Thuế TTĐB cho nước ngọt: Một trường hợp cá biệt?

Chuyên gia kinh tế gọi Dự thảo đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước ngọt có ga không cồn của Việt Nam là một chuyện lạ. Cùng đó, tác dụng lợi ích tổng thể cho nền kinh tế cũng bị giới chuyên gia đặt nhiều dấu hỏi.

Chuyên gia kinh tế gọi Dự thảo đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước ngọt có ga không cồn của Việt Nam là một chuyện lạ. Cùng đó, tác dụng lợi ích tổng thể cho nền kinh tế cũng bị giới chuyên gia đặt nhiều dấu hỏi.

Nghi ngại phân biệt đối xử


Chia sẻ tại Diễn đàn “Triển vọng ngành thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam”, do Phòng Thương mại Mỹ (Amcham) và Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hôm 28/3, chủ đề chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt dự kiến áp cho nước ngọt có gas mới đây của Bộ Tài chính được thảo luận sôi nổi.

Ban Thực phẩm và đồ uống của Amcham cho biết, yếu tố “có gas” lại là đối tượng chính để đánh thuế của Bộ Tài chính. Trong khi hầu hết các quốc gia hiện nay, nếu có đánh thuế lên đồ uống, thực phẩm thì chủ yếu dựa vào hàm lượng đường, hay chất béo… là các chất được cho là có nhiều tác hại tới sức khỏe nếu dùng nhiều.


Với dự kiến của Bộ Tài chính, những loại nước ngọt không có gas- nhưng có thể không tốt cho sức khỏe vì chứa nhiều đường sẽ không bị đánh thuế. Còn những loại nước ngọt có gas, bao gồm cả thức uống cho người ăn kiêng – loại đồ uống được khuyến khích dùng- cũng sẽ bị đánh thuế.

Ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành của Amcham chia sẻ: “Chúng tôi không thấy bất cứ nơi đâu có sắc thuế nào tương tự và ông nhấn mạnh. Nếu áp dụng thì Việt Nam sẽ là quốc gia đầu tiên đánh thuế như vậy”.

Cũng đồng tình với nhận định trên, ông Sesto Vecchi, Luật sư điều hành công ty Russin & Vecchi băn khoăn, liệu có phải hàm lượng gas là nguyên nhân khiến loại đồ uống này chịu thêm một loại thuế mới dù trên thực tế, CO2, dựa trên các nghiên cứu khoa học, không có hại đến sức khỏe, thậm chí còn có lợi cho sức khoẻ. Vị chuyên gia này đề nghị, cần phải có nghiên cứu thêm về lý do đánh thuế như vậy.

“Các công ty của Hoa Kỳ chuyên về các sản phẩm “soda”, tức đồ uống có ga (CO2). Các loại nước ngọt được sáng chế tại Hoa Kỳ và hầu như mọi loại nước ngọt nổi tiếng trên thế giới (kể cả thương hiệu soda nước ngoài) đều được pha chế dựa trên công thức truyền thống của Hoa Kỳ.

Các công ty Việt Nam chủ yếu sản xuất nước hoa quả, cà phê và trà. Do đã nói ở trên về sự liên quan của CO2 với sức khỏe nên nếu áp thuế TTĐB lên nước ngọt có ga chỉ tạo điều kiện cho các công ty nội địa chuyên sản xuất nước không có ga (nước quả, trà, cà phê) những lợi thế hơn hẳn các công ty sản xuất nước có ga có vốn đầu tư nước ngoài” luật sư Sesto chia sẻ.

Đại diện Amcham cho biết, nhìn vào thị trường nước ngọt hiện nay, hầu hết sản phẩm nước ngọt có gas lại là do các công ty nước ngoài sản xuất, chiếm tới 88% và chủ yếu là các công ty Mỹ. Nước ngọt không gas chủ yếu do công ty trong nước sản xuất. Khi đánh thuế, nước ngọt có gas sẽ có giá cao hơn, người tiêu dùng sẽ chuyển dần sang sử dụng đồ uống nước ngọt không gas.

Nói cách khác, chính sách thuế mới này có vẻ như đang hàm ý chỉ “nhắm” vào các doanh nghiệp FDI, qua đó, Nhà nước âm thầm bảo hộ hay bảo vệ cho doanh nghiệp trong nước. Nếu vậy, đây sẽ là một chính sách phân biệt đối xử nặng nề. Một sắc thuế như vậy sẽ gửi tín hiệu tiêu cực đến nhà đầu tư và làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư, Amcham lo ngại.

Tác dụng ngược

Trong khi giới chuyên gia quốc tế còn băn khoăn về “động cơ” đánh thuế thì TS. Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã đưa ra một dự báo đáng lo ngại khác.

TS Chung cho hay, ngành đồ uống hiện nay đóng góp tới 15% trong GDP, xấp xỉ với ngành nông nghiệp đóng góp 19% GDP. Khi đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 10% thì lượng cầu đồ uống có thể giảm 28%.

Theo TS Chung tính toán, khi đưa thuế vào giá bán lẻ, lợi nhuận mất đi 1 năm của ngành đồ uống Việt Nam sẽ vào khoảng 1.000 tỷ đồng. Nếu đưa thuế vào giá xuất xưởng, lợi nhuận mất đi sẽ vào khoảng 851 tỷ đồng.

Trong khi đó, nguồn thu chỉ được dự kiến tăng thêm cho hai trường hợp trên lần lượt chỉ là 145 tỷ hoặc 234 tỷ đồng.


“Lúc đầu nguồn thu thuế có thể tăng lên, nhưng sau sẽ giảm xuống, giống như trường hợp của Indonesia. Tuy nhiên những nghiên cứu này mới dừng lại ở tác động rất trực tiếp. Còn các yếu tố bị ảnh hưởng khác như lao động, việc làm, các nhà cung cấp mía đường, nguyên liệu, … thì chưa tính hết được”, TS Chung cho biết.

Ông Sesto cũng cho rằng, khi áp dụng sắc thuế mới, một chuỗi cung ứng sản xuất sản phẩm như nông dân trồng mía, doanh nghiệp đường, bao bì, nhãn mác, hệ thống phân phối, bán lẻ… sẽ bị ảnh hưởng. Và điều này sẽ tác động tiêu cực tới cả người lao động và người tiêu dùng.

TS. Phan Hữu Thắng, Giám đốc tư vấn cấp cao Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhậptoàn cầu bình luận, để xem xét áp thuế tiêu thụ đặc biệt hay không thì phải cân nhắc 3 vấn đề, liệu nước ngọt có gas có phải sản phẩm xa xỉ hay không, có tổn hại sức khỏe hay không và có tăng thu ngân sách hay không.

Theo đó, cơ quan soạn thảo chính sách cần có tính toán khoa học trên cơ sở tổng hợp so sánh như tăng thu ngân sách được bao nhiêu % nhưng có thể làm giảm tiêu thụ ngành hàng này như thế nào. Khi đánh thuế, phải tính đến cả lợi ích kinh tế chung.

Phạm Huyền



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.