Bệnh viện tư đầu tiên ở Việt Nam ghép gan thành công

BV Đa khoa Quốc tế Vinmec Hà Nội vừa thực hiện thành công ca ghép gan từ người cho sống, trở thành bệnh viện tư đầu tiên cả nước thực hiện được kĩ thuật khó này.

BV Đa khoa Quốc tế Vinmec Hà Nội vừa thực hiện thành công ca ghép gan từ người cho sống, trở thành bệnh viện tư đầu tiên cả nước thực hiện được kĩ thuật khó này.

Bệnh nhân được ghép gan là anh Mai Văn T. (46 tuổi, Hải Dương). Anh T. phát hiện xơ gan do viêm gan B và tiến triển thành ung thư gan từ cuối năm 2013.

Anh T. sau đó đã được mổ cắt gan trái, cắt 2/3 dạ dày từ năm 2014. Tuy nhiên, đến tháng 3 năm nay, khi đi kiểm tra lại, bác sĩ phát hiện ung thư gan tái phát ở gan phải. Bệnh nhân không còn sự lựa chọn nào khác ngoài ghép gan.

Tuy nhiên, việc tìm người ghép phù hợp gặp nhiều khó khăn. 2 em gái anh T. đăng ký hiến gan cứu anh, song một người không phù hợp vì bị viêm gan B, trường hợp còn lại không thể lấy vì mới thực hiện ca mổ cách đó 1 tuần.

Ngay sau đó, anh Hoàng Trung K. (42 tuổi) đã quyết định sẽ thay vợ hiến gan cho anh rể.

“Ban đầu tôi thoáng chút do dự vì là trụ cột trong gia đình, sợ ảnh hưởng sức khoẻ nhưng quan trọng là cứu được một mạng người. Vợ tôi bị viêm gan B không hiến được nên tôi đã nói với vợ sẽ cứu anh T, nếu không anh sẽ chết mất”, anh K. chia sẻ.

Ekip các chuyên gia, bác sỹ Hàn Quốc và Vinmec tiến hành ca ghép gan
 từ người cho sống đầu tiên trong vòng 13 giờ


Anh K. cho biết, trước đó cũng đã tự tìm hiểu và được biết phần gan cắt đi sẽ được lấp đầy trở lại, sức khoẻ có ảnh hưởng nhưng không nhiều nên đã quyết định để bác sĩ cắt 60% lá gan của mình, tương đương thể tích 700cm3.

Ca ghép được thực hiện vào ngày 15/4, kéo dài 13 giờ do GS Chong Woo Chu - chuyên gia ghép tạng hàng đầu thế giới chủ trì phối hợp với các bác sĩ bệnh viện Vinmec Hà Nội.

Theo GS Bùi Đức Phú, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, đây là ca ghép khó, bệnh nhân đã mổ 3 lần nên nguy cơ dính tạng rất cao, gan của người cho cũng bất thường về cấu trúc, bất thường đường mật, mạch máu.

GS Bùi Đức Phú cùng ekip phẫu thuật thăm khám cho bệnh nhân ghép gan Mai Văn Tuân

Do là ca khó, nên khâu chuẩn bị kéo dài tới 45 ngày, kể từ khi chuyên gia sang hội chẩn với những thiết bị hiện đại nhất.

Trước khi ghép nối cho bệnh nhân T., các bác sĩ phải tách nối lại các mạch máu trên gan người cho. Khi ghép cũng phải chọn phương án kĩ thuật khác với truyền thống.

Sau ghép là quãng thời gian dài căng thẳng vì bệnh nhân phải đối mặt với nhiều biến chứng sau mổ như chảy máu, suy gan, nhiễm trùng, chống thải ghép...

Tuy nhiên do trình độ hồi sức tốt, hiện sức khỏe bệnh nhân T. đã ổn định, bắt đầu đi lại và phục hồi vận động, có thể ra viện trong tuần tới.

Sức khoẻ của người cho cũng tiến triển tốt, lá gan đang được tái sinh và lấp đầy.

Nụ cười của bệnh nhân Mai Văn Tuân sau 3 tuần ghép gan thành công

GS Phú cho biết, vào tháng 6 tới, BV sẽ thực hiện thêm 2 ca ghép gan. Đến cuối năm nay BV sẽ thành lập Trung tâm ghép tạng, tiến tới mở rộng sang ghép tim, ghép tuỵ. Đội ngũ nhân lực sẽ do GS Chu trực tiếp đào tạo.

Tại Việt Nam, từ 2004 đến nay mới thực hiện 20 ca ghép gan từ người cho sống và khoảng 40 ca ghép gan từ người cho chết não. Trong khi hiện đang có khoảng 1.500 bệnh nhân chờ đợi ghép gan.
Thiên Thư

Thiên Thư



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.