng với một đôla nằm trong kết quả của Lehman Brothers thì có tới 32 đôla là tiền đi vay. Tỷ lệ này cao hơn đáng kể so với các ngân hàng đầu tư khác như Merrill.

Với số tiền vay mượn này, Lehman nhanh chóng đổ vào lĩnh vực sinh lợi cao nhưng cũng nhiều rủi ro là kinh doanh bất động sản. Chẳng mấy chốc, Lehman đã trở thành "tay chơi" hùng hổ nhất trên thị trường nhà ở cầm cố dưới chuẩn (subtime - mortgage market). Không những thế, hãng này còn bỏ ra những khoản đầu tư khổng lồ để trực tiếp kinh doanh bất động sản. Đầu tư mạo hiểm bất chấp rủi ro đã khiến Lehman Brothers trở thành ngân hàng đầu tư dễ đổ vỡ nhất khi thị trường bất động sản đóng băng và các khoản cho vay cầm cố dưới chuẩn trở nên khó thu hồi.

Trong khi ngày càng đưa công ty vào vũng lầy đầu tư nhiều rủi ro thì bên trong công ty, Dick Fuld cũng xây dựng một thứ văn hóa công ty mang tính bè cánh. Ông ta đòi hỏi sự tuyệt đối tuân phục của các nhân viên dưới quyền và sa thải những người có ý tưởng không giống ông về định hướng phát triển Lehman.

Với những người còn lại thuộc "phe mình", Fuld ban thưởng rộng rãi bằng những khoản tiền thưởng kếch xù được trả dưới dạng cổ phiếu. Bằng cách đó, Fuld tạo động lực để các nhân viên gắng làm tăng giá cổ phiếu bằng cách tăng doanh số, cho dù từ những khoản đầu tư rủi ro. Tất nhiên, trong khi đó, Fuld cũng không quên tiền thưởng của mình. Trong 8 năm lãnh đạo Lehman, Fuld "ẵm về" gần nửa tỷ đôla. Năm 2007, chỉ một năm trước khi Lehman sụp đổ, bản thân Fuld nhận được hơn 22 triệu đôla bao gồm tiền lương, tiền thưởng và cổ phiếu thưởng.

Đối với thế giới bên ngoài, Fuld cũng có một tâm thế "hiếu chiến". Ông ta coi "mỗi ngày là một trận chiến. Anh phải tiêu diệt kẻ thù. Bằng không, chúng sẽ giết anh". Thái độ hiếu chiến đó khiến Dick Fuld quyết đưa Lehman ra khỏi vị trí thứ tư trong các ngân hàng đầu tư Mỹ bằng mọi giá.

Nhưng cái gì cũng có giá của nó. Một nguyên tắc cơ bản nhất trong ngành tài chính lợi tức cao thì rủi ro càng lớn. Và khi thị trường nhà ở cầm cố dưới chuẩn rơi vào tính trạng khó khăn, khi các khoản cho vay nhiều rủi ro không thu hồi được vốn thì Lehman Brothers cũng đứng trước nguy cơ phá sản. Thế nhưng Dick Fuld vẫn tỏ ra bướng bỉnh và không chịu tin rằng mình sai.

Ngay cả khi công ty đang trên bờ vực phá sản, Dick Fuld vẫn tin rằng mình sẽ vượt qua khó khăn mà không cần tiến hành các biện pháp cần thiết nhằm giảm thiểu nguy cơ và thu hồi phần nào vốn. Chỉ tới khi Lehman thực sự chuẩn bị phá sản, Dick Fuld mới bàng hoàng kêu gọi chính phủ Mỹ cứu trợ.

Với việc chính phủ Mỹ quyết định không bỏ tiền thuế của dân vào để cứu trợ Lehman Brothers, hãng này đã tuyên bố phá sản tháng 9/2008, chấm dứt gần 158 năm lịch sử của mình. Vụ phá sản của Lehman Brothers, với tổng số nợ lên tới 6,7 tỷ đôla. Vụ phá sản của Lehman đã khiến cả hệ thống tài chính toàn cầu rung động. Ở Mỹ, các tập đoàn tài chính AIG phá sản, Citigroup phải nhận cứu trợ của chính phủ, Goldman Sachs và Morgan Stanley chấm dứt cuộc đời "ngân hàng đầu tư" để chuyển sang thành ngân hàng thông thường.

Giới truyền thông Mỹ CNN coi Fuld là một trong 10 thủ phạm của cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ. Tờ Time cũng coi ông ta là một trong 25 thủ phạm gây ra khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong khu đó Dick Fuld vẫn khăng khăng khẳng định mình không hề mắc sai lầm mà tất cả đều do thị trường đã không đánh giá được đúng tiềm lực của Lehman Brothers và năng lực của ông ta.

Sự "cứng đầu" này của Fuld là một phần nguyên nhân khiến kênh truyền hình CNBC đã coi Fuld là CEO tồi tệ nhất trong lịch sử. Theo lời của kênh CNBC " kể từ khi nộp hồ sơ vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ (với tổng số nợ lên tới 613 tỷ đôla), Fuld vẫn tỏ ra hiếu chiến và không biết ăn năn. Trong khi thậm chí cả (trùm lừa đảo) Bernie Madoff cũng còn biết nói lời xin lỗi".

Theo Linh Vũ



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.