Tranh thủ trả cổ tức "chạy" thuế

Hàng loạt công ty ráo riết hoàn tất thủ tục kịp chốt danh sách trả cổ tức, chia thưởng cổ phiếu cho cổ đông, trước khi quy định miễn thuế thu nhập từ chứng khoán hết hiệu lực vào cuối năm nay.

Việc chi trả cổ tức năm nay được các doanh nghiệp khởi động khá sớm, từ quý II và rầm rộ trong quý III. Dù còn một tháng rưỡi nữa mới kết thúc năm, nhưng nhiều công ty đã tranh thủ chốt danh sách chia trả cho cổ đông trong tháng 12. Đơn cử như Công ty cổ phần Phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (HDC) chốt danh sách trả cổ tức đợt 1 vào ngày 16/11, với tỷ lệ 10:1.

Cổ đông VSH sẽ nhận cổ tức bằng tiền mặt đợt 1 vào ngày 18/12 với tỷ lệ 10% trên mệnh giá (sở hữu một cổ phiếu nhận 1.000 đồng). Cũng trong tháng 12, SSI sẽ thanh toán cổ tức năm 2008 với tỷ lệ 10%. Các doanh nghiệp như ACE, TDH, STB, MCG, VNM, HAG, SJS, GMD, DTT, UNI, PLC... cũng thực hiện chốt danh sách chia cổ tức, thưởng cổ phiếu cho cổ đông.

Động thái này của các doanh nghiệp ngoài mục đích tăng vốn điều lệ nhằm tăng năng lực tài chính, còn giúp nhà đầu tư "né" một phần thuế. Bởi từ ngày 1/1/2010, các khoản thu nhập từ cổ phiếu thưởng, cổ tức bị đánh thuế 5%. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán thiếu thông tin hỗ trợ đủ mạnh để bứt phá, thì hàng loạt tin chia thưởng, trả cổ tức thời gian gần đây phần nào hỗ trợ thị trường.

Cùng thời điểm này năm ngoái, các công ty niêm yết cũng ào ạt tạm ứng, chia cổ phiếu thưởng từ các khoản thặng dư vốn cho cổ đông, do lo ngại khoản thu nhập này sẽ chịu thuế thu nhập cá nhân 5% trong năm 2009.

Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia, nhà đầu tư không nên chỉ nhìn xem doanh nghiệp nào chia thưởng để mua cổ phiếu đó. Bởi bản chất sự việc này không làm tăng nguồn vốn chủ sở hữu, không làm tăng giá trị công ty về mặt sổ sách kế toán tại thời điểm thực hiện, mà chỉ tăng lượng cổ phiếu lưu hành, dẫn đến lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu tạm thời giảm xuống.

Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán SJC, phong trào chia thưởng những tháng cuối năm sẽ khiến doanh nghiệp nặng gánh cổ tức ở năm sau, bởi lượng cổ phiếu lưu hành sẽ tăng lên. Các công ty phải thực sự còn nhiều tiềm năng phát triển để có thể dành nhiều hơn lợi nhuận sau thuế trả cổ tức vào năm sau.

Ông Tuấn cũng nói thêm, nhiều cổ phiếu khi có tin đồn chia thưởng, giá đẩy lên 15-20%, đến giai đoạn họp thông qua phương án tăng thêm 10-15%, và khi nộp lên cơ quan quản lý giá cổ phiếu cao lên 5-10% nữa và chấm dứt giai đoạn tăng trưởng mạnh khi thông tin chia thưởng chính thức công bố trên thị trường.

Nhiều nhà đầu tư chậm chân, gom vào ở giai đoạn cuối đã nhận phải "trái đắng". Giá chứng khoán đã khựng đà tăng, ngược lại còn quay đầu đi xuống liên tục, bởi ý nghĩa của thông tin chia thưởng đã phản ảnh hết vào chu kỳ tăng vừa qua.

Còn ông Lê Đạt Chí, Đại học Kinh tế TP HCM, cho rằng, việc chia thưởng chỉ tác động ở góc độ tâm lý nhà đầu tư. Xét về bản chất giá trị nội tại của doanh nghiệp không hề thay đổi. Nhiều cổ phiếu chia thưởng với tỷ lệ 1:1, khiến giá sau chia giảm đến một nửa, mức hấp dẫn để nhà đầu tư mua vào đa dạng hóa danh mục, tạo thanh khoản cao cho cổ phiếu.

Hơn nữa, khi chưa kịp niêm yết bổ sung, đối tượng đầu cơ lợi dụng lúc tâm lý nhà đầu tư đang phấn chấn đẩy giá lên. Kiểu tăng chóng vánh, không xuất phát từ thực chất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ nhanh chóng trở về giá trị thực của nó. Do vậy, theo ông Chí, nhà đầu tư không nên quá kỳ vọng vào việc chia thưởng.

Một số công ty sẽ không kịp tiến độ chốt chia thưởng cho cổ đông trong năm nay khi không đầy hai tháng nữa sẽ kết thúc năm 2009, song vẫn lên kế hoạch chia trả theo phong trào. Tuy nhiên, thông tin này hiện đã phổ biến ở hầu hết các mã, nên không còn tác động nhiều đến thị trường như những tháng trước đây, ông Chí chia sẻ.

Trong khi đó, đứng ở góc độ nhà đầu tư, anh Hoàng, sàn SSI cho rằng, việc doanh nghiệp niêm yết chi trả cổ tức sớm cho nhà đầu tư chủ yếu do áp lực từ phía các cổ đông. Bởi thực tế, doanh nghiệp không có lợi ích gì từ việc này, chưa nói đến việc phải đẩy nhanh tiến độ công việc trước cuối năm.

Nhà đầu tư này cho rằng, nếu bị đánh thuế cổ tức, thì khoản lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết đã bị đánh thuế 2 lần. Theo đó, khi doanh nghiệp làm ăn có lãi, nguồn lợi nhuận đã chịu thuế suất 25% của thuế thu nhập doanh nghiệp. Nếu khi khoản lợi nhuận đó được chia cho nhà đầu tư mà bị đánh thuế, thì sẽ là lần thứ hai.

Thực tế, việc đánh thuế đối với cổ tức chủ yếu có ảnh hưởng tới những nhà đầu tư lớn, còn với những người đầu tư nhỏ lẻ, tác động sẽ không đáng kể. Anh Hoàng cũng cho rằng, trường hợp thuế đối với cổ tức được áp dụng, có khả năng nhà đầu tư sẽ yêu cầu được doanh nghiệp trả cổ tức bằng hình thức khác, chẳng hạn bằng cổ phiếu thưởng, để tránh bị đánh thuế như khi nhận tiền mặt.

Cuối tháng 10, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã đánh giá tác động của việc chia cổ phiếu thưởng. Theo VAFI, có một thực tế là cứ chia tách, giá cổ phiếu lại lên, nhà đầu tư không đánh giá được mục đích chia tách có hợp lý không, và xảy ra tình trạng lạm dụng để làm giá cổ phiếu nhằm thu lợi cho cá nhân.

Đối với vấn đề này, VAFI khuyên nhà đầu tư nên nhìn vào giá thị trường của cổ phiếu chuẩn bị chia tách so với mặt bằng giá thị trường xem ở vị thế cao hay thấp. Đồng thời tính toán lợi nhuận tương lai của doanh nghiệp để xác định chỉ số P/E, EPS... của tương lai là cao hay thấp. "Nếu các chỉ số tài chính hiện tại và tương lai là cao thì không nên mua", VAFI khuyến cáo.

Theo Ngọc Hường



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.