Bệnh viện Nhi đồng 2 tăng đột biến số trẻ mắc Sởi, tất cả 15 ca đều không được tiêm chủng đầy đủ

Chỉ trong 3 tuần cuối của tháng 8, BV Nhi đồng 2 phát hiện 25 trường hợp sốt phát ban, trong đó, có 15 trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính với Sởi.

Chỉ trong 3 tuần cuối của tháng 8, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2 (TP.HCM) phát hiện 25 trường hợp sốt phát ban, trong đó, có 15 trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính với Sởi.

Thông tin này được Sở Y tế TP.HCM cho biết trong ngày 1/9.

Cụ thể trong 7 tháng đầu năm 2018, toàn thành phố chỉ phát hiện 4 ca bệnh Sởi, ca gần nhất là vào tháng 6/2018. Các ca bệnh hoàn toàn không có mối liên hệ dịch tễ với nhau.

Tuy nhiên từ ngày 6/8 đến ngày 30/8, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của TP.HCM đã ghi nhận BV Nhi đồng 2 có 25 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, hầu hết các bệnh nhân đến từ nhiều tỉnh thành của miền Nam.

Sau khi tiến hành xét nghiệm, có 15 trường hợp dương tính với Sởi, trong đó có 1 trường hợp sống ở TP.HCM. 

Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM).

Đáng chú ý, ngoài 8 trường hợp trẻ bị bệnh dưới 9 tháng tuổi (chưa đến thời điểm tiêm vắc xin Sởi) thì những trẻ còn lại đều chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ.

Bên cạnh việc tích cực điều trị, BV Nhi đồng 2 đã khẩn trương triển khai các biện pháp cách ly, vệ sinh môi trường, kiểm soát nhiễm khuẩn để phòng ngừa lây nhiễm chéo và tổ chức phân luồng cho trẻ đến khám bệnh có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh Sởi.

Đại diện Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM cho biết, hiện nay bệnh Sởi đang có khuynh hướng gia tăng tại nhiều quốc gia trên Thế giới, kể cả các nước Châu Âu. 

Tại Việt Nam, bệnh Sởi đang gia tăng ở các tỉnh phía Bắc trong bối cảnh giao thương đi lại thuận lợi việc lây lan bệnh giữa các vùng miền là rất dễ dàng đối với các cá thể và cộng đồng chưa có miễn dịch với virus Sởi. Trong đó, các bệnh viện tuyến cuối tại TPHCM chắc chắn sẽ là nơi đầu tiên tiếp nhận các ca bệnh sởi của một số tỉnh lân cận. 

Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo khẩn trương triển khai các hoạt động kiểm soát bệnh Sởi trong BV và trong cộng đồng. 

Sở đề nghị tất cả các cơ sở khám chữa bệnh, các đơn vị dự phòng, các phòng y tế không được chủ quan, lơ là trong hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn, phải chú ý từng ca bệnh đề phòng tình trạng lây nhiễm chéo trong bệnh viện và cơ sở điều trị. 

Phụ huynh cần chú ý vệ sinh nhà cửa, hạn chế để trẻ tiếp xúc với người có triệu chứng đường hô hấp hoặc sốt hoặc phát ban.

Đối với dịch bệnh sởi đang lưu hành, các cơ sở y tế phải hết sức lưu ý trong công tác phòng chống. Phải thực hiện tiêm vắc xin sởi cho nhân viên tại các khoa nhiễm của BV, tại phòng khám chuyên khoa nhi... để phòng ngừa lây nhiễm.

 Khuyến cáo các gia đình có trẻ dưới 5 tuổi: 

- Đưa trẻ tiêm chủng vắc xin phòng bệnh Sởi, phải đảm bảo trẻ được tiêm mũi vắc xin phòng ngừa sởi khi trẻ tròn 9 tháng tuổi và mũi vắc xin Sởi thứ 2 phải được tiêm khi trẻ được 18 tháng. 

- Trong trường hợp hiện tại, nếu trẻ trên 9 tháng mà vẫn chưa được tiêm vắc xin Sởi mũi 1 hoặc trẻ trên 18 tháng mà vẫn chưa được tiêm vắc xin Sởi mũi 2 thì khẩn trương đưa trẻ ra Trạm Y tế phường để được khám, tư vấn tiêm bù vắc xin Sởi cho trẻ, càng sớm càng tốt.

Cần chủ động tiêm ngừa bệnh càng sớm càng tốt.

- Hạn chế để trẻ tiếp xúc với người có triệu chứng đường hô hấp hoặc sốt  hoặc phát ban; 

- Cha mẹ và người thân trong gia đình phải thực hiện rửa sạch tay bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc trẻ. Đồng thời tập cho trẻ thói quen rửa tay thường xuyên; Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng. 

- Nếu phát hiện trẻ có triệu chứng sốt hoặc phát ban cần đưa trẻ đi khám bệnh tại cơ sở y tế, hạn chế cho trẻ bệnh tiếp xúc với trẻ khác để đề phòng lây nhiễm ra cộng đồng. 

Theo Thời đại


Bệnh viện Nhi đồng

bệnh sởi


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.