Nước có ga tăng giá, tiệc cưới chuyển hướng rượu bia?

Nước ngọt, thức uống phổ biến trong các dịp lễ lạt, cưới xin, tiệc tùng có thể trở thành ‘của hiếm’ khi mà mặt hàng này tăng giá sau khi bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Đến lúc ấy, rượu bia có thể thừa dịp ‘lên ngôi’.

Nước ngọt, thức uống phổ biến trong các dịp lễ lạt, cưới xin, tiệc tùng có thể trở thành ‘của hiếm’ khi mà mặt hàng này tăng giá sau khi bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Đến lúc ấy, rượu bia có thể thừa dịp ‘lên ngôi’.

Trong Hội nghị góp ý Dự án Luật Sửa đổi, Bổ sung một số điều của Luật Thuế TTĐB, ông Đặng Quyết Thắng - Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng lo ngại, khi nước ngọt có ga không cồn bị đưa vào danh mục chịu thuế TTĐB, người tiêu dùng có thể thay đổi từ thức uống phổ thông này sang thức uống truyền thống của người Việt trong các dịp vui là rượu bia.


TS. Đặng Quyết Thắng - Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam

Ông Thắng nói: Ở những đám cưới, tiệc tùng ở nông thôn người ta đang chuyển sang dùng nước ngọt thay thế rượu bia. Nếu nước ngọt đắt lên, người ta sẽ chuyển sang uống cái gì? Khi người ta uống rượu, bia, có hại hơn rất nhiều.

Tăng giá, 74% người dùng đổi đồ uống


Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc công ty TNHH Tân Quang Minh cho biết, mặt hàng nước giải khát rất nhạy với giá cả thị trường. “Nhiều doanh nghiệp sau khi tăng giá 4% có thể giảm tiêu thụ 10-12% và việc mất thị phần tiêu thụ rất khó phục hồi lại”, ông nói.

Tính toán của CIEM cho thấy, với mặt hàng nước ngọt có ga, mức tiêu thụ co giãn mạnh với sự thay đổi của giá. Giá chỉ cần tăng 1%, lượng cầu sẽ giảm 2,8%. Nếu áp mức thuế 10%, lượng cầu sẽ giảm 28%.

74% số người được Epinion khảo sát trong tháng 4/2014 đã trả lời rằng: chắc chắn họ sẽ chuyển sang một thứ đồ uống khác khi nước ngọt có ga tăng giá.

Chị Quyên (Hưng Yên) cho biết, nếu cứ tăng giá bán mặt hàng nước ngọt có ga không cồn thì chắc chắn chị sẽ không dám mua để tiêu dùng nữa. Bởi lẽ, thu nhập của nhà nông bao năm nay vẫn thế nhưng giá tiêu dùng các mặt hàng lại cứ tăng vùn vụt. Mấy năm nay cứ xăng lên thì giá một mớ rau muống ở chợ cũng tăng. Một nhãn sữa tăng giá thì kéo theo hàng loạt các nhãn khác cũng đội giá. Bây giờ nếu nước ngọt có ga tăng giá, chắc gì các loại nước khác không mượn cơ mà tăng giá theo?”, chị nói.

Ông Hiến cũng chỉ ra: Khi sức tiêu thụ mặt hàng nước ngọt có ga sụt giảm sẽ kéo theo hàng loạt hệ lụy như: Doanh nghiệp cắt giảm sản xuất, việc làm; công nhân mất việc; nhà nước sẽ bị giảm bớt nguồn thu thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập doanh nghiệp.

Còn bà Trần Lê Hồng Vân, Giám đốc chuỗi cung ứng công ty CP TM&DV Cổng Vàng thì chia sẻ nỗi lo việc áp thuế sẽ ảnh hưởng tới thu nhập, việc làm của toàn bộ chuỗi cung ứng từ các đại lý đến nhà bán lẻ và các ngành công nghiệp hay thương mại phụ trợ.

Đồ uống nào sẽ lên ngôi?

Bà Vân cho rằng, khi giá nước ngọt có ga không cồn tăng, nhiều người tiêu dùng sẽ chuyển sang mua các sản phẩm nhập lậu để tránh chi phí, nguy cơ thất thu thuế cao hơn.

Một chuyên gia kinh tế phân tích, về nguyên tắc, khi một mặt hàng tiêu dùng đại trà có biến động về giá cả, ở đây nước ngọt có gas không cồn tăng giá 10%, thì phần đông người tiêu dùng sẽ chọn giải pháp dịch chuyển sang các mặt hàng thay thế không chịu thuế để cân bằng chi tiêu. Điều đáng lưu ý khi đa số các sản phẩm thay thế đều có hàm lượng đường (năng lượng) tương đương hoặc thậm chí cao hơn nước giải khát có gas.

Trong khi đó, ông Đặng Quyết Thắng còn chỉ ra một nguy cơ có hại hơn khi người dùng dịch chuyển sử dụng các loại đồ uống truyền thống được yêu thích trong các tiệc tùng, lễ lạt như rượu, bia.

Chị Oanh (Đông Hưng, Thái Bình), chủ đại lý bán lẻ cho biết, mới đầu mùa nóng, doanh số bia của cửa hàng đã gấp hơn chục lần doanh số nước ngọt. Mặt hàng này thường tiêu thụ bởi phụ nữ, trẻ em vốn uống ít hơn đàn ông nên nếu nước ngọt tăng giá, ít lãi vì nhà sản xuất cắt giảm hoa hồng, chị sẽ dồn vốn cho mặt hàng hút khách là bia rượu và các loại đồ uống khác.

Quốc hội nên cân nhắc kĩ

Theo kế hoạch Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TTĐB dự kiến sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2014) để thông qua.

Góp ý cho Dự án, luật gia Vũ Xuân Tiền cho rằng, cần bổ sung thêm quy định về tiêu chí xác định hàng hóa, dịch vụ thuộc diện “tiêu thụ đặc biệt” vì theo ông, “việc xác định danh mục hàng hóa chịu và không chịu thuế TTĐB còn mang tính áp đặt, thiếu sức thuyết phục”.

Đại diện cho ý kiến của người tiêu dùng, ông Thắng đề xuất Ban soạn thảo nên xem xét lại những căn cứ về việc nước ngọt có ga gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng và cân nhắc kĩ có nên áp dụng thuế TTĐB cho mặt hàng này vào thời điểm hiện tại hay không.

Khá nhiều phản hồi của người tiêu dùng trên các báo tán đồng quan điểm tăng thuế TTĐB với rượu, bia và nhưng cho rằng đánh thuế TTĐB lên nước ngọt có ga không là chuyện “nực cười” hoặc yêu cầu đã có thuế TTĐB thì nước ngọt loại nào cũng phải chịu cho công bằng.

Huyền My



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.