Siêu dự án hoành tráng tắt lịm, đại gia ngàn tỷ âm thầm thoát thân

Từng quảng bá như một điểm đến trong tương lai nhưng không ít siêu dự án nghỉ dưỡng đã nhanh chóng chìm vào lãng quên....

Từng quảng bá như một điểm đến trong tương lai nhưng không ít siêu dự án nghỉ dưỡng đã nhanh chóng chìm vào lãng quên do năng lực chậm triển khai của chủ đầu tư. Cái kết buồn cho những dự án này là dở dang và bị thu hồi.

Từ dự án khủng gặp khó

Năm 2018, UBND tỉnh Phú Thọ ký quyết định số 3206/QĐ-UBND về việc chấm dứt Dự án Khu đô thị sinh thái Du lịch nghỉ dưỡng Thể thao Tam Nông tại huyện Tam Nông (tỉnh Phú Thọ).

Theo quyết định, dự án này bị chấm dứt hoạt động và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư, đồng thời, UBND tỉnh Phú Thọ giao cho các sở, ban ngành liên quan phối hợp với chủ đầu tư để thực hiện và báo cáo kết quả lên UBND tỉnh. Sau nhiều năm triển khai, dự án chỉ tiến hành giải phóng mặt bằng được diện tích rất nhỏ với số tiền chỉ vài chục tỷ đồng.

Dự án Khu đô thị sinh thái - Du lịch - Nghỉ dưỡng Tam Nông từng gây xôn xao ở khu vực phía Bắc bởi quy mô dự án với tổng vốn đầu tư vào khoảng 5.800 tỷ đồng, diện tích 2.050 ha, thuộc địa bàn chín xã của huyện Tam Nông.

Siêu dự án hoành tráng tắt lịm, đại gia ngàn tỷ âm thầm thoát thân-1

Siêu dự án nghỉ dưỡng ở Phú Thọ

Dự án bao gồm một sân gofl 336 ha, khu biệt thự cao cấp 1 chiếm 340 ha, khu biệt thự cao cấp 2 chiếm 222 ha, khu resort chiếm 350 ha, trung tâm đô thị chiếm 152 ha, khu công viên vui chơi chiếm 105 ha, khu phức hợp thể thao chiếm 146 ha, sasino chiếm 107 ha, trường đua ngựa chiếm 144 ha...

Sau đầy tai tiếng, khu phức hợp giải trí HappyLand (nằm ở xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) đang tái khởi động. Năm 2011, Happyland có diện tích 338 ha khởi công, lộ trình 3 năm sẽ hoạt động, quy mô số một Đông Nam Á với kinh phí 2,2 tỷ USD.

Trong đó, công trình trung tâm là công viên với chủ đề Happyland, có kinh phí là 600 triệu USD, gồm các công trình, hạng mục đa dạng khác như khách sạn, khu mua sắm, trung tâm triển lãm, phim trường, trung tâm tiệc cưới, không gian văn hóa Việt Nam, chợ nổi, các nhà hàng, sân khấu trong và ngoài trời, khu đô thị,...

Từ năm 2016, Cục Thi hành án dân sự Long An cũng đã nhận nhiều quyết định ủy thác từ Cục Thi hành án dân sự TP.HCM đối với việc thi hành theo các bản án của công ty với số tiền 1.800 tỷ đồng nợ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Tháng 5/2017, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An đã thông qua kế hoạch cưỡng chế thi hành án để kê biên tài sản đối với Công ty Phú An. Sau đó, doanh nghiệp này xin tạm dời lại 2 tháng với lý do đang xúc tiến việc chuyển nhượng cổ phần của công ty.

Đến đầu tháng 8, công ty lại tiếp tục xin gia hạn đến cuối tháng để giải quyết nợ nần vì cho rằng đã ký được hợp đồng với một đối tác từ nước ngoài.

Đầu tháng 9, công ty này lại tiếp tục gia hạn lần nữa. Cục thi hành án nhận thấy công ty không có khả năng giải quyết nợ nên báo cáo tỉnh Long An tiếp tục kế hoạch cưỡng chế thi hành án.

Theo thông tin từ Khang Thông, mới đây Tập đoàn Vina Oscar Hotel đã ký hợp đồng mua lại 88% cổ phần hạng mục khu giải trí 305 ha trong dự án Happyland với mức giá 668 triệu USD.

Cách đây 15 năm, một siêu dự án xây dựng đảo nhân tạo mang hình hoa phượng 5 cánh được khởi công tại Đồ Sơn, Hải Phòng. Nhưng một thập kỷ qua, dự án vẫn không thể hoàn thiện dù đã được thành hình.

Siêu dự án hoành tráng tắt lịm, đại gia ngàn tỷ âm thầm thoát thân-2
Dự án đảo nhân tạo

Dự án do Tập đoàn Daso làm chủ đầu tư với ý tưởng thiết kế đảo nhân tạo. Toàn bộ diện tích của dự án mang hình ảnh một bông hoa phượng nổi trên mặt nước với 5 cánh hoa khoe sắc. Trục đường chính nối đảo như là cuống hoa, các tuyến giao thông nội bộ uốn lượn mềm mại như gân của những cánh hoa. Tuy nhiên, từ đó đến nay, siêu dự án này vẫn có thêm thông tin gì khác. Nhiều thông tin cho rằng thực chất dự án đã ngừng hoạt động.

Năm 2008, dư luận cả nước xôn xao trước tin ông Hoàng Kiều sẽ đưa cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2010 về cù lao Thới Sơn (xã Thới Sơn, TP Mỹ Tho, Tiền Giang). Theo dự án, tại khu này sẽ có 500 nhà nghỉ dạng bungalow được xây dựng theo kiến trúc dân dã Nam bộ nhưng đầy đủ tiện nghi phục vụ thí sinh dự thi và quan khách; nhà hàng gần 1.000 chỗ và sân khấu lớn phục vụ thi HHTG rộng 5.000 chỗ ngồi; khu mua sắm, triển lãm, spa...

Sau đó, người dân ở đây còn sốc hơn khi ông Hoàng Kiều bỏ hàng chục tỷ đồng mua đất và triển khai xây dựng hàng loạt công trình phục vụ cho cuộc thi Hoa hậu Thế giới khiến giá đất ở đây tăng vùn vụt. Tuy nhiên, vì nhiều lý do dự án đã dừng lại, tỷ phú Hoàng Kiều quay về Mỹ để lại giấc mộng “chân dài” vỡ tan cho người miền Tây.

Những ông lớn nghỉ dưỡng gặp khó

Con số lỗ hàng trăm tỷ đồng đang khiến cho tham vọng của Ninh Vân Bay trở thành một trong những ông trùm bất động sản nghỉ dưỡng dường như khá xa vời. Ninh Vân Bay được thành lập năm 2006, tiền thân là Công ty Đầu tư và Xây dựng Tuấn Phong, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.

Nắm trong tay các dự án nghỉ dưỡng cao cấp với kết quả kinh doanh cao, nhưng bản thân Ninh Vân Bay lại kinh doanh ngày càng bết bát. Sử dụng vay nợ để đầu tư trong bối cảnh chi phí vốn tăng cao, chính sách thắt chặt tín dụng, cùng nhu cầu từ thị trường ngày càng sụt giảm khiến hoạt động của Ninh Vân Bay rơi vào vòng luẩn quẩn vay - trả - vay không lối thoát.

Năm 2016, công ty đã nỗ lực tái cơ cấu và tạm thời vượt qua khó khăn khi bước đầu có lợi nhuận 16 tỷ đồng. Mặc dù vậy, bước sang chặng đường mới năm 2017, Ninh Vân Bay vẫn tiếp tục đối mặt với những khó khăn về tài chính buộc đại gia này tiếp tục phải gồng mình vượt dốc.

Cuối năm 2017, lỗ lũy kế của Ninh Vân Bay là 690 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ công ty là 905 tỷ đồng. Như vậy, lỗ lũy kế đã ăn mòn 3/4 vốn của công ty. Giá trị tài sản của công ty chỉ còn 535 tỷ đồng so với mức hơn 1.300 tỷ đồng hồi đầu năm.

Năm 2018, Ninh Vân Bay đạt doanh thu trên 35,84 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt khoảng 23,097 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh năm 2018 đã tăng nhiều so với năm 2017. Công ty không thực hiện các khoản đầu tư lớn nào mà tập trung chủ yếu việc chuyển nhượng, thu hồi khoản đầu tư vào các công ty liên kết. Sau dự án Six Senses Saigon River, Ninh Vân Bay tiếp tục dứt ruột bán đi dự án Emeralda Ninh Bình, từng được coi là dự án trọng điểm.

Cũng từng tham vọng trong lĩnh vực này là Công ty cổ phần Khách sạn và dịch vụ Đại Dương, một thời đứng sau là đại gia Hà Văn Thắm. Ocean Hospitality tiền thân là Công ty cổ phần Xây dựng - Thương mại Bảo Long, được thành lập năm 2006. Năm 2009, doanh nghiệp này đổi tên như hiện nay và thành công ty con của Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) của ông Hà Văn Thắm.

Ocean Hospitality quản lý và đầu tư xây dựng chuỗi khách sạn cao cấp mang thương hiệu Sunrise đạt tiêu chuẩn 5 sao quốc tế và StarCity Hotel đạt tiêu chuẩn 4 sao quốc tế tại TP.HCM, Nha Trang, Hội An (tỉnh Quảng Nam), Hà Nội và Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh).

Ocean Hospitality có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, nhưng sau quá trình hoạt động kinh doanh gặp nhiều sóng gió, công ty đã bị thua lỗ mất gần 1.000 tỷ đồng, nên vốn chủ sở hữu hiện chỉ còn hơn 1.000 tỷ đồng. Sau cú sốc, OCH đã phải chia tay với nhiều dự án.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu OCH của Ocean Hospitality rơi vào diện kiểm soát từ 16/4/2018 do lợi nhuận sau thuế công ty mẹ hai năm 2016 và 2017 là âm. Gần đây, OCH quyết định chuyển nhượng phần vốn góp tại dự án Starcity Airport và Công ty Viptour Togi.

Trong nhiều năm trước đây, OCH đều thuyết minh khoản phải thu 500 tỷ đồng từ ông Hà Trọng Nam, anh trai Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Đại Dương Hà Văn Thắm là khoản tạm ứng mua Kem Tràng Tiền. Và chưa có thông báo nào cho thấy ông Nam đã thanh toán khoản tạm ứng này.

Hồi cuối năm 2017, ông Nam không chỉ “nợ” OCH 499 tỷ đồng, OCH còn ghi nhận khoản phải thu ngắn hạn lên tới 128 tỷ đồng với ông Nam. Như vậy, anh trai ông Hà Văn Thắm nắm giữ 628 tỷ đồng của OCH trong thời gian dài.

 

Theo VietNamNet


Những dự án nghìn tỷ

Biệt thự tiền tỷ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.