Lưu ý khi chọn mua mứt, rượu, bánh kẹo ngày Tết

KTĐT - Ngày Tết, nhu cầu của người dân về các loại thực phẩm khô, hoa quả khô, bánh mứt kẹo rất lớn. Nhưng trên thị trường hiện nay, lợi dụng nhu cầu tăng cao, nhiều chủ kinh doanh nhập về các loại hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ cũng như không đảm bảo yêu cầu về chất lượng, vệ sinh để bán cho người dân.

KTĐT - Ngày Tết, nhu cầu của người dân về các loại thực phẩm khô, hoa quả khô, bánh mứt kẹo rất lớn. Nhưng trên thị trường hiện nay, lợi dụng nhu cầu tăng cao, nhiều chủ kinh doanh nhập về các loại hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ cũng như không đảm bảo yêu cầu về chất lượng, vệ sinh để bán cho người dân.

Để tránh xảy ra tình trạng ngộ độc, người tiêu dùng nên chủ động biết cách chọn những thực phẩm an toàn bảo vệ sức khỏe cho gia đình.

Mứt Tết

Khi chọn mua bánh mứt nên chọn loại có bao bì, nhãn hiệu và địa chỉ rõ ràng. Cũng như các loại mứt có đầy đủ giấy chứng nhận chất lượng của cơ quan chức năng.

Đối với bánh mứt có màu sắc loè loẹt, tươi sáng là do sử dụng màu công nghiệp chứa nhiều kim loại nặng nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người sử dụng có thể dẫn đến nhiều chứng bệnh về ung thư, rối loạn tiêu hoá, thần kinh ...

Với những loại mứt khô nên chọn loại có màu sắc tự nhiên, hạn chế loại có nhiều màu tổng hợp. Chú ý, nên mua những loại mứt bao bì còn nguyên vẹn, được bày bán nơi thoáng mát, mới sản xuất và còn hạn sử dụng.

Khi mua, phải đọc kỹ nhãn hiệu bao bì, nên mua mứt của những nhà sản xuất có uy tín trên thị trường; mua ở nơi tin cậy như siêu thị, đại lý, … vì có sự kiểm soát chất lượng vệ sinh sản phẩm.

Dùng các giác quan như: nhìn, ngửi, sờ, nếm… để phát hiện mứt có bị mốc, mùi hôi, chảy nước, mùi chua hay không.

Hạt dưa

Hạt dưa là loại hạt dễ bị tẩm, nhuộm các loại hóa chất độc hại như Rhodamine B gây hại cho cơ thể. Nếu ăn hạt dưa nhuộm Rhodamine B lâu dài sẽ gây suy gan, thận và ung thư.

Dưa nhuộm bằng Rhodamine B thường có màu đỏ sẫm, nhìn như sơn, khi cho vào miệng không bị phai màu trong miệng.

Nếu hạt dưa nhuộm bằng phẩm màu công nghiệp (dùng trong nhuộm vải sợi...) thường có màu sáng bóng, không bị phai, kể cả khi tiếp xúc với nước.

Còn hạt dưa nhuộm bằng phẩm màu thực phẩm có màu sắc tự nhiên, không quá đậm, không sáng bóng, dễ bị phai, nhòe khi gặp nước nên màu rất dễ dính vào tay và da khi sử dụng. Khi để ẩm sẽ dính màu vào vải bông, vải lụa.

Khi mua hạt dưa nên chọn loại hạt có màu đỏ nâu tự nhiên, không có màu đỏ hay hồng tươi cũng như không bị cháy đen.

Không chọn loại có phết dầu lên vỏ bóng nhẵn. Nên chọn những loại khi cầm hạt lên cắn thì tay, môi, lưỡi không dính màu đỏ; hạt bên trong màu trắng ngà, có vị béo ngậy đặc trưng. Nên thử trước khi mua bằng cách cho cả hạt vào miệng để ngấm nước bọt rồi cho vào lòng bàn tay xoa xem có bị phai màu không.

Nếu thấy hạt dưa có màu lạ, mùi hôi dầu hay hôi mốc, ăn thấy vị đắng khác lạ thì không nên dùng.

Rượu

Uống rượu là nét văn hóa có từ lâu đời của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tết là thời điểm nhiều rượu bia trên được tiêu thụ lớn nhất trong năm. Và đây cũng là thời điểm gia tăng tình trạng ngộ độc do uống phải rượu bia giả, kém chất lượng.

Các loại rượu giả thường có mùi đặc trưng và khá giống với rượu thật nhưng thành phần trong đó có cả các chất như chì, axit xitric cao, thậm chí cả chất furfurol… nguy hiểm cho sức khỏe và gây ra các bệnh như; tim mạch, ung thư, mất trí nhớ, dị tật thai nhi.

Trước khi mua rượu, người tiêu dùng nên kiểm tra tem, nhãn và nắp chai (nhãn mác giả thì không có độ sắc nét và không có ánh kim như nhãn mác chính hãng); các thương hiệu uy tín thường công bố độ tuổi của rượu bằng các con số in lớn như 12, 18, 25… trên nhãn mác để khẳng định giá trị sản phẩm; kiểm tra nút bi tại cổ chai, bởi đây là loại chai chỉ có thể rót ra chứ không đổ từ bên ngoài vào được.

Đặc biệt, khi mở chai rượu ra, nếu thấy có mùi xốc của cồn tức là rượu đó có hàm lượng cồn cao. Người uống cần lắc nhẹ ly để kiểm tra độ bám của rượu ở thành ly. Những loại rượu lâu năm và thật thường tỏa ra mùi vị đặc trưng và rượu có độ đặc sánh, khi lắc sẽ còn bám nhẹ trên thành ly.

Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, loại rượu gây ngộ độc nhiều nhất là rượu có nồng độ methanol và ethyl glycol cao, do dân tự nấu, tự pha chế. Hai chất hóa học độc hại này thường dùng trong công nghiệp như chế biến sơn, đánh bóng đồ gỗ… Điều quan trọng là người dân cần có biện pháp phòng ngừa, không ngâm rượu vào trong các bình thiếc. Đồng thời, phải phát hiện sớm bệnh nhân bị ngộ độc để đưa đi cấp cứu kịp thời, khi đó chất độc chưa ngấm sâu vào cơ thể nên các biện pháp điều trị sẽ phát huy tối đa tác dụng.

Dấu hiệu đầu tiên khi bị ngộ độc chì cấp tính là người bệnh bị nôn ọe, bụng đau dữ dội, miệng có mùi của kim loại. Những người bị nặng do uống nhiều rượu có lượng chì cao có thể bị tổn thương gan, gan sưng to, mê sảng, giật mình, huyết áp tăng cao.

Bánh kẹo

Hiện nay, nhiều sản phẩm bánh ngoại nhập khẩu có xuất xứ không rõ ràng thường tiềm ẩn hiện tượng trộn bánh đã hết hạn sử dụng, hoặc trộn bánh kém chất lượng (giá trị dinh dưỡng thấp) không tương xứng với bao bì mẫu mã.

Trước tình trạng trên, lời khuyên của các chuyên gia thị trường là hãy chọn sản phẩm chất lượng của những thương hiệu uy tín. Người tiêu dùng không nên vì giá rẻ hay chuộng “mác” ngoại mà mua bánh kẹo ngoại không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng như không đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nếu chọn giỏ quà gói sẵn để biếu, người tiêu dùng cũng nên cẩn trọng, xem kỹ cơ cấu sản phẩm được gói bên trong, tránh mua nhầm hàng ngoại kém chất lượng.

Theo KT&ĐT



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.